Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Vì sao đất bãi thải, mỏ vật liệu… bị người dân tái lấn chiếm?

CTV Khoa Lê

Chủ nhật, 31/12/2023 - 21:54

(Thanh tra) - Gần chục hộ dân ở huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đã tái lấn, chiếm bãi thải, mỏ vật liệu thuộc dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ để dựng rào hàng bằng trụ bê tông, trồng cây lâu năm…

Khu đất bãi thải, mỏ vật liệu tại thôn Mỹ Hiệp, xã Mỹ Sơn một phần đất bỏ trống, một phần người dân trồng cây trôm. Ảnh: Khoa Lê

Tái lấn, chiếm hàng ngàn mét vuông đất bãi thải, mỏ vật liệu

Những ngày cuối tháng 12/2023, chúng tôi đến thị trấn Tân Sơn và các xã Quãng Sơn, Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn để ghi nhận thực tế.

Tại một mỏ vật liệu và bốn bãi thải xã Mỹ Sơn, hiện có 6 hộ dân lấn chiếm. Phản ánh với cộng tác viên Báo Thanh tra, một số người dân cho biết - do chủ đầu tư dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ không xác định ranh giới, không cắm cột mốc thu hồi tại các bãi thải, mỏ vật liệu, bãi trữ nên các hộ dân đã tự xác định ranh giới để rào lại đất từ năm 2016 đến nay.

Hộ ông Vũ Mạnh N. ở phường Phước Mỹ, TP Phan Rang - Tháp Chàm thừa nhận đã rào hàng rào bằng dây kẽm gai, trên đất thuộc mỏ vật liệu để trồng cây bạch đàn khoảng 2 năm tuổi, với diện tích 38.840m2.

Tại các bãi thải số 2 và số 7, các hộ dân Trịnh Kim Th. (thôn Phú Thạnh) và Trần Thị H. (thôn Tân Mỹ) cùng xã Mỹ Sơn đang sử dụng trồng mía với diện tích khoảng 13.500m2.

Đáng chú ý, tại bãi thải số 3, 7, ông Huỳnh Tấn Nh. (thôn Tân Mỹ, xã Mỹ Sơn) đang sử dụng trồng keo khoảng 5 năm tuổi, với diện tích 700m2 và ông Trương H. (ở phường Đô Vinh, TP Phan Rang - Tháp Chàm) đang sử dụng trồng cây trôm, diện tích khoảng 2.000m2.

Nói về vấn đề này ông Nh. và ông H. đều cho biết: "Phần diện tích trồng keo, trôm đã được gia đình trồng trước khi có quyết định thu hồi đất. Sau khi có quyết định thu hồi đất thì đơn vị thi công không đổ thải hết diện tích đã bị thu hồi nên gia đình tiếp tục chăm sóc vườn keo, trôm để tăng thu nhập chứ gia đình không lấn chiếm và cam kết sau khi thu hoạch keo xong sẽ giao đất cho Nhà nước.

Chúng tôi cũng muốn chủ đầu tư nếu không sử dụng hết diện tích đất đã thu hồi để làm bãi thải thì nên giao lại cho địa phương quản lý, để chúng tôi có điều kiện được thuê lại đất để phát triển kinh tế gia đình".

Ở thị trấn Tân Sơn, có 1 bãi thải bị hộ ông Lê Châu Ch. và bà Lê Thị Bích Ng. lấn sang khoảng 8.500m2, hiện trạng đất đã trồng cây lâu năm (me, điều cây đã cho thu hoạch) và có hàng rào trụ bê tông kéo dây kẽm gai, chân hàng rào có xây móng bằng đá lô ca...

Hộ ông Lê Châu Ch. và bà Lê Thị Bích Ng nhận định: "Từ khi sử dụng đất còn lại không có đơn vị nào xác định ranh giới, cũng như cắm cột mốc thu hồi, do vậy gia đình đã tự xác định ranh giới để rào lại đất, trồng cây lâu năm từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018…".

Còn tại xã Quảng Sơn bãi thải số 5 và 6 diện tích hơn 3 hécta có dấu cày xới đất nhưng chưa có trồng cây hoặc sử dụng vào mục đích khác… Hiện nay các hộ dân đã chấp hành thực hiện việc di dời và trả lại diện tích lấn, chiếm.

Không hồ sơ liên quan nên khó quản lý

Ông Lê Văn Hà, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn cho cộng tác viên Báo Thanh tra biết, hiện nay các hồ sơ liên quan đến diện tích đất của mỏ vật liệu và các bãi thải do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) và Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận quản lý nên địa phương không thể xác định được diện tích sử dụng đất của các hộ dân.

"Địa phương cũng đề nghị Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 cắm lại các mốc cố định bằng trụ bêtông tiêu chuẩn và khi giao mốc phải có địa phương, hộ dân cùng các cơ quan chức năng phối hợp giám sát thực hiện, có như vậy mới kiểm soát được chặt chẽ hơn", ông Hà nói.

Liên quan đến vấn đề trên, ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn cho cộng tác viên Báo Thanh tra biết, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT đã bàn giao Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện hồ sơ các bãi thải, bãi trữ, mặt bằng thi công và mỏ vật liệu... Ngoài các hồ sơ trên, ban này chưa cung cấp được các hồ sơ, giấy tờ pháp lý liên quan đến việc sử dụng đất đối với các bãi vật liệu, bãi thải, bãi trữ và mặt bằng thi công.

Ông Hòa nói: "Huyện chỉ có nhiệm vụ giải phóng mặt bằng, sau khi hoàn thành huyện đã bàn giao lại cho hai ban trên để thực hiện dự án.

Sau khi họ thi công xong thì có những khu vực giao để làm bãi thải, bãi vật liệu họ không sử dụng hết nên bà con thấy đất trống đã tiến hành trồng tỉa. Tại thời điểm bà con trồng tỉa địa phương không xác định được ranh giới thu hồi hay cột mốc.

Đối với các hộ dân tái lấn, chiếm, huyện đã yêu cầu xã cho hộ dân ký cam kết sau khi thu hoạch phải trả lại đất. Đối với đất bãi thải, bà con muốn sử dụng buộc phải có đơn xin và làm cam kết bàn giao địa phương quản lý.

Thời gian tới địa phương đề nghị Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 7 khẩn trương thực hiện các bước quy trình để bàn giao đất đã thu hồi về địa phương quản lý".

Một vài hình ảnh về người dân tái chiếm bãi thải, bãi vật liệu ở Ninh Sơn:

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm