Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Các cơ sở sản xuất sét Bentonit thách thức chính quyền?

Thứ ba, 29/09/2020 - 06:00

(Thanh tra) - Mặc dù 8 cơ sở thu gom, sản xuất sét Bentonit ở thị trấn Nưa, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa hoạt động trái phép trong nhiều năm qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã cho kiểm tra, gia hạn xử lý. Thế nhưng, đến nay hàng tồn kho, máy móc, nhà xưởng vẫn không được tháo dỡ theo chỉ đạo, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Khai thác sét Bentonit tại chân núi Nưa thuộc địa phận 16,6km2 mà Nhà nước đã giao cho Công ty Cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa - TKV quản lý. Ảnh: Văn Thanh

Coi thường chỉ đạo của tỉnh

Trong những năm qua, tại xã Tân Ninh (nay là thị trấn Nưa), huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa tồn tại 8 cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm sét Bentonit trái pháp luật. Nguồn sét Bentonit được các cơ sở này hằng ngày thu gom, ăn trộm ở khu vực 16,6km2 mỏ đã được Nhà nước giao cho Công ty Cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa - KTV quản lý bấy lâu nay.

Theo điều tra được biết, việc các cơ sở sản xuất này tồn tại trái phép lâu nay mà không bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý triệt để, một phần là do chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, yếu kém, các cơ quan chức năng về kiểm tra theo kiểu chiếu lệ, xong rồi lại rút đi vì nể nang hoặc né tránh hoặc vì có quan hệ thân tình.

Để tận mắt chứng kiến nguồn tài nguyên sét Bentonit bị đánh cắp như thế nào, chúng tôi đã “mật phục” theo dõi những hoạt động khai thác này. Cứ mờ sáng cho đến cuối ngày, sau khi các công nhân vào khu vực mỏ quặng nằm ở chân núi Nưa tổ chức khai thác, thu gom sét thành đống. Sau đó, các xưởng sản xuất này huy động xe công nông chở sét ra các bãi tập kết của các xưởng để chế biến. Cứ thế, sét Bentonit bị khai thác trái phép nhiều năm qua mà không hề cần bất kỳ một giấy tờ cấp phép nào của cơ quan chức năng.

Việc sản xuất, chế biến, xuất bán sản phẩm sét Bentonit được các cơ sở sản xuất này thực hiện cả ngày lẫn đêm. Dưới “vỏ bọc” được chính quyền cho thực hiện xử lý khối lượng sét Bentonit tồn kho, từ năm 2017 đến nay, lợi dụng vào việc này, các cơ sở sản xuất, chế biến này lại càng đầu tư lớn mạnh hơn, khai thác, chế biến quy mô lớn, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân.

Chế biến sét Bentonit tại Công ty TNHH Tân Đức. Ảnh: Văn Thanh

Được biết, năm 2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra việc khai thác, chế biến loại khoáng sản này. Nhiều lần UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo dừng việc khai thác sét Bentonit, tháo dỡ nhà xưởng, trả lại mặt bằng cho Nhà nước quản lý. Thế nhưng, sau những lần có văn bản chỉ đạo, các doanh nghiệp này vẫn tìm cách trì hoãn và coi thường các nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Nếu không tự tháo dỡ thì phải cưỡng chế

Mới đây nhất, ngày 10/7/2020 UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các Sở TN&MT, Sở Công thương, UBND huyện Triệu Sơn yêu cầu thực hiện nghiêm phương án xử lý sét Bentonit tồn kho của các doanh nghiệp này tại thị trấn Nưa. Theo ghi nhận, hiện đã có một số doanh nghiệp không thu gom, sản xuất, chế biến, có kế hoạch tháo dỡ máy móc, nhà xưởng theo chỉ đạo. Thế nhưng, trái ngược lại như thách thức chính quyền, tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH Tân Đức vẫn hoạt động cả ngày lẫn đêm. Ngoài ra, công ty này còn lên kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất bằng cách thuê lại nhà xưởng, kho tàng, trang thiết bị máy móc của Công ty Hoa Cương, gây bất bình trong cộng đồng dân cư.

UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cơ sở sản xuất sét Bentonit giải tỏa, dỡ nhà xưởng, trả lại mặt bằng cho Nhà nước trước ngày 10/10/2020. Ảnh: Văn Thanh

Đặc biệt, trước việc mở rộng này, chính quyền thị trấn Nưa đã một số lần ra quân cương quyết xử lý, dừng hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Tân Đức, thế nhưng không hiểu có thế lực nào “bảo kê” hay “chống lưng” cho đơn vị này hay không mà đơn vị này vẫn ngang nhiên mở rộng và sản xuất giữa ban ngày mà không hề bị cơ quan chức năng chức năng nào “sờ gáy”?

Theo nội dung Văn bản chỉ đạo số 9215 ngày 10/7/2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa, việc để cho các doanh nghiệp thu gom, chế biến sét Bentonit trái phép ở thị trấn Nưa, đến thời điểm này vẫn chưa hoàn thành việc xử lý tồn kho, chưa di chuyển máy móc, thiết bị, nhà xưởng, hoàn trả mặt bằng cho Nhà nước quản lý là chậm 16 tháng theo phương án. Trách nhiệm thuộc Sở TN&MT và UBND huyện Triệu Sơn nên tỉnh yêu cầu các đơn vị này nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm về việc kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp nói trên thực hiện Quyết định số 3758/QĐ-UBND ngày 4/10/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh.

Văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các cơ sở sản xuất sét Bentonit giải tỏa, dỡ nhà xưởng, trả lại mặt bằng cho Nhà nước trước ngày 10/10/2020. Ảnh: Văn Thanh

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các doanh nghiệp này phải khẩn trương thực hiện việc xử lý sét Bentonit tồn kho, di chuyển thiết bị máy móc, tháo dỡ nhà xưởng, trả lại mặt bằng theo quy định trước ngày 10/10/2020. Quá thời hạn này, nếu doanh nghiệp nào vẫn chưa hoàn thành, yêu cầu UBND huyện Triệu Sơn xây dựng kế hoạch cưỡng chế theo quy định, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 30/10/2020.

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Văn Thanh

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

Cùng vi phạm như nhau, tại sao trạm phải dừng, trạm lại không?

(Thanh tra) - Theo báo cáo của đoàn kiểm tra liên ngành, kết quả kiểm tra 17 trạm trộn bê tông thương phẩm và trạm trôn bê tông nhựa nóng trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, thì có đến 16 trạm có nhiều lỗi vi phạm, bị xử lý buộc tháo dỡ, di dời, hoặc tạm dừng hoạt động để hoàn thiện hồ sơ, nhưng riêng trạm trộn bê tông tươi Trường An thì không phải dừng hoạt động.

Thành Nam

18:43 20/11/2024
Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

Bài 2: Cục Quản lý Dược có bất thường trong việc cấp phép một số dòng sản phẩm Obagi?

(Thanh tra) - Như bài viết trước chúng tôi đã đề cập, năm 2017, Công ty Dương Minh được độc quyền nhập khẩu, phân phối các sản phẩm của Obagi Hoa Kỳ. Tháng 9/2017, Công ty Dương Minh chính thức được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế Việt Nam cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm đối với các sản phẩm Obagi và cũng chính thức trở thành nhà nhập khẩu phân phối độc quyền các sản phẩm Obagi ở thị trường Việt Nam.

Đan Quế - Lê Phương - Phương Anh

08:00 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm