Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

UBND tỉnh Lâm Đồng cần xem xét thấu tình, đạt lý vụ việc của gia đình bà Tĩnh

CTV Nguyễn Hải

Thứ năm, 29/06/2023 - 09:45

(Thanh tra) - Hơn 20 năm qua, bà Huỳnh Thị Tĩnh, sinh năm 1949, thường trú tại thôn 5B, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng gửi đơn đến các cơ quan từ địa phương tới Trung ương xem xét giải quyết chính sách, quyền lợi của gia đình.

Bà Huỳnh Thị Tĩnh chỉ cho chúng tôi khu đất của mình đang phản ánh

Nguồn gốc sử dụng đất

Trước năm 1975, bà Huỳnh Thị Tĩnh tham gia kháng chiến và bị nhiễm chất độc hóa học. Sau giải phóng, bà là công nhân Nông trường Chè 19/8.

Năm 1981, được chính quyền địa phương đồng ý, bà Tĩnh về sinh sống và lập nghiệp tại xã Đinh Trang Hoà. Trong quá trình sinh sống tại đây, bà Tĩnh đã khai phá được một diện tích đất nằm sát bên Quốc lộ 20, phía sau cách 50m là hồ Đạ Nớ. Bà Tĩnh đã xây dựng 5 gian nhà ăn, ở sinh hoạt ổn định và buôn bán vặt (tại vị trí đất hiện nay).

Năm 2000, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt dự toán và thiết kế để UBND huyện Di Linh sửa chữa đập hồ Đạ Nớ. UBND huyện Di Linh thu hồi đất đối với 7 hộ dân đang ở, làm nhà ven hồ Đạ Nớ, trong đó có gia đình bà Tĩnh.

Theo phương án bồi thường, 6 hộ gia đình bị thu hồi đất được đền bù đất, tài sản trên đất và cấp tái định cư. Riêng gia đình bà Tĩnh không được bồi thường, chỉ được hỗ trợ 1.000.000 đồng/1.968m2, để di dời nhà cửa.

Không đồng thuận về phương án bồi thường, hỗ trợ và cách giải quyết của UBND huyện Di Linh, bà Tĩnh đã có nhiều đơn kiến nghị.

Năm 2001, UBND huyện Di Linh cưỡng chế phá dỡ 5 gian nhà nằm trên diện tích 1.968m2 đất mà gia đình bà Tĩnh đã sử dụng ổn định từ năm 1981.

Năm 2009, UBND huyện Di Linh báo cáo với UBND tỉnh Lâm Đồng cho Công ty TNHH Đại Nam Việt thuê 897,3m2 đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho công ty này (có một phần nằm trong thửa đất diện tích 1.968m2 của gia đình bà Tĩnh) để thực hiện dự án nhà hàng, khu giải trí hồ Đạ Nớ.

Ngày 20/1/2017, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cấp GCNQSDĐ số CD 929614 cho Công ty TNHH Đại Nam Việt thửa đất số 175, tờ bản đồ 47, diện tích 29.499,3m2, trong đó đất mặt nước chuyên dùng 17.702,3m2 (hồ Đạ Nớ, đất công do UBND xã quản lí); đất thương mại, dịch vụ 11.797,2m2.

Cho rằng cách giải quyết của UBND huyện Di Linh và UBND tỉnh Lâm Đồng ảnh hưởng tới quyền lợi của gia đình, bà Tĩnh tiếp tục gửi nhiều đơn kiến nghị đến cơ quan Trung ương đề nghị giải quyết.

Các cơ quan chức năng, chuyên môn ở Trung ương đã có nhiều văn bản chuyển đơn, đôn đốc UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Vợ chồng bà Huỳnh Thị Tĩnh cùng các huy chương, kỷ niệm chương kháng chiến

Ngày 6/1/2022, UBND huyện Di Linh có Công văn số 16/UBND-TD trả lời đơn đề nghị cấp GCNQSDĐ của bà Huỳnh Thị Tĩnh, trong đó nêu: Trước năm 1992, gia đình bà Tĩnh không sử dụng đất, không được Nhà nước giao đất, cấp đất tại vị trí thửa số 89, tờ bản đồ số 47. Diện tích 1.968m2 đã và đang sử dụng là do gia đình bà Tĩnh đã lấn chiếm, sử dụng. Do đó, UBND huyện Di Linh không có cơ sở xem xét giải quyết để công nhận QSDĐ và cấp GCNQSDĐ cho gia đình bà Huỳnh Thị Tĩnh.

Nhận định của luật sư

Theo hồ sơ vụ việc, luật sư Nguyễn Công Tá, Công ty Luật Khôi Việt nhận định, năm 1981, gia đình bà Huỳnh Thị Tĩnh đã khai hoang, phục hóa được 1.968m2 đất để trồng cây và làm nhà ở là phù hợp với Quyết định số 95-CP ngày 27/3/1980 và Quyết định số 254-CP ngày 16/6/1981 của Hội đồng Chính phủ về việc bổ sung chính sách khuyến khích khai hoang phục hóa. Việc gia đình bà Tĩnh bỏ công sức, mồ hôi và chi phí để khai hoang được chính quyền xã cho phép, và được Chủ tịch UBND huyện Di Linh thời kì đó xác nhận là có thật.

Năm 1996, thực hiện Chỉ thị 299/TTg, ngày 10/11/1980 của Thủ tướng Chính phủ, bà Tĩnh đã đăng kí, kê khai QSDĐ, được chính quyền đo đạc, phần đất khai hoang được thể hiện là thửa đất số 89, tờ bản đồ số 47, diện tích 1.968m2 tọa lạc tại xã Đinh Trang Hòa. Gia đình bà Huỳnh Thị Tĩnh cũng có tên trong sổ mục kê (hồ sơ địa chính) của xã.

Công văn số 1568/BTNMT-ĐKTKĐĐ ngày 25/4/2007 của Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu rõ: Sổ mục kê là căn cứ để cấp GCN, đồng thời là căn cứ xác định hộ gia đình, cá nhân không phải nộp tiền SDĐ. Sổ mục kê còn là căn cứ để xác định người SDĐ ổn định, lâu dài khi thực hiện cấp GCNQSDĐ lần đầu. Sổ mục kê được lập qua các thời kì là căn cứ để xác định hộ gia đình, cá nhân SDĐ ổn định khi cấp GCN với điều kiện sổ mục kê có ghi thông tin về thời gian (Khoản 2, Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ).

Theo quy định của pháp luật, sau khi kê khai và đăng kí, các tổ chức hay cá nhân nào được xác nhận là người quản lí sử dụng hợp pháp thì được cấp GCNQSDĐ. Vì vậy, các văn bản của UBND huyện Di Linh đều cho rằng bà Tĩnh không được giao đất, việc gia đình sử dụng 1.968m2 tại thửa 89 tờ bản đồ 47 là do lấn chiếm đất; xây cất nhà vi phạm vào đập thủy lợi và hành lang giao thông, dẫn đến UBND huyện Di Linh hay UBND tỉnh Lâm Đồng giải quyết đơn khiếu nại của bà Tĩnh thiếu cơ sở pháp luật, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình - luật sư Nguyễn Công Tá nêu rõ.

Thiết nghĩ, là người có công với cách mạng, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cần xem xét để giải quyết đơn thư của gia đình bà Huỳnh Thị Tĩnh thấu tình, đạt lý.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm