Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dân kêu trời vì cụt đường mưu sinh

Nguyên Dũng

Thứ sáu, 11/08/2023 - 14:20

(Thanh tra) - Khoảng 1.000ha cây cao su tại xã Tân Thành, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh bị chặt hạ nhằm thu hồi đất, chuyển sang trồng cây sao dầu thực hiện Đề án Quản lý, phát triển rừng của tỉnh Tây Ninh đã khiến hàng trăm hộ dân bức xúc, gửi đơn cầu cứu tới cơ quan chức năng.

Nhiều hộ dân tại xã Tân Thành, huyện Tân Châu bị cưỡng chế, buộc chặt hạ cao su để thu hồi đất, chuyển sang trồng cây sao dầu đã gửi đơn cầu cứu tới cơ quan chức năng. Ảnh: Nguyên Dũng

Cây cao su chảy nhựa, người dân… khóc ròng

Khi được hỏi về thông tin hơn 2ha cây cao su vừa bị cưỡng chế, chặt hạ, khuôn mặt ông Lê Quang Phục (54 tuổi, ngụ ấp Tà Dơ, xã Tân Thành) vẫn chưa hết bàng hoàng, thảng thốt.

Ông Phục cho biết, vào năm 1982, bố mẹ ruột của ông là Lê Văn Rân và Đinh Thị Kim Liên cùng 8 người con trong nhà đến khai hoang, canh tác trồng điều, cao su trên khu đất rộng khoảng 6ha tại xã Tân Thành. Thời điểm gia đình ông Phục khai hoang, trên đất không có cây rừng tự nhiên, chỉ có cây bụi nhỏ, gốc le, cỏ tranh, gò mối, hố bom…

Năm 1987, bố mẹ cho ông Phục hơn 2ha đất (trong tổng 6ha đất khai hoang) “làm vốn”.

Năm 2001, ông Phục cất nhà ở trên đất rồi trồng cây ăn trái nhưng không hiệu quả.

Năm 2003, ông Phục chuyển sang trồng cao su từ đó cho đến năm 2022.

Suốt quá trình khai hoang, canh tác, sử dụng đất liên tục hàng chục năm sau, ông Phục không bị chính quyền địa phương hoặc đơn vị quản lý rừng ra thông báo hay nhắc nhở cho biết đất gia đình đang sử dụng là đất lâm nghiệp. Ông Phục cũng không bị lập biên bản vi phạm, lấn chiếm đất rừng.

Ông Lê Quang Phục bật khóc khi nói về vụ cơ quan chức năng cưỡng chế, chặt hạ 2ha cây cao su của gia đình. Ảnh: ND

Đến ngày 21/6/2018 (tức là 36 năm sau tính từ thời điểm gia đình ông Phục khai hoang, canh tác), UBND xã Tân Thành mới lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi lấn chiếm hơn 2ha đất trên.

Tiếp đó, ngày 12/10/2018, Chủ tịch UBND huyện Tân Châu ban hành quyết định “áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, trả lại nguyên trạng đất lấn chiếm” đối với hơn 2ha đất của gia đình ông Phục mà cơ quan chức năng cho rằng lấn chiếm đất rừng phòng hộ Dầu Tiếng do Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Dầu Tiếng quản lý.

Không đồng ý với quyết định này, ông Phục gửi đơn khiếu nại lên cơ quan chức năng liên quan nhưng không được giải quyết thỏa đáng.

Ngày 2/11/2022, UBND huyện Tân Châu ban hành Quyết định số 4227/QĐ-UBND về việc “thi hành cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả”.

Ngày 7/11/2022, toàn bộ diện tích hơn 2ha cao su (khoảng 1.300 cây) đang trong giai đoạn thu hoạch mủ và căn nhà cấp 4 của gia đình ông Phục đang ở đã bị lực lượng cưỡng chế dùng máy móc san phẳng, chặt hạ trắng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phục cho biết: “Nhiều năm nay, mỗi ngày gia đình tôi cũng thu được 200-250kg mủ cao su tươi, tức khoảng 70kg mủ cao su khô, đem bán cũng kiếm được khoảng 2 triệu đồng. Bây giờ bị cưỡng chế, chặt hạ trắng, gia đình tôi lâm thế đường cùng, cụt đường mưu sinh”.

Theo ông Phục, việc cơ quan chức năng ra quyết định cưỡng chế nhà cửa, tài sản trên đất và tiến hành chặt hạ vườn cao su của gia đình ông mà chưa đền bù là trái quy định pháp luật. Vì đất của gia đình ông khai hoang, canh tác ổn định thường xuyên, liên tục từ năm 1982 cho đến nay.

“Việc UBND huyện Tân Châu ban hành quyết định cưỡng chế buộc chặt bỏ hết toàn bộ cây cao su của gia đình tôi để thu hồi đất vì cho rằng đây là đất lâm nghiệp được quy hoạch từ năm 1975, thuộc BQL rừng phòng hộ Dầu Tiếng quản lý là không phù hợp”, ông Phục nói.

Tương tự gia đình ông Phục là gia đình ông Nguyễn Văn Tâm (64 tuổi, ngụ ấp Đồng Kèn 1, xã Tân Thành). Ông Tâm cho biết, diện tích 3,5ha đất tại ấp Đồng Kèn 1 gia đình khai phá từ năm 1986, sử dụng trồng mì, trồng mía ổn định, đến năm 2004 thì chuyển sang trồng cao su.

Ông Nguyễn Văn Tâm chỉ vào gốc cao su vừa bị đốn hạ và nói: “Toàn bộ diện tích 3,5ha cao su với hàng ngàn cây như thế này đã bị chặt hạ không thương tiếc, gia đinh tôi lâm thế đường cùng”. Ảnh: Nguyên Dũng

Cùng thời điểm khai hoang, canh tác ổn định, liên tục thì ông Tâm cũng xây dựng 2 căn nhà cấp 4 trên đất để ăn ở, sinh hoạt. Từ khi khai phá, quản lý, sử dụng đất ổn định, ông Tâm không xảy ra tranh chấp với bất kỳ ai và chính quyền địa phương, BQL lý rừng cũng chưa lần nào ra thông báo nguồn gốc đất của ông Tâm là đất lâm nghiệp do Nhà nước quản lý.

Gia đình ông Tâm cũng chưa bị lập biên bản xử phạt sai phạm do lấn chiếm đất rừng.

Ông Tâm cho rằng, ngày 26/10/2018, UBND huyện Tân Châu ban hành Quyết định số 4390/QĐ-KPHQ về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với khu đất của gia đình vì cho rằng đây là đất lâm nghiệp do Nhà nước quản lý là trái quy định pháp luật, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của gia đình.

“Việc chính quyền ra quyết định cưỡng chế, buộc phải chặt hạ toàn bộ diện tích 3,5ha cao su với hàng ngàn cây đã đẩy gia đình tôi vào tình thế vô cùng khó khăn”, ông Tâm nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại xã Tân Thành còn có hàng trăm hộ gia đình khác cũng lâm cảnh “khóc ròng” vì bị chính quyền thu hồi đất, buộc chặt hạ cao su để trồng cây sao dầu.

Từ năm 2009 đến nay, khoảng 1.000ha cây cao su tại xã Tân Thành bị chặt hạ, thu hồi đất, chuyển sang trồng cây sao dầu thực hiện đề án quản lý, phát triển rừng của tỉnh Tây Ninh đã khiến hàng trăm hộ dân kêu cứu, bức xúc vì “cụt đường sinh kế”.

Nhiều năm qua đã có hàng chục hộ dân làm đơn cầu cứu gửi tới các cơ quan chức năng liên quan hoặc khởi kiện Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, Chủ tịch UBND huyện Tân Châu ra tòa án.

Đất rừng phòng hộ hay đất rừng sản xuất của người dân?

Ông Dương Văn Quãng (64 tuổi, ngụ ấp Đồng Kèn 1, xã Tân Thành) cho biết, 6,1ha đất tại xã Tân Thành là của gia đình ông khai phá từ năm 1984 để trồng mì, lúa… đến năm 2003 thì chuyển sang trồng cao su cho đến nay.

Từ khi khai phá, sử dụng đất đến nay đã hơn 30 năm, gia đình ông Quãng xây dựng nhà ở và hoạt động canh tác, quản lý, sử dụng ổn định. Mặt khác, cũng không có cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước nào ra thông báo hay nhắc nhở đây là đất lâm nghiệp phải trồng rừng. Gia đình ông Quãng cũng chưa lần nào bị lập biên bản vi phạm do lấn chiếm đất rừng phòng hộ.

“Thật phi lý là ngày 30/10/2018, Chủ tịch UBND huyện Tân Châu ra quyết về việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với đất của gia đình tôi và sau đó cưỡng chế, buộc cưa chặt toàn bộ 6,1ha cây cao su đang trong thời kỳ thu hoạch. Ngoài ra, buộc tháo dỡ, di dời tất cả tài sản trên đất trong khi chưa tiến hành đền bù, hỗ trợ theo quy định cho gia đình tôi”, ông Quãng bức xúc nói.

Ông Quãng cũng cho rằng, phải đến năm 1993, BQL rừng phòng hộ Dầu Tiếng mới được thành lập (tức sau thời điểm ông Quảng đến khai hoang 6,1ha đất hoang tại xã Tân Thành 9 năm - PV). Năm 2013, UBND tỉnh Tây Ninh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho đơn vị này chồng lấn lên phần đất gia đình ông khai hoang, sử dụng ổn định là trái với quy định pháp luật.

Ông Quãng cho rằng 6,1ha đất khai hoang năm 1984 là đất rừng sản xuất hợp pháp của gia đình ông chứ không phải đất rừng phòng hộ của Nhà nước.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều hộ dân tại xã Tân Thành có đất trồng cao su bị cưỡng chế, chặt hạ nhằm thực hiện đề án quản lý, phát triển rừng của tỉnh Tây Ninh cho rằng, phần lớn diện tích đất nêu trên được người dân khai hoang, sử dụng ổn định, lâu dài từ những năm 1982 đến trước năm 1993. Lúc khai hoang thì đất nơi đây chỉ có gò đất trống, cây bụi nhỏ, hố bom, cỏ dại, ụ mối… chứ không có rừng tự nhiên.

Từ thời điểm khai hoang cho đến nay, đã trải qua hơn 30 năm, người dân không nhận được bất kỳ thông báo nào cho rằng đất đang sử dụng là đất lâm nghiệp hay đề nghị lấy ý kiến đóng góp về việc thành lập khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng từ phía cơ quan có thẩm quyền.

Ông Đoàn Thanh Dương, cán bộ địa chính xã (bên phải) và ông Huỳnh Tấn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành (bên trái) trao đổi về vụ việc. Ảnh: Nguyên Dũng

Người dân cho rằng, cần xem xét lại tổng thể diện tích và diện tích cụ thể từng vùng rừng, trình tự thủ tục pháp lý thành lập khu rừng phòng hộ Dầu Tiếng.

Ông Đoàn Thanh Dương, cán bộ địa chính xã Tân Thành cho biết, nhiều năm qua, đơn vị này nhận được nhiều đơn thư phản ánh, khiếu nại của người dân trên địa bàn về vụ việc nêu trên nhưng vì vượt quá thẩm quyền nên không thể xử lý.

Ông Huỳnh Tấn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, theo quy hoạch thì xã này có khoảng 4.000ha đất lâm nghiệp gồm: Rừng tự nhiên, rừng nghèo, rừng phục hồi, rừng tái sinh…

Theo Đề án Quản lý, phát triển rừng của tỉnh Tây Ninh, từ năm 2009 đến nay, toàn xã Tân Thành có khoảng 1.000 cây cao su của hơn 700 hộ dân trên địa bàn buộc phải chuyển đổi, chặt hạ để trả lại đất, trồng cây sao dầu.

“Từ năm 2009 đến nay, chúng tôi đã buộc chặt hạ được khoảng 950ha cây cao su của người dân để thu hồi đất, chuyển sang trồng rừng. Hiện còn khoảng 55ha của một số hộ phải chặt hạ nữa là hoàn thành kế hoạch của tỉnh, huyện chỉ đạo”, ông Hiệp nói.

Liên quan đến việc trên, ông Hiệp thừa nhận, việc người dân khiếu kiện, khiếu nại kéo dài trong thời gian qua nhằm đòi quyền sử dụng đất là một thực tế. Hiện, UBND xã Tân Thành đang phối hợp cùng cơ quan chức năng xử lý sự vụ.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Kiên Giang: Chi nhánh VPĐKĐĐ thành phố Phú Quốc bị tố cáo vì không thực hiện được quyết định buộc thi hành án của TAND tỉnh

Kiên Giang: Chi nhánh VPĐKĐĐ thành phố Phú Quốc bị tố cáo vì không thực hiện được quyết định buộc thi hành án của TAND tỉnh

(Thanh tra) - Mặc dù TAND tỉnh Kiên Giang đã ban hành quyết định buộc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) thành phố Phú Quốc cấp bản trích đo địa chính cho công dân, nhưng đơn vị này lại không thực hiện được. Công dân đã làm đơn tố cáo đơn vị này gửi nhiều cơ quan chức năng. Ngày 28/5/2024, Viện KSND Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển đơn tố cáo đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Kiên Giang để giải quyết theo thẩm quyền…

Nhóm PV

14:49 29/10/2024
Cao Bằng: Chỉ đạo “nóng” sau báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành

Cao Bằng: Chỉ đạo “nóng” sau báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành

(Thanh tra) - Thực hiện quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm, bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh, đã phát hiện nhiều sai phạm, duy nhất 1 trạm có đầy đủ điều kiện để hoạt động.

Trung Hà

08:00 29/10/2024

Tin mới nhất

Xem thêm