Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bản án phúc thẩm tại Bình Dương: Nhiều khuất tất cần được làm rõ

Ngân Nga

Thứ năm, 09/02/2023 - 16:11

(Thanh tra) - Mặc dù đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 2010, nhưng gần 10 năm sau, gia đình ông Nguyễn Văn Minh (trú tại số 6, khu phố 5, phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) bất ngờ bị Hội đồng Xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Dương phán quyết yêu cầu “chia” một phần đất cho nguyên đơn.

Thửa đất tranh chấp. Ảnh: NN

Vi phạm tố tụng?

Ông Nguyễn Văn Minh cho biết, vào ngày 20/7/2010, ông cùng vợ (bà Nguyễn Thị Út) và bà Nguyễn Thị Số cùng làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Ngày 21/7/2010, hợp đồng chuyển nhượng trên được UBND phường Uyên Hưng chứng thực với toàn bộ thửa 309 tờ bản đồ số 42.

Ngày 19/8/2010, ông Minh được UBND huyện Tân Uyên (nay là thị xã Tân Uyên) cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đất theo đúng trình tự thủ tục.

Ngày 6/2/2012, con gái bà Số (chị Trương Thanh Phượng, sinh năm 1990) đại diện cho mẹ làm đơn khởi kiện ra TAND huyện Tân Uyên. Đến tháng 4/2019, TAND thị xã Tân Uyên tiến hành xét xử sơ thẩm.

Tại Bản án số 07/2019/DS-ST ngày 2/4/2019 đã có quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Phượng.

Sổ đỏ của ông Minh, bà Út. Ảnh: NN

Đồng thời, chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của ông Nguyễn Văn Minh, bà Trần Thị Út, công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 21/7/2010 giữa bà Nguyễn Thị Số và vợ chồng ông Minh, bà Út về việc chuyển nhượng diện tích đất thửa 309, tờ bản đồ số 42 tại phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Về bản án sơ thẩm, ông Nguyễn Văn Minh cho rằng không có gì thắc mắc. Sau khi vụ việc được TAND tỉnh Bình Dương đem ra xét xử phúc thẩm thì gia đình ông không hoàn toàn đồng tình với bản án. Hội đồng Xét xử phúc thẩm tỉnh Bình Dương chưa làm rõ một số vấn đề khúc mắc và phán quyết vượt quá thẩm quyền.

Ông Minh cho rằng, tòa phúc thẩm đã không đánh giá chứng cứ có trong hồ sơ vụ án theo Điều 108 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

Cụ thể, tại Văn bản số 702 ngày 28/8/2019 của Trung tâm Phát triển Quỹ đất tỉnh Bình Dương và Văn bản số 247/TTPTQĐ-HC ngày 18/7/2019 của Trung tâm Phát triển Quỹ đất thị xã Tân Uyên, số 2778/PTNMT-ĐĐ ngày 1/11/2019 của Phòng Tài nguyên và Môi trường thị xã Tân Uyên đều không thể hiện việc thửa đất 309 bị thu hồi toàn bộ.

Bản án phúc thẩm lại cho rằng thửa đất thuộc diện bị thu hồi toàn bộ để làm dự án đường mới ĐT 746 nối dài từ đoạn dốc cây Quéo đến điểm giao với đường Thủ Biên - Cổng Xanh và dự án xây dựng đường từ ngã ba Mười Muộn đi ngã ba Tân Thành.

Theo ông Minh, tòa phúc thẩm nhận định một đằng nhưng quyết định lại có phần mâu thuẫn, bởi trong hồ sơ vụ án không có cơ sở xác định hay kết luận diện tích tranh chấp bị thu hồi toàn bộ và cũng không có căn cứ nào nói diện tích thu hồi là 445.3m2.

Ngạc nhiên hơn, ông Minh mua đất của mẹ bà Phượng có hợp đồng đầy đủ và đã ra sổ đỏ năm 2010, từ đó đến nay luôn hoàn thành nghĩa vụ thuế trên phần đất theo sổ đỏ của mình. Vậy mà Hội đồng Xét xử phúc thẩm tuyên thửa đất này phải chia cho bà Phượng.

Không những thế, gia đình bà Phượng ngoài được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng theo tỷ lệ, còn được nhận đất tái định cư. Trong khi đó, gia đình ông Minh cũng nhường đất cho dự án nhưng không được nhận đất tái định cư!

Vượt quá yêu cầu khởi kiện?

Ông Nguyễn Văn Minh cũng cho rằng, tòa đã vượt quá yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Tại dòng 15-17 của bản án tòa tuyên: Giá trị QSDĐ (gồm đất nông nghiệp và đất ở) còn lại của thửa đất 309 (diện tích thực tế do cơ quan có thẩm quyền xác định) và tài sản trên đất của bà Nguyễn Thị Số và gia đình bà Số được nhận tiền bồi thường; gia đình bà Số được hưởng quyền lợi (tái định cư) của người có nhà, đất bị thu hồi theo quy định của pháp luật. Mặc dù trong hồ sơ vụ án không có căn cứ nào nói về việc tái định cư cho đương sự. Và không có văn bản nào của cơ quan chuyên môn xác định bà Số đủ điều kiện bồi thường.

Ông Minh Bức xúc: “Toà tuyên gia đình bà Số được hưởng quyền lợi (tái định cư) của người có nhà đất bị thu hồi theo quy định của pháp luật. Trong khi đó vụ việc này hoàn toàn không có đương sự nào yêu cầu giải quyết là vượt quá yêu cầu khởi kiện. Điều khó hiểu nữa là, cùng được toà phúc thẩm chia đất ở và đất nông nghiệp như nhau, trong khi bà Nguyễn Thị Số thì được toà án phán quyết được tái định cư còn chúng tôi thì không”.

Biên bản đối chất tại tòa án. Ảnh: NN

Trao đổi với chúng tôi về vụ việc này, luật sư Trần Đình Dũng thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết: Toà án chỉ giải quyết những yêu cầu mà đương sự có yêu cầu theo nguyên tắc quyền quyết định của đương sự. Tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, qui định: “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.

Nếu như toà án xét xử vượt ra ngoài phạm vi yêu cầu của đương sự thì đó được xem là vi phạm nghiêm trọng tố tụng dân sự. Trong trường hợp này, toà cấp trên và viện kiểm sát nhân dân trong thời hạn luật định cần xem xét để kháng nghị huỷ bản án nếu bản án đó đã có hiệu lực pháp luật. Phía đương sự cũng có quyền gửi thông báo việc vi phạm đến người có thẩm quyền giải quyết xem xét lại việc vi phạm tố tụng”.

Việc xem xét điều kiện bồi thường, giá trị bồi thường, điều kiện tái định cư, bồi thường bằng tiền hay bồi thường bằng việc giao đất là do hội đồng bồi thường và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện/tỉnh thực hiện theo quy định pháp luật. Việc hội đồng xét xử phán quyết cho bà Trương Thanh Phượng được nhận tiền bồi thường và nhận đất tái định cư liệu có vượt quá thẩm quyền?

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm