Theo dõi Báo Thanh tra trên
Lê Phương
Thứ sáu, 18/06/2021 - 11:24
(Thanh tra) - Ngày 17/6, lô vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) gần 1 tấn đã được đối tác nhập khẩu và bán buôn mới tại Nhật Bản chuyển đến 150 đầu mối bán lẻ trên khắp nước Nhật. Trước đó, một lô vải thiều Thanh Hà khác cũng được một đối tác tiềm năng lớn tại Nhật lần đầu tiên nhập mẫu để phân phối ở thị trường này.
Gần 1 tấn đã được đối tác nhập khẩu và bán buôn mới tại Nhật Bản chuyển đến 150 đầu mối bán lẻ trên khắp nước Nhật. Ảnh: MK
Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương) Nguyễn Thị Thu Thuỷ cho biết, các đơn hàng này được kết nối thành công cho Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ sau hội nghị giao thương trực tuyến nông sản, thực phẩm Việt Nam - Nhật Bản tổ chức ngày 02/6 vừa qua với sự phối hợp hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản và Cục Xúc tiến thương mại.
Các lô vải được chuyển tới các kênh nhập khẩu mới của Nhật Bản này đều có gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 của Cục Xúc tiến thương mại, giúp cho người tiêu dùng Nhật Bản hiểu rõ hơn về hành trình của quả vải Việt Nam qua từng công đoạn, từ vun trồng, thu hoạch cho đến cung ứng. Ngoài trái vải, khách nhập khẩu Nhật Bản còn có nhu cầu nhập từ Việt Nam mía, xoài xanh, dừa, củ sả tươi - bà Thủy cho hay.
Sau một năm thâm nhập thị trường Nhật Bản, quả vải thiều Việt Nam đã gây được tiếng vang ở xứ sở mặt trời mọc. Khi lần đầu tiên được ra mắt tại chuỗi siêu thị AEON vào tháng 6/2020, quả vải thiều đã được người tiêu dùng Nhật Bản và đông đảo cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật hồ hởi đón nhận. Nhiều người Nhật đã dành lời khen cho sự tươi ngon của quả vải Việt Nam và họ cũng mua tặng cho cả gia đình, bạn bè.
Bên cạnh đó, việc số lượng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản gia tăng nhanh trong những năm gần đây khiến cho hình ảnh và nhu cầu đối với hàng nông sản - thực phẩm Việt Nam, trong đó có quả vải thiều, ngày càng được nâng cao tại thị trường Nhật Bản.
2020 là năm đầu tiên nên số lượng vải thiều nhập khẩu vào Nhật Bản không lớn và thời gian bán không được dài, vì vậy có rất nhiều người Việt Nam cũng như người Nhật bày tỏ sự tiếc nuối khi chưa được thưởng thức quả vải trong vụ mùa năm ngoái.
Năm nay, theo thông tin tổng hợp từ các đầu mối xuất nhập khẩu của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, dự kiến sẽ có khoảng 1.000 tấn vải thiều tươi được xuất khẩu sang Nhật Bản trong mùa vụ năm nay. Con số này sẽ là một sự gia tăng sản lượng lớn so với năm ngoái, giúp quả vải Việt Nam khẳng định mạnh mẽ chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản.
Năm nay, quả vải Việt Nam tiếp tục được người tiêu dùng Nhật Bản và người Việt Nam sống tại Nhật hào hứng đón nhận vì từ nay được ăn trái vải tươi của Việt Nam, một loại quả quý, có giá trị mà Nhật Bản chỉ có thể trồng được ở tỉnh Miyzaki với số lượng hàng năm không nhiều.
Nhiều người tiêu dùng Nhật Bản nói rằng từ trước đến giờ chưa từng được ăn quả vải tươi ngon và có hương thơm dịu nhẹ như thế này. Họ còn đưa ra những cảm nhận về vị giác, về cách ăn, về giá bán, về cách nên đưa trái vải vào hệ thống siêu thị nào để nâng cao được giá trị của quả vải.
Ngoài ra, cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản cũng có sự ủng hộ mạnh mẽ đối với sản vật của quê hương. Ngoài các chuỗi siêu thị của Nhật Bản thì năm nay cũng có rất nhiều doanh nghiệp/cửa hàng do người Việt làm chủ đứng ra nhập khẩu vải thiều, bán trực tiếp/online phục vụ cộng đồng người Việt trên mọi miền của Nhật Bản.
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh cho biết, Việt Nam đã mất hơn 5 năm để trao đổi đàm phán, thực hiện nghiêm ngặt các quy định và tiêu chuẩn khắt khe từ lựa chọn giống vải, đăng ký vùng trồng, chăm bón, diệt sâu bệnh, thu hoạch rồi tìm kiếm đối tác xuất khẩu, đàm phán giá cả… mới có thể thành công thâm nhập vào thị trường Nhật Bản.
Cũng theo ông Minh, kể cả khi thâm nhập thành công rồi nhưng để giữ được thị trường lâu dài, bền vững là việc vô cùng khó. Thị trường Nhật Bản là thị trường nổi tiếng là khó tính, nếu để chất lượng quả vải xuất sang Nhật vì bất cứ lý do gì không được tốt, dù từ phía người nông dân hay doanh nghiệp xuất khẩu, chỉ cần một lô quả vải không đảm bảo tươi ngon, không đạt chất lượng thì bao nhiêu công sức của bà con nông dân trồng ra được quả vải ngon sẽ không còn ý nghĩa.
Do đó, để phát triển bền vững thị trường Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh khuyến cáo cần có sự liên kết đồng bộ từ khâu trồng trọt, xử lý, bảo quản, vận chuyển và xuất khẩu để đảm bảo quả vải thiều tươi giữ được độ tươi ngon, từ đó giữ vững được thương hiệu và thị trường.
Bên cạnh đó, khâu giới thiệu, quảng bá hình ảnh sản phẩm nông sản của Việt Nam nói chung và quả vải thiều nói riêng tại thị trường Nhật Bản cũng rất quan trọng.
Ông Minh cũng cho biết, thời gian tới, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan ở trong nước cũng như các hệ thống siêu thị, hệ thống phân phối của Nhật Bản để đẩy mạnh công tác này, giúp cho quả vải thiều Việt Nam được nhiều người Nhật biết tới hơn nữa.
Nhật Bản là thị trường có tiêu chuẩn cao về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với sản phẩm nông thủy sản - thực phẩm nhập khẩu. Mặc dù sản lượng quả vải trồng nội địa còn rất thấp (chỉ chiếm 5% thị phần tiêu thụ và có rất ít địa phương của Nhật có khí hậu phù hợp cho trồng vải) và Nhật Bản hầu như phải nhập khẩu quả vải tươi từ nước ngoài, tuy nhiên Nhật Bản chỉ cho phép nhập khẩu các sản phẩm đạt các tiêu chuẩn đã đặt ra.
Từ trước đến nay, Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu quả vải tươi từ Đài Loan và Trung Quốc. Cho đến năm 2016, Trung Quốc luôn là nước xuất khẩu vải tươi lớn nhất sang Nhật Bản. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2017-2018, Trung Quốc mất vị trí số 1 nhưng đã trở lại vị trí dẫn đầu xuất khẩu quả vải sang Nhật vào năm 2019 với sản lượng 102 tấn, tiếp sau là Đài Loan (khoảng 100 tấn), Mexico (hơn 6 tấn), Honduras (gần 3 tấn) và Hoa Kỳ (gần 1 tấn).
Năm 2020, lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu quả vải tươi sang Nhật Bản. Theo số liệu của Hải quan Nhật Bản, ngay trong năm đầu tiên thâm nhập thị trường, vải thiều Việt Nam chiếm thị phần khoảng 10% tại thị trường Nhật, xếp vị trí thứ 3, sau vải Trung Quốc và Đài Loan. Do năm ngoái là năm đầu tiên nên các công ty Nhật Bản nhập khẩu quả vải Việt Nam còn dè dặt nhằm thăm dò phản ứng thị trường. Tuy nhiên, do quả vải Việt Nam đã gây được hiệu ứng tốt, các công ty Nhật có kế hoạch tăng lượng nhập khẩu vải thiều Việt Nam lên gấp nhiều lần trong năm nay, vì vậy vải thiều Việt Nam được kỳ vọng sẽ gia tăng mạnh thị phần tại Nhật Bản.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Gói thầu xây lắp phần đường và cầu vượt nút giao ĐT994 thuộc dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vừa mới mở thầu ngày 18/10/2024. Dự toán gói thầu là hơn 1.792,4 tỷ đồng. Liên danh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương đưa ra giá dự thầu là hơn 1.684,6 tỷ đồng… Mới đây, doanh nghiệp liên tục bị Tổng cục Thuế bị xử phạt do vi phạm hành chính về thuế.
Chu Tuấn - Quang Dân
14:25 22/11/2024(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn vừa ký văn bản yêu cầu các sở, ngành đẩy nhanh tốc độ chuẩn bị các bước tiếp theo để trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho dự án xử lý chất thải tập trung cấp vùng tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân trước ngày 30/12/2024.
Văn Thanh
12:45 22/11/2024Văn Thanh
12:43 22/11/2024Bùi Bình
21:53 20/11/2024Hương Giang
20:39 20/11/2024Lê Hữu Chính
Lâm Ánh
Hương Giang
Trần Kiên
Bùi Bình
Bùi Bình
Uyên Uyên
Minh Huyền
Thái Hải