Theo dõi Báo Thanh tra trên
CTV Hoàng Nam - CTV Nguyễn Nhung
Thứ bảy, 23/12/2023 - 21:32
(Thanh tra) - Hàng chục hộ dân ở thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận phản ánh, trong quá trình lập phương án, lấy đất qui hoạch Vườn Quốc gia Núi Chúa, các cơ quan chức năng “quên” chưa đền bù, dẫn tới tranh chấp phần đất giữa người dân và Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa.
Kết luận Thanh tra số 246/KL-UBND ngày 30/4/2023 của UBND huyện Ninh Hải
Bất cập trong quản lý đất đai
Ngày 30/4/2023, UBND huyện Ninh Hải có kết luận thanh tra việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho 26 hộ dân do diện tích đất đã cấp nằm trong lâm phần quản lý của Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa (trong đó có 19 hộ dân thôn Vĩnh Hy, 03 hộ dân thôn Cầu Gãy, 03 hộ dân thôn Đá Hang, 01 hộ dân Thái An).
Qua đối chiếu diện tích GCNQSDĐ cho các hộ dân và diện tích được UBND tỉnh Ninh Thuận giao đất và cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho Khu Bảo tồn Núi Chúa (Quyết định số 1654/QĐ ngày 22/4/2002) cho thấy và xác định diện tích cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân có chồng lên diện tích cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp cho Khu Bảo tồn Núi Chúa (trong đó có 6 hộ được cấp GCNQSDĐ trước Vườn Quốc gia Núi Chúa).
Ông Lê Ngọc Thi, thôn Vĩnh Hy cho biết: “Đất của gia đình tôi có nguồn gốc khai hoang từ trước năm 1980. Lúc đó, cha tôi là ông Lê Văn Ơ đã trồng cây lương thực, sau đó trồng cây điều. Trước đây, đời sống người dân trong thôn cực kỳ nghèo khó, không hiểu biết pháp luật nên chúng tôi chưa đi đăng ký biến động đất đai tại UBND xã. Thực tế, đất của các hộ dân ở khu vực này đều có nguồn gốc khai hoang từ 1975-1980 tới nay, việc này cán bộ xã, cán bộ thôn đều biết rõ... Thế nhưng, cuối năm 2022, UBND huyện Ninh Hải cùng Hạt Kiểm lâm và Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa tổ chức cưỡng chế đối với gia đình tôi và hộ bà Nguyễn Thị Ngôn, phá bỏ hơn 90 cây điều do chúng tôi trồng từ mấy chục năm nay”.
Hay trường hợp gia đình anh Nguyễn Văn Lành, có một mảnh đất rộng hơn 1 ha do bà Nguyễn Thị Cạn (mẹ anh Lành) khai hoang từ những năm 1985 trồng cây lương thực, hoa màu.
Năm 1997, anh Nguyễn Văn Lành lập gia đình. Bà Cạn đã cho vợ chồng anh Lành phần đất trên để tiếp tục canh tác.
Cuối năm 2021, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa đến lập biên bản vi phạm hành chính, cho rằng gia đình anh Nguyễn Văn Lành lấn chiếm đất của Vườn Quốc gia Núi Chúa.
Ngày 20/12/2021, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Quyết định số 2347/QĐ- XPVPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với anh Nguyễn Văn Lành về việc thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Chiếm đất rừng đặc dụng với diện tích 10.937m2 thuộc Lô 1, Khoảnh 2, Tiểu khu 162 do Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa quản lý. Mức tiền xử phạt 105 triệu đồng. Buộc anh Lành khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm; buộc trả lại diện tích 10.937m2 đất đã chiếm…
Sau khi nhận được quyết định xử phạt hành chính, gia đình anh Lành đã có đơn khởi kiện ra TAND tỉnh Ninh Thuận. Qua hai cấp toà xét xử, đều bác đơn khởi kiện của anh Lành.
Ngày 11/9/2023, UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành Quyết định số 1188/QĐ- CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với anh Nguyễn Văn Lành. Thời hạn khắc phục hậu quả là 15 ngày.
Mới đây, sáng ngày 30/11/2023, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Thuận cùng các cơ quan chức năng đã thực hiện cưỡng chế thi hành Quyết định số 1188/QĐ-UBND ngày 11/9/2023 của UBND tỉnh.
Anh Nguyễn Văn Lành nói với cộng tác viên Báo Thanh tra: Việc các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận lập biên bản vi phạm hành chính, sau đó xử phạt hành chính, cưỡng chế phần đất trên của gia đình tôi là không đúng so với Luật Đất đai 2013. Gia đình tôi liên tục canh tác hơn 30 năm ở khu đất này. Năm 2002, khi các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận thành lập Vườn Quốc gia Núi Chúa, đáng lý ra phải có quyết định thu hồi đất, lập phương án bồi thường cho gia đình tôi và những người dân bị mất đất ở khu vực này. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận không xác minh, đo đạc, lập mốc giới, kê khai, thông báo cho người dân, để hàng trăm người dân thôn Vĩnh Hy canh tác mấy chục năm trên phần đất khai hoang, giờ lại nói chúng tôi lấn chiếm đất!
Hay trường hợp ông Lê Hoàng Quốc Việt, năm 2012, được UBND huyện Ninh Hải cấp GCNQSDĐ số 464294 cho một phần diện tích (cấp 590m2). Còn lại 1.766m2 thuộc thửa đất số 50 (chỉnh lý từ một phần thửa 13, 18, 25) được Văn phòng Đăng ký đất đai Ninh Thuận - Chi nhánh Ninh Hải xác định ranh giới, mốc giới thửa đất tại thực địa và đã lập bản ranh giới mốc đất nhưng đến nay chưa cấp GCNQSDĐ với lý do “khu đất nằm trong khu vực Vườn Quốc gia Núi Chúa”.
Ông Lê Hoàng Quốc Việt bức xúc nói: “Trước đây, khi Nhà nước thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình trục đường chính nối cầu Vĩnh Hy đến điểm du lịch vườn dừa, bãi cóc trong, bãi cóc ngoài, đã thu hồi 396,8m2 của gia đình tôi. Lúc đó, UBND huyện Ninh Hải có quyết định bồi thường đối với phần đất của gia đình, nhưng khi tôi làm đơn đề nghị cập nhật lại GCNQSDĐ theo số liệu mới (trừ phần đường đã bị thu hồi làm đường) và đề nghị cấp GCNQSDĐ cho phần đất còn lại (1.766m2) thì không được cấp và sự việc cứ rơi vào im lặng”.
Ông Lưu Xuân Ngọc, 70 tuổi, nguyên Trưởng thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải cho biết: Phần đất của gia đình bà Cạn, ông Thi có nguồn gốc khai hoang từ những năm 1980. Đáng nhẽ, khi Nhà nước thu hồi khu đất của người dân thôn Vĩnh Hy giao cho Kiểm lâm, sau giao cho Vườn Quốc gia Núi Chúa thì phải xác minh rõ nguồn gốc. Người dân ở đây mấy chục năm trồng cây lương thực, sau đó trồng cây điều thì bị chặt phá, trong khi Nhà nước tuyên truyền phủ xanh đồi trọc. Người dân bức xúc nên khiếu kiện, khiếu nại. Việc này, chính quyền cần tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết dứt điểm...
Cũng theo ông Ngọc, trước đây có 400 bộ hồ sơ của người dân về việc kê khai đất đai gửi về Vườn Quốc gia Núi Chúa, nhưng sau sự việc cũng rơi vào “im lặng”!
Cưỡng chế lồng bè nuôi tôm cá
Không chỉ bất cập trong quản lý đất đai, việc nuôi trồng thuỷ sản của người dân cũng có nhiều “oan trái”.
Theo người dân phản ánh, đầu năm 2023, UBND huyện Ninh Hải và Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa có thông báo toàn bộ khu lồng bè nuôi trồng thuỷ sản của người dân ở thôn Vĩnh Hy nằm trong khu vực quản lý của Vườn Quốc gia Núi Chúa.
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Núi Chúa yêu cầu người dân không được nuôi trồng thuỷ sản tại đây. Đồng thời buộc các hộ dân phải tháo dỡ, di rời toàn bộ khu vực lồng bè trên vịnh.
Một số hộ đang trong thời gian nuôi cá chưa đến ngày thu hoạch cố nấn ná chưa di chuyển thì bị UBND huyện Ninh Hải ban hành quyết định cưỡng chế, gây thiệt hại hàng tỷ đồng.
Ông Châu Thanh Hồng, người dân nuôi trồng thuỷ sản ở thôn Vĩnh Hy cho biết: Đầu năm 2023, chúng tôi nhận được thông báo tháo dỡ của UBND xã. Nếu không tháo dỡ sẽ bị cưỡng chế. Khi chúng tôi chưa kịp tháo dỡ, chính quyền tổ chức cưỡng chế. Đáng nói là trước đó, chúng tôi không nhận được bất cứ thông báo nào từ cơ quan chức năng về việc khu vực biển này do Vườn Quốc gia quản lý.
Đơn của các hộ dân nuôi trồng thuỷ sản lồng bè trên vịnh Vĩnh Hy có nêu: “Hiện tại, ngư dân chúng tôi bị mất việc, không có thu nhập, không có tiền trả lãi ngân hàng, đời sống vô cùng khó khăn cùng cực. Trong khi đó, chính quyền không có bất cứ khoản bồi thường hay có chính sách gì hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống”.
Liên quan đến vụ việc, ông Nguyễn Viết Kinh Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải cho cộng tác viên Báo Thanh tra biết: Đầu năm 2020, UBND tỉnh Ninh Thuận có chủ trương di rời các lồng bè nuôi tôm cá ra khỏi khu vực vịnh Vĩnh Hy. Thời điểm đó, chúng tôi cũng thông báo yêu cầu bà con di rời lồng bè nhưng bà con không thực hiện dẫn đến việc có cưỡng chế, nhưng chủ yếu là xua đuổi chứ không cưa phá bè. Bà con sợ hư hao tài sản tự kéo bè đi...
Khi cộng tác viên Báo Thanh tra đề nghị được tiếp cận sổ mục kê, sổ địa chính, bản đồ địa chính... về cấp chồng lấn đất ở khu vực Vườn Quốc gia Núi Chúa, ông Nguyễn Viết Kinh Luân nói: UBND xã chỉ có bản đồ địa chính từ năm 2006. Trước đó chưa có đường lớn xuống thôn Vĩnh Hy cho nên khó đo đạc.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải còn cho biết, không có bất kì giấy tờ gì về việc lưu trữ, quản lí ở khu vực thôn Vĩnh Hy.
Đối với việc những năm 2002, ở thôn Vĩnh Hy có nhiều hộ dân được cấp GCNQSDĐ, nếu không có sổ mục kê thì UBND xã làm sao cấp sổ và quản lí, ông Luân nói “do người dân tự kê khai”!
Theo cách nói của Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải, việc năm 2002, ở thôn Vĩnh Hy có nhiều hộ dân được cấp GCNQSDĐ, nếu không có sổ mục kê, bản đồ địa chính thì UBND huyện, xã làm sao cấp sổ và quản lí?
Người dân thắc mắc: Nếu không có giấy tờ thì sao lại khẳng định vi phạm vào đất Vườn Quốc gia Núi Chúa để bị cưỡng chế di dời?
Về việc này, người dân đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận rà soát việc lập quy hoạch Vườn Quốc gia Núi Chúa.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Như Báo Thanh tra đã phản ánh, dự án đầu tư xây dựng cơ bản công trình sửa chữa, bảo dưỡng đường trục tiểu khu Đông Đoài đi A27, kết nối vào đường gom thị trấn Phú Xuyên đi Vân Từ - Phú Yên, có tổng chiều dài chỉ 1.039m với tổng vốn đầu tư là 14,989 tỷ đồng và đã được Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên kết luận có nhiều sai phạm.
Nam Dũng
16:00 14/12/2024(Thanh tra) - Tại gói thầu số 12 thuộc Dự án Mở rộng đường Phú Mỹ - Tóc Tiên (từ khu tái định cư 105ha đến đường Hắc Dịch - Tóc Tiên - Châu Pha), thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, Công ty CP Đầu tư xây dựng 886 - Thành Nam đã bị phát hiện có hành vi gian lận trong đấu thầu…
Ngọc Tuấn
08:00 14/12/2024Ngọc Tuấn
19:00 13/12/2024Thanh Giang
16:10 13/12/2024Chu Tuấn
15:37 13/12/2024Trung Hà
19:00 11/12/2024Thu Huyền
Đông Hà
Nhật Minh
Kim Thành
Vũ Linh
Trần Kiên
Hương Trà
Hương Trà
Lê Phương
Trung Hà
Thu Huyền