Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Di tích lịch sử - văn hóa bị ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt

Thứ sáu, 15/05/2020 - 06:35

(Thanh tra)- Người dân xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương đang lo lắng khi hàng ngày phải sinh sống trong môi trường bị ô nhiễm, nhất là nguồn nước sinh hoạt.

Quán (đình) Ngũ Phúc, xã Võ Liệt được tỉnh Nghệ An xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa. Ảnh: CTV Xuân Thống

Làng Trung Đức bị ô nhiễm

Quán (đình) Ngũ Phúc, xã Võ Liệt được tỉnh Nghệ An xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa, khá bề thế. Đây là nơi thực dân Pháp dùng dây thép xâu trói, nơi giam cầm, tra tấn dã man những người chiến sĩ cách mạng; về sau đây là nơi sinh hoạt cộng đồng làng xã. Ngày nay, di tích đã bị xuống cấp theo thời gian, còn là điểm ôm trọn gần 100 hộ dân và hàng trăm nhân khẩu của thôn Trung Đức, nay là xóm Minh Đức, xã Võ Liệt.

Ông Nguyễn Đình Nam, Trưởng thôn Minh Đức cho biết: Từ cuối những năm 70 đến giữa những năm 90 của thế kỷ XX, đình Ngũ Phúc là kho đựng lúa và danh mục các vật tư nông nghiệp của Hợp tác xã Thanh Minh, trong đó có phần diện tích làm nơi chứa thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột và các hóa chất phục vụ nông nghiệp. Về sau, khi chuyển đổi cơ cấu tổ chức, nhà kho này cũng bị bỏ hoang; còn phía trước kho, chính quyền địa phương dùng vào việc cho các cá nhân thuê đất, xây điểm kinh doanh các ngành nghề.

“Nhiều năm nay, người dân sinh sống bao bọc quanh đình Ngũ Phúc luôn sống trong nỗi hoang mang, lo sợ khi một số người trong thôn từ trẻ đến già chết vì căn bệnh ung thư. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này được cho là do ô nhiễm nguồn nước từ việc nước bị chuyển màu bất thường cũng như những tồn dư do hóa chất nhiều năm trước, trong khi việc xử lý chất thải, nước thải của một số hộ dân làm nghề truyền thống chưa được triệt để khiến môi trường sống ngày một bị ảnh hưởng” - ông Nam cho biết thêm.

Có mặt tại khu dân cư quanh quán Ngũ Phúc, xã Võ Liệt ngày 27/4/2020, dẫn chúng tôi đến bể nước được xây lên để khắc phục nguồn nước ô nhiễm lâu nay, ông Nguyễn Đình Lâm, xóm Minh Đức phân trần: Không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ dân trong xóm, khi hàng ngày dùng nước giếng khoan hay nước lấy từ bể lắng, sau khi múc lên, rót ra cốc nước chè xanh thì chỉ 3 phút sau, từ nước màu trắng trong kèm váng màu vàng thì bất ngờ chuyển sang màu đen nhạt đến đậm. Chứng kiến việc người dân Minh Đức liên tục test làm thí nghiệm nguồn nước mà họ sử dụng lâu nay, chúng tôi không khỏi giật mình.

Anh Phạm Vinh Thành lo lắng: Hàng chục năm qua, biết là ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng không có sự chọn nào hơn, bởi nguồn nước chính vẫn là từ giếng khoan và giếng đào được lọc qua cát, bể lắng để dùng cho sinh hoạt. Bản thân tôi đã có những dấu hiệu về sức khỏe như đau lưng, tức ngực; còn trong thôn thì nhiều người bị đau cột sống.

Ông Bùi Xuân Lĩnh - Chủ tịch UBND xã Võ Liệt xác nhận: Bà con 2 xóm gồm Minh Đức (trước là thôn Trung Đức và Vận Tải) và Minh Tân (Lam Giang và Khai Tiến cũ) lâu nay sinh sống quanh quán Ngũ Phúc đang bị đe dọa bởi nguồn nước sinh hoạt. Xã nắm được thực trạng đó khi nguồn nước được cho là nhiễm phèn mức độ nặng và một phần do quá trình xử lý rác thải, nước thải của người dân. Cách đây mấy năm, địa phương đã báo cáo huyện và tỉnh, sau đó có đoàn kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường về lấy mẫu nước, đất phân tích và kết luận có ảnh hưởng từ tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật từ thời trước.

“Điều đáng lo lắng là những hóa chất độc hại có thể theo từ nước mưa rồi ngấm sâu vào nguồn nước sinh hoạt, hoặc tiềm ẩn trong không khí, thức ăn, nước uống, là những tác nhân gây ung thư cho người dân” - ông Lĩnh cho biết.

Nguồn nước được cho là nhiễm phèn mức độ nặng và một phần do quá trình xử lý rác thải. Ảnh: CTV Xuân Thống

Xử lý chưa triệt để?

Năm 2015, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật dự án Xử lý, cải tạo phục hồi môi trường điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật tại thôn Trung Đức, xã Võ Liệt với tổng mức 5,97 tỷ đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường Trung ương, tỉnh và các nguồn hợp pháp khác. Trong đó, chi phí xử lý môi trường hơn 5,05 tỷ đồng, chi phí xây dựng gần 275 triệu đồng và đền bù gần 200 triệu đồng. Năm 2019, dự án trên được triển khai trong niềm phấn khởi của xóm Trung Đức nói riêng, xã Võ Liệt nói chung khi những lo ngại về nguồn nước ô nhiễm từ kho chứa thuốc bảo vệ thực vật lâu nay được xử lý.

Thế nhưng, theo Xóm trưởng Minh Đức Nguyễn Đình Nam, quá trình thi công của nhà thầu bằng những hạng mục được phê duyệt và cả quá trình thực hiện giám sát cộng đồng của xã, xóm cùng một số thành viên liên quan thiếu khách quan, trách nhiệm khiến người dân không yên tâm.

Lý giải cho điều này là “phương pháp xử lý tại chỗ đào đất lên với độ sâu từ 1,8 - 2,3m để khô, sau đó lót tấm vải nhựa rồi đổ đất vừa múc lên lấp vào, tiếp đến bơm hóa chất để xử lý. Đáng lẽ, đất đó phải được di chuyển đến các bãi thải rồi xử lý bằng hóa học nên bà con không yên tâm. Chỗ bị nặng nhất của tồn dư thuốc bảo vệ thực vật là ngay dưới chân của đình Ngũ Phúc nhưng không được thực hiện. Nhà thầu chỉ khoanh lại xung quanh gian nhà đó rồi múc đất đi, nghĩa là chỗ đáng xử lý lại không được xử lý. Ngay cả vai trò giám sát cộng đồng cũng không được chú trọng khi người dân chúng tôi, nhất là 4 thành viên trong ban giám sát xóm không hề biết và giám sát được họ thi công cái gì, vì họ trưng tôn, bạt khoanh kín lên khu vực đó cả tháng trời, dân không thể vào hay ngó ngàng gì được. Chúng tôi muốn điểm ô nhiễm này được xử lý triệt để, sau đó di chuyển quán Ngũ Phúc đến một nơi khác phù hợp hơn, giải tỏa các ki-ốt phía trước, rồi cải tạo thành nơi sinh hoạt văn hóa của cộng đồng” - ông Nam phân tích.

Đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An sớm có giải pháp khắc phục để cuộc sống người dân nơi đây không bị đảo lộn và sức khỏe người dân địa phương được đảm bảo.

CTV Xuân Thống

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm