Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Có hay không việc cưỡng chế nhầm vào đất của người dân liền kề?

PV

Thứ ba, 30/07/2024 - 08:24

(Thanh tra) - Từ việc cưỡng chế còn nhiều tranh cãi của UBND thành phố Bảo Lộc tại thửa đất số 313, tờ bản đồ số 37, thôn 1, xã ĐamB'ri, một hộ dân bị rơi vào cảnh thiếu đường đi, mất điện, nước sinh hoạt của căn nhà không nằm trong diện cưỡng chế.

Hình ảnh nhìn từ trên cao 3 thửa đất liền kề nhau. Ảnh: PV

Theo đơn thư bà Lê Thị Tố Loan (trú tại thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), gia đình đã kêu cứu nhiều nơi về việc UBND thành phố Bảo Lộc khi cưỡng chế thửa đất số 313, tờ bản đồ 37, xã Đam B'ri, phạm vào phần đất của 2 thửa đất liền kề là thửa 600 và 261, cùng thuộc tờ bản đồ số 37 của bà. Gia đình không còn đường đi ra, điện, nước cũng bị cắt khiến cuộc sống bị đảo lộn.

Diễn biến sự việc

Theo đơn bà Loan trình bày, gia đình đang quản lý, sử dụng một phần thửa đất số 313, tờ bản đồ số 37, thôn 1, xã ĐamB'ri, thành phố Bảo Lộc. Về pháp lý, khu đất có diện tích là 22.860m2 (nằm sát hồ Nam Phương 1), nguồn gốc sử dụng đất do hộ khai phá nhận sang nhượng của ông Trần Duy Thư năm 2002 và hiện không có tranh chấp. Nguồn gốc đất được UBND xã ĐamB'ri lấy ý kiến khu dân cư ngày 15/11/2019, được niêm yết công khai tại UBND xã.

Trên thửa đất, bà Loan có trồng một số cây ăn quả như dừa, mãng cầu, bưởi và có tạo cảnh quan thành 2 ao thả cá, thả sen để cải tạo môi trường nước, làm cầu nhỏ để có thể ra giữa hồ và không xây dựng công trình kiên cố nào.

"

Toàn cảnh cưỡng chế thửa đất 313, tờ bản đồ 37, ngày 16/3/2023

Ngoài ra, gia đình còn có 2 thửa đất giáp ranh với thửa 313 là thửa 600 và 261, cùng thuộc tờ bản đồ số 37, xã ĐamB'ri. Trên thửa đất 600 có 200m2 đất ở bà xin phép xây nhà để ở và được cấp phép xây dựng. Lối đi của thửa đất 600 có một đoạn ngắn qua thửa 313, bà Loan xin phép cho tôn cao trên nền đường cũ lầy lội để nối hướng ra phía đường Lý Thái Tổ.

Tháng 12/2019, UBND xã ĐamB’ri lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy lợi trên một phần thửa đất 313 vì cho rằng đã trồng cây ăn trái, làm ao nuôi cá, làm cầu khỉ bắc qua hồ… vi phạm công trình thủy lợi. Trong biên bản này chỉ có cán bộ xã ĐamB’ri và 3 người làm chứng, không có chữ ký của bà Loan.

Cuối năm 2021, Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc ban hành Quyết định số 4417/QĐ-KPHQ ngày 30/12/2021, yêu cầu bà Loan thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi; đê điều (quy định tại điểm d, đ, khoản 2; điểm a, b, khoản 7 Điều 17 Nghị định 104/2017/NĐ-CP ).

Không đồng thuận, bà Loan khiếu nại Quyết định số 4417/QĐ-KPHQ ngày 30/12/2021.

Hơn 9 tháng sau (ngày 1/10/2022), bà Loan nhận được Quyết định số 3139/QĐ-CCXP ngày 19/9/2022 của Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc và Thông báo số 146/TB-CCHC ngày 20/9/2022 của UBND thành phố Bảo Lộc. Để đảm bảo thi hành Quyết định số 4417/QĐ-KPHQ, UBND thành phố Bảo Lộc triển khai cưỡng chế để buộc bà Loan thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả vì cho rằng bà đã có các hành vi vi phạm trong bảo vệ công trình thủy lợi, cải tạo đắp bờ kè, hình thành ra những ao hồ nhỏ, trồng cây ăn trái tại thửa đất 313, tờ bản đồ 37, hồ Nam Phương 1.

Ngày 23/9/2022, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc ký Quyết định số 3277/QĐ-UBND về giải quyết khiếu nại của bà Loan.

Khi cưỡng chế thửa 313 (bên trái) con đường ra duy nhất của thửa 600 cũng bị hủy hoại. Ảnh: PV

Cho rằng Quyết định số 4417/QĐ-KPHQ ngày 30/12/2021 và Quyết định số 3139/QĐ-CCXP ngày 19/9/2022 của Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc; Thông báo số 146/TB-CCHC ngày 20/9/2022 của UBND thành phố Bảo Lộc; Quyết định số 3277/QĐ-UBND ngày 23/9/2022 về giải quyết khiếu nại lần đầu chưa thỏa đáng, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ngày 3/10/2022, bà Loan làm đơn gửi TAND tỉnh Lâm Đồng khởi kiện Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc, UBND thành phố Bảo Lộc (được Thông báo thụ lý số số 72/2022/TLST-HC ngày 7/10/2022 ).

Ngày 27/2/2023, bà Loan nhận được Quyết định số 435/QĐ-UBND ngày 22/2/2023 của Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc về việc tiếp tục cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả từ ngày 14/3/2023 đến ngày 16/3/2023.

Nhận thấy quyết định của Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, ngày 1/3/2023, bà Loan khởi kiện bổ sung Quyết định số 435/QĐ-UBND ngày 22/2/2023. Đơn đã được TAND tỉnh Lâm Đồng ban hành Thông báo giải quyết số 69/TB-TLBSVA ngày 7/3/2023.

Ngày 16/3/2023, đoàn cưỡng chế thực hiện san ủi, phá dỡ công trình xây dựng cho là trái phép, dỡ cổng, cắt điện, nhổ cột điện, ủi cây cảnh có giá trị hàng chục triệu đồng, san ủi đường đi duy nhất vào nhà bà Loan (là thửa đất đã được UBND thành phố Bảo Lộc cấp phép xây dựng). Hiện nay, gia đình không còn đường đi vào nhà.

Nghi ngờ cưỡng chế nhầm, lấn sang thửa đất bên cạnh

Nghi ngờ 2 thửa đất 600 và 261 thuộc tờ bản đồ 37, xã ĐamB’ri bị cưỡng chế nhầm, bà Loan đã mời đơn vị thừa phát lại lập vi bằng và Công ty TNHH Công nghệ trắc địa bản đồ 24H (địa chỉ tại Phường 4, TP Đà Lạt) đo thực địa theo tọa độ của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cơ quan chức năng cấp. Sau đó, mời Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường và Phát triển quỹ đất tỉnh Lâm Đồng kiểm tra, đối chiếu lồng ghép. Kết quả là cả 2 thửa đất nói trên đều bị xâm lấn, ngoài phạm vi quyết định cưỡng chế với tổng diện tích đào múc là 184,7m2. Họa đồ đo đạc hiện trạng thửa đất và diện tích đất bị cưỡng chế được Trung tâm Kỹ thuật tài nguyên môi trường và Phát triển quỹ đất kiểm tra ngày 12/6/2023.

Khi cưỡng chế cây trồng trên thửa 313, đồng thời cũng phạm sang thửa đất 261. Ảnh: PV

Trước thời điểm cưỡng chế, bà Loan đã trình ra Thông báo số 58/CV-TA ngày 16/3/2023 của TAND tỉnh Lâm Đồng về việc xem xét gia hạn thời gian cưỡng chế, nhưng không được xem xét.

Ngày 17/3/2023 (chỉ sau 1 ngày cưỡng chế), TAND tỉnh Lâm Đồng ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/2023/QĐ-BPKKTT, nêu rõ: "Người khởi kiện yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo vệ chứng cứ của vụ án, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây hậu quả không thể khắc phục được theo quy định tại khoản 1, Điều 66, Điều 69, Điều 73 của Luật Tố tụng Hành chính".

Tuy nhiên, Thông báo số 58/CV-TA ngày 16/3/203 đã không được đoàn cưỡng chế xem xét để gia hạn thêm thời gian ra Quyết định 01/2023/QĐ-BPKCTT.

Gia đình thương binh kêu cứu

Bà Loan có chồng là thương binh hạng 4/4, là cựu bộ đội đặc công thuộc Bộ Tư lệnh đặc công chiến trường miền Nam, khi tham gia chiến đấu tại Buôn Ma Thuột đã mất đi một cánh tay phải, cổ chân phải, mu chân phải (Giấy chứng nhận thương binh số 283PĐG).

Việc cưỡng chế đã phá hủy con đường duy nhất vào nhà, bị cắt điện, nước vì thửa đất 600 không thuộc diện cưỡng chế đã có nhà (được UBND TP Bảo Lộc cấp Giấy phép xây dựng số 169/GP-XD-UBND ngày 7/4/2020).

Bà Loan cho biết, nhiều tháng qua, mưa lũ, muốn vào nhà thì phải lội qua hồ, không biết con đường duy nhất vào nhà bao giờ được khôi phục lại. Bà Loan chỉ mong sớm thoát ra khỏi cảnh khổ sở này và có điện, nước sinh hoạt bình thường. Đồng thời, mong tòa sớm đưa vụ án ra xét xử.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm