Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Vì sao ông Lê Văn Hiến đề nghị xem xét lại vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm?

CTV Hải Nguyễn

Thứ hai, 13/11/2023 - 21:00

(Thanh tra) - Công ty Luật TNHH LTH và ông Lê Văn Hiến có văn bản và đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm gửi TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao về vụ án dân sự “tranh chấp về thừa kế tài sản và yêu cầu hủy GCN QSDĐ” đối với Bản án số 444/2023/DS-PT ngày 08/09/2023 của TAND Cấp cao tại Hà Nội và Bản án số 01/2023/DS-ST ngày 13/01/2023 của TAND tỉnh Hưng Yên.

Bản án số 444/2023/DS-PT ngày 08/09/2023 của TAND Cấp cao tại Hà Nội

Vụ án “tranh chấp về thừa kế tài sản và yêu cầu hủy giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất (QSDĐ)” với nguyên đơn là ông Lê Văn Khuyến, bà Lê Thị Sưa, bà Lê Thị Nay và bà Lê Thị Lệ và bị đơn là ông Lê Văn Hiến, cùng thường trú tại xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Nội dung vụ án

Theo Bản án sơ thẩm số 01/2023/DS-ST ngày 12/1/2023 của TAND tỉnh Hưng Yên và các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ, đồng nguyên đơn gồm các ông (bà) Khuyến, Sưa, Lê, Nay và Lệ trình bày: Cụ Lê Văn Mộc và cụ Đỗ Thị Say sinh được 06 người con chung là Khuyến, Luyến, Hiến, Sưa, Nay và Lệ.

Cụ Mộc mất năm 2014, cụ Say mất năm 2021.

Khi còn sống, cụ Mộc, cụ Say đã tạo lập được tài sản gồm: Bản đồ địa chính 299 không có sổ mục kê. Thửa đất số 725 tờ bản đồ số 02, diện tích 844m2 mang tên Lê Văn Mộc. Bản đồ địa chính năm 1992 thể hiện thửa đất được tách làm 02 thửa là thửa 148 tờ bản đồ số 3 diện tích 380m2 sổ mục kê mang tên Lê Văn Mộc và thửa đất số 147 tờ bản đồ số 03 diện tích 289m2 sổ mục kê mang trên Lê Văn Luyến (Lê Văn Bé). Bản đồ địa chính năm 2010 thể hiện thửa đất cụ Mộc thể hiện tại thửa đất số 173 tờ bản đồ số 20 diện tích 419,7m2, sổ mục kê và sổ địa chính mang tên Lê Văn Hiến, Nguyễn Thị Mỹ.

Năm 1994, UBND huyện Châu Giang cấp GCNQSDĐ số 1044 QSDĐ ngày 30/11/1994 mang tên ông Lê Văn Mộc thửa đất số 148 tờ bản đồ số 03 diện tích 380m2, trong đó đất ở 300m2, đất vườn KTGĐ 80m2.

Ngày 22/10/2006, UBND xã Tân Châu đã kí xác nhận biến động với nội dung ông Lê Văn Mộc chuyển thừa kế quyền sử dụng thửa đất số 148 diện tích 380m2 tờ bản đồ số 03 cho con trai là Lê Văn Hiến theo xác nhận của UBND xã Tân Châu ngày 07/5/2003…

TAND tỉnh Hưng Yên đưa vụ án ra xét xử và ban hành Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2023/DS-ST ngày 13/1/2023.

Không đồng ý với bản án trên, ông Lê Văn Hiến kháng cáo bản án trên tới TAND Cấp cao tại Hà Nội.

Ngày 8/9/2023, TAND Cấp cao tại Hà Nội ban hành Bản án số 444/2023DS-PT về việc “tranh chấp về thừa kế tài sản và yêu cầu hủy GCN QSDĐ”, quyết định không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Lê Văn Hiến và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Mỹ.

TAND Cấp cao sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2023/DS-ST ngày 13/1/2023 của TAND tỉnh Hưng Yên về phần xác định mục đích sử dụng đất.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn Khuyến, bà Lê Thị Sưa, Lê Thị Nay, Lê Thị Lệ, cụ thể: Hủy GCNQSDĐ, quyền sử dụng nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BI615773, số vào sổ cấp GCN: CH 05140 do UBND huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cấp ngày 4/10/2011 mang tên Lê Văn Hiến, Nguyễn Thị Mỹ.

Xác định phần đất có diện tích 190 đất ở nằm trong thửa đất số 173 tờ bản đồ số 20 diện tích 414,7m2 vị trí thửa đất tại thôn Mãn Hòa, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên và công trình trên đất do vợ chồng cụ Say và cụ Mộc xây dựng có tổng giá trị 1.071.386.000 đồng là di sản thừa kế của cụ Say và cụ Mộc (hiện ông Lê Văn Hiến đang quản lý).

Trích công sức cho việc quản lý di sản cho ông Lê Văn Hiến 11.000.000 đồng tương ứng 2m2 đất ở.

Chấp nhận sự tự nguyện của ông Lê Văn Luyến, Lê Thị Sưa, Lê Thị Nay và Lê Thị Lệ, nhường kỷ phần thừa kế cho ông Lê Văn Khuyến.

Giao cho ông Lê Văn Khuyến, bà Lê Thị Sưa, Lê Thị Nay và Lê Thị Lệ phần đất có diện tích 152,4m2 đất ở theo hình các điểm A, B, C, D, E, F, G, H, I ,A và sở hữu toàn bộ công trình xây dựng trên đất bao gồm toàn bộ công trình xây dựng do cụ Mộc và cụ Say xây dựng và sở hữu toàn bộ công trình xây dựng, cây trồng do vợ chồng ông Hiến xây dựng và trồng nằm trên phần đất giao cho ông Khuyến.

Giao cho ông Lê Văn Hiến được quyền sử dụng phần đất có diện tích 37,6m2 đất ở theo hình G, K, L, H, G giáp phần đất hiện vợ chồng ông Hiến và bà Mỹ đang quản lý.

Ông Lê Văn Hiến cho rằng gia đình là chủ sử dụng hợp pháp diện tích đất 419,7m2 thuộc thửa đất số 173, tờ bản đồ số 20 tại thôn Mãn Hòa, xã Tân Châu, huyện Khoái Châu. “Nguồn gốc diện tích đất này là do bố mẹ tôi tặng cho cho vợ chồng tôi từ năm 2003. Khi bố mẹ tôi còn sống đã họp gia đình chuyển quyền thừa kế đất thổ cư cho vợ chồng tôi được thể hiện tại văn bản ngày 05/4/2003. Sau đó gia đình tôi đã được UBND huyện Khoái Châu cấp GCNQSDĐ số BI 615773 ngày 04/10/2011 mang tên vợ chồng tôi. Nhưng cả 2 cấp tòa tuyên như vậy ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng tôi…”, ông Lê Văn Hiến nói.

Công ty Luật TNHH LTH có Văn bản số 31/2023/CV-LTH ngày 17/10/2023 kiến nghị xem xét bản án đã có hiệu lực theo thủ tục giám đốc thẩm

Nhiều điểm chưa được làm rõ

Luật sư Đỗ Thành Hưng, Giám đốc Công ty Luật TNHH LTH cho rằng, tòa án hai cấp sơ thẩm và phúc thẩm đã không xem xét đến nguồn gốc, quá trình sử dụng đất.

Cụ thể: Ngày 05/04/2003, cụ Lê Văn Mộc và cụ Đỗ Thị Say lập văn bản giấy chuyển quyền thừa kế đất thổ cư thể hiện nội dung thừa kế toàn bộ 4 gian nhà cấp 4 và số diện tích đất thổ cư nằm trong sổ đỏ để sang tên chuyển quyền thừa kế cho ông Lê Văn Hiến sử dụng lâu dài, bản chất là tặng cho toàn bộ diện tích đất 419,7m2 thuộc thửa đất số 173, tờ bản đồ số 20. Kể từ khi được bố mẹ tặng cho QSDĐ, vợ chồng ông Hiến đã sử dụng ổn định, thường xuyên trên diện tích đất này cho đến nay. Trong quá trình sử dụng, vợ ông Lê Văn Hiến đã tạo lập tài sản, xây dựng một số công trình trên diện tích đất này. Đồng thời, việc vợ chồng ông Hiến sử dụng đất và xây dựng công trình trên đất, cụ Lê Văn Mộc và cụ Đỗ Thị Say đều biết (lúc còn sống cụ Mộc và cụ Say ở với vợ ông Hiến), các anh vào em đều biết việc sử dụng đất của vợ ông Hiến.

Sau đó, năm 2010 vợ chồng ông Hiến đã làm thủ tục để UBND huyện Khoái Châu cấp GCNQSDĐ số BI 615773 ngày 04/10/2011 mang tên vợ chồng ông Lê Văn Hiến đối với diện tích đất 419,7m2 thuộc thửa đất số 173, tờ bản đồ số 20. Tại thời điểm này, cơ quan có thẩm quyền đã cấp GCNQSDĐ theo đúng quy định pháp luật.

Không những vậy, trong quá trình sang tên, cấp GCN cho vợ chồng Lê Văn Hiến, cụ Mộc và cụ Say đều biết. Đặc biệt, các anh và em ruột đều sinh sống ở gần nhà đó, đều biết được vợ chồng ông Hiến đang làm thủ tục, hồ sơ để cấp GCN theo quy định và có ông Lê Văn Luyến (anh trai) ký xác nhận giáp ranh giới đối với diện tích 419,7m2.

Cũng theo luật sư Đỗ Thành Hưng, tòa án hai cấp chỉ căn cứ vào lời trình bày của người làm chứng, vi bằng lập ngày 11/11/2021 để bác bỏ giá trị pháp lý của giấy chuyển quyền thừa kế đất thổ cư lập ngày 05/04/2023 là thiếu khách quan.

Tại hai bản án của cấp sơ thẩm, phúc thẩm đều lập luận, cho rằng những người làm chứng là bà Lam, ông Suốt, ông Bàng, ông Khang… nói không tham gia vào cuộc họp; cụ Say khi còn sống đã có văn bản gửi xã Tân Châu xác nhận cụ Mộc, cụ Say không biết chữ và nội dung vi bằng để khẳng định giấy chuyển quyền thừa kế là không thể hiện ý chí, nguyện vọng của cụ Mộc và cụ Say là hoàn toàn không chính xác.

Nếu cụ Mộc và cụ Say không tặng cho tặng ông Lê Văn Hiến diện tích đất trên thì tại sao tại thời điểm vợ chồng ông Lê Văn Hiến xin cấp GCN để đứng tên cụ Mộc và cụ Say biết lại không phản đối. Hay tại thời điểm năm 2003, khi họp gia đình, cụ Mộc và cụ Say thể hiện ý chí, nguyện vọng cho ông Lê Văn Hiến được sử dụng diện tích đất 419,7m2 thuộc thửa đất số 173, tờ bản đồ số 20, có ông Lê Văn Luyến là anh trai có ký vào giấy chuyển quyền thừa kế này cũng không phản đối hay có ý kiến gì. Trải qua gần 20 năm, vợ chồng ông Hiến sử dụng đất không có ai có ý kiến gì? Chỉ đến khi cụ Mộc và cụ Say mất thì các anh em ông Hiến mới làm đơn khởi kiện đến tòa án để đòi đất, chia đất mà cụ Mộc và cụ Say đã cho ông Hiến.

Ngoài ra, vi bằng lập ngày 11/11/2021, thời điểm lập này sau đó vài tháng cụ Say mất, khi đó cụ Say đã tuổi cao không còn minh mẫn. Trước lúc cụ Say mất khoảng 3, 4 tháng, ông Khuyến mới đón cụ về để chăm sóc, lúc này gia đình mới phát sinh nhiều mâu thuẫn liên quan đến đất đai.

Chưa hết, Giám đốc Công ty Luật TNHH LTH còn cho rằng, tòa án hai cấp không làm rõ việc cụ Say có đơn gửi đến UBND xã Tân Châu để làm gì!

Bản án nêu: Khi còn sống, cụ Say đã có văn bản gửi UBND xã Tân Châu xác nhận cụ Mộc và cụ Say không biết chữ, mọi giấy tờ do con trai và con dâu làm, hai cụ chỉ điểm chỉ, không biết nội dung trong văn bản cụ thể như thế nào.

“Thực tế, hai cấp tòa án vẫn chưa làm rõ về căn cứ này, chưa xác nhận tại UBND xã Tân Châu về việc cụ Say làm văn bản đến UBND xã nhằm mục đích gì? Cụ Say có biết chữ để làm đơn không? Nội dung đơn như vậy thì UBND xã Tân Châu đã giải quyết đến đâu đều chưa được làm rõ?”, luật sư Đỗ Thành Hưng đặt vấn đề.

Vì những lý do nêu trên, căn cứ điểm a, c khoản 1 Điều 326 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, ông Lê Văn Hiến và luật sư đề nghị TAND Tối cao và Viện KSND Tối cao xem xét kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án số 444/2023/DS-PT ngày 08/09/2023 của TAND Cấp cao tại Hà Nội và Bản án số 01/2023/DS-ST ngày 13/01/2023 của TAND tỉnh Hưng Yên.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Lùm xùm việc điều động, bổ nhiệm Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hướng Hóa

Lùm xùm việc điều động, bổ nhiệm Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hướng Hóa

(Thanh tra) - Việc UBND huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Khánh Quân giữ chức vụ Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng làm dấy lên nhiều dư luận lo ngại khi chỉ trước 1 ngày quyết định có hiệu lực, Cơ quan Công an đã có thông báo và đề nghị xác minh, làm rõ, xử lý các hành vi vi phạm về đấu thầu, đầu tư xây dựng, trong đó có liên quan đến vị trưởng phòng này.

Minh Tân

12:40 19/10/2024

Tin mới nhất

Xem thêm