Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nguy cơ mất nhà hơn 12 tỷ đồng vì vay “nóng” 1,6 tỷ đồng

Thứ sáu, 10/11/2017 - 11:24

(Thanh tra)- Năm 2013, bà Xuân vay “nóng” của ông Quang 1,6 tỷ đồng. Để đảm bảo cho số nợ, ông Quang yêu cầu bà Xuân ký hợp đồng mua bán căn nhà của bà với giá bằng số tiền vay “nóng” (có công chứng đầy đủ). Tháng 8/2015, bà Xuân bất ngờ bị ngân hàng khởi kiện yêu cầu tòa án phát mãi căn nhà của bà để thu hồi nợ. Lúc này bà Xuân mới biết ông Quang đã mang giấy tờ nhà thế chấp ngân hàng.

Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh tạm đình chỉ thi hành bản án phúc thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm (ảnh to). Căn nhà số 13/1 đường Gò Cẩm Đệm, quận Tân Bình của bà Xuân (2 ảnh nhỏ). Ảnh: CT

Sập bẫy tín dụng đen? 

Theo trình bày của bà Nguyễn Công Hồng Xuân (chủ căn nhà số 13/1, đường Gò Cẩm Đệm, quận Tân Bình), năm 2013, do cần tiền trả nợ nên thông qua một số đối tượng môi giới, bà Xuân gặp được ông Hàn Dũng Quang (ở số 472/50 Cách Mạng Tháng Tám, quận 3) để vay 1,6 tỷ đồng, một năm sau số tiền phải trả lên đến hơn 1,86 tỷ đồng.

Để đảm bảo cho số nợ trên, ông Quang yêu cầu bà Xuân ký hợp đồng mua bán căn nhà 13/1, đường Gò Cẩm Đệm của bà với giá bằng với số tiền vay “nóng” (có công chứng đầy đủ), đồng thời ký riêng một hợp đồng “tay” nêu rõ việc ký hợp đồng mua bán chỉ nhằm mục đích đảm bảo cho khoản vay. Ông Quang không được sử dụng giấy tờ nhà để mua bán, chuyển nhượng dưới bất kì hình thức nào trong thời gian còn hạn trả nợ, khi bà Xuân trả hết nợ, ông Quang sẽ trả lại giấy tờ nhà bằng hình thức bán lại hoặc cho tặng nhà.

Đến hạn trả (tháng 10/2014), bà Xuân liên hệ nhưng ông Quang luôn tìm cách trì hoãn, thậm chí rời khỏi nơi cư trú để... không nhận tiền trả nợ từ bà Xuân. Trong khoảng thời gian này, bà Xuân vẫn sống bình thường tại căn nhà của mình và chờ ông Quang đến để trả nợ nhưng vẫn không thấy.

Tháng 8/2015, bà Xuân bất ngờ bị Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) khởi kiện yêu cầu tòa án phát mãi căn nhà của bà để thu hồi nợ, do đối tượng vay vốn mất khả năng chi trả. Lúc này bà Xuân mới tá hoả khi biết ông Quang mang giấy tờ nhà thế chấp ngân hàng để bảo lãnh cho Công ty Cổ phần Dược phẩm Việt Tâm (Cty Việt Tâm) số 184 đường Bông Sao, quận 8 vay nợ.

Tổng giá trị nhà và đất được Agribank định giá khoảng 12,2 tỷ đồng, sau đó Agribank cho Cty Việt Tâm vay 8 tỷ đồng. Đến hạn nhưng Cty Việt Tâm không trả được nợ. Do đó, Agribank đã khởi kiện ra TAND quận 8, yêu cầu phát mãi nhà của bà Xuân để thu hồi nợ với số tiền cả gốc và lãi lên đến hơn 9,4 tỷ đồng.

Sơ thẩm “một đằng”, phúc phẩm “một nẻo” 

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 30/9/2016, TAND quận 8 nhận định, các bên đều biết hợp đồng mua bán nhà là giả tạo nhằm che đậy hợp đồng vay mượn tiền. Trong khi Agribank có quyền và nghĩa vụ thẩm định khi cấp phát hạn mức tín dụng nhưng không thẩm định đúng theo quy định tại Điều 94, Luật Các tổ chức tín dụng là cũng có lỗi. Cuối cùng, tòa tuyên vô hiệu hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa Agribank với Cty Việt Tâm và ông Quang.

Thế nhưng, tại phiên tòa phúc thẩm ngày 15/3/2017, TAND TP Hồ Chí Minh cho rằng, giao dịch này không phải là giao dịch giả tạo. Đồng thời cho rằng, trong hợp đồng thỏa thuận với bà Xuân, ông Quang chỉ bị hạn chế quyền không được chuyển nhượng, mua bán nhưng không bị hạn chế quyền được thế chấp tài sản. Toà cấp phúc thẩm đã tuyên Agribank thắng kiện, cho phép ngân hàng được phát mãi tài sản để thu hồi nợ.

Vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng

Không đồng ý với bản án phúc thẩm, bà Xuân làm đơn kháng nghị giám đốc thẩm và Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã có quyết định kháng nghị. Viện KSND Cấp cao nhận định bản án sơ thẩm, phúc thẩm của TAND quận 8 và TAND TP Hồ Chí Minh có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng và thiếu sót trong thu thập chứng cứ dẫn đến kết luận và quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án. 

Tại quyết định kháng nghị giám đốc thẩm thể hiện, bà Xuân yêu cầu tuyên bố giao dịch công chứng vô hiệu nhưng Tòa cấp sơ thẩm không đưa Phòng công chứng Gia Định tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng tố tụng làm cho các đương sự không thực hiện được quyền tố tụng của mình.

Quá trình giải quyết vụ án, Tòa cấp sơ thẩm không tiến hành thẩm định tài sản mà ông Quang thế chấp cho ngân hàng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho Cty Việt Tâm là ngôi nhà số 13/1 đường Gò Cẩm Đệm…

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm còn nhận định, Tòa cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ. Bên cạnh đó, xét hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ngày 7/10/2013 giữa bà Xuân với ông Quang cho thấy bên chuyển nhượng chỉ có bà Xuân ký nhưng Tòa án hai cấp chưa thu thập chứng cứ xác định tình trạng hôn nhân của bà Xuân tại thời điểm giao kết hợp đồng nên chưa đủ căn cứ xác định đó là tài sản riêng của bà Xuân.

Quá trình giải quyết vụ án, khi xem xét hợp đồng chuyển nhượng, Tòa cấp phúc thẩm đánh giá không khách quan các chứng cứ liên quan như: Hợp đồng thỏa thuận ngày 7/10/2013 giữa bà Xuân với ông Quang; so sánh giữa giá trị ghi trong hợp đồng (1,6 tỷ đồng) với giá trị ngân hàng định giá (12,2 tỷ đồng); hiện trạng tài sản chuyển nhượng và việc thanh toán giao nhận tài sản giữa các bên nên không đủ căn cứ xác định bà Xuân chuyển nhượng nhà đất cho ông Quang hay chỉ là hợp đồng giả để che đậy hợp đồng vay tiền.

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm cũng nhận định, hợp đồng thế chấp tài sản giữa ông Quang với ngân hàng chỉ có ông Quang ký hợp đồng nhưng Tòa hai cấp không thu thập về tình trạng hôn nhân của ông Quang nên không có căn cứ xác định đó là tài sản riêng của ông Quang...

Từ những phân tích nêu trên, Viện trưởng Viện KSND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh đã kháng nghị toàn bộ bản án sơ thẩm, phúc thẩm của TAND quận 8 và TAND TP Hồ Chí Minh theo thủ tục giám đốc thẩm. Đề nghị Uỷ ban Thẩm phán TAND Cấp cao hủy hai bản án trên để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm. Viện KSND Cấp cao cũng tạm đình chỉ thi hành bản án phúc thẩm của TAND TP Hồ Chí Minh cho đến khi có quyết định giám đốc thẩm.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Chu Tuấn 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024
Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.

Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh

08:00 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm