Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Tiếp tục “thúc” tiến độ các dự án trọng điểm

Trần Quý

Thứ sáu, 10/09/2021 - 06:37

(Thanh tra)- Mặc dù tiến độ giải ngân của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) luôn cao hơn so với bình quân của cả nước, nhưng vẫn chưa đạt kế hoạch đề ra. Do vậy, Bộ GTVT tiếp tục “thúc” tiến độ các dự án (DA), đặc biệt là các DA trọng điểm.

Nhiều DA bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Ảnh: Trần Quý

Theo số liệu của Bộ GTVT, tổng kế hoạch vốn được giao năm 2021 của Bộ khoảng 43.401 tỷ đồng. Đến hết tháng 8/2021, Bộ GTVT đã giải ngân được khoảng 22.386 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch cả năm, cao hơn so với bình quân chung cả nước (41,7%) và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020 (48,4%).

Nếu thực hiện đúng kế hoạch giải ngân được các chủ đầu tư đăng ký, trong tháng 9/2021, Bộ GTVT sẽ giải ngân được 4.197 tỷ đồng, đưa giá trị giải ngân lũy kế đến hết tháng 9 đạt 61,4% kế hoạch cả năm, đáp ứng yêu cầu Nghị quyết 63 của Chính phủ.

Khối lượng giải ngân 20.914 tỷ đồng của Bộ GTVT sẽ tập trung ở các DA thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông; 14 DA đường bộ, đường sắt cấp bách và các DA trọng điểm giao vốn lớn như cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, 2 DA nâng cấp đường băng Nội Bài và Tân Sơn Nhất...

Bộ GTVT nhận định, từ nay đến cuối năm 2021, các chủ đầu tư, ban quản lý (BQL) DA phải thực hiện khối lượng công việc rất lớn. Trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, điều kiện thời tiết bất lợi, mưa bão cuối năm, các DA sẽ bị ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai.

Nhiều DA chậm tiến độ do thiếu đất đắp nền đường. Ảnh: Trần Quý

Đáng lo ngại, một số DA có trường hợp mắc Covid-19, như DA Cảng Hàng không Tân Sơn Nhất, đường bộ cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Các đơn vị đã phối hợp với cơ quan chức năng địa phương để tổ chức chữa bệnh, cách ly, sàng lọc, xét nghiệm… nhưng phần nào đã ảnh hưởng đến việc tổ chức thi công và tâm lý của người lao động.

Mặt khác, nhân công, người lao động ở các DA rất, nhưng nhiều trường hợp chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19; hầu như chưa có người lao động tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

Đối với công tác mua sắm, vận chuyển vật tư, thiết bị, thời gian vận chuyển kéo dài ảnh hưởng đến thời gian giao hàng. Công tác cung cấp vật liệu (đất, cát, đá, xi măng, sắt thép, bê tông,…), cọc đúc sẵn phục vụ thi công bị chậm do nhiều đơn vị cung ứng ngưng sản xuất, hoặc cung cấp hạn chế. Công tác vận chuyển gặp nhiều khó khăn do việc hạn chế di chuyển và cách ly tập trung 14 ngày người đến từ vùng dịch đã ảnh hưởng đến tiến độ các gói thầu xây lắp…

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA nói chung và các DA trọng điểm nói riêng, đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, hết năm 2021 phải giải ngân từ 95 - 100% vốn đầu tư công, ngay ngày đầu tháng 9/2021, Bộ GTVT đã thành lập tổ công tác đặc biệt để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các chủ đầu tư, BQLDA tập trung đẩy nhanh công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 đáp ứng yêu cầu. Tổ công tác đặc biệt do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể làm Tổ trưởng, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm làm Tổ phó.

Bộ GTVT phấn đấu đến 30/9 giải ngân đạt 61% kế hoạch năm. Ảnh: Trần Quý

Nhiệm vụ của tổ công tác là đôn đốc, kiểm tra, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công tại các DA; rà soát, tổng hợp đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện, giải ngân DA theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời tham mưu đề xuất lãnh đạo bộ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề mới phát sinh, vượt thẩm quyền.

Tham mưu Bộ trưởng xử lý nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư, BQLDA, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực và kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công…

Lo ngại trước một số DA có tiến độ giải ngân chậm, tại hội nghị giao ban trực tuyến về công tác tháng 8 và triển khai nhiệm vụ tháng 9 và các tháng cuối năm vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị, BQLDA phải khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA cũng như công tác giải ngân nguồn vốn. “Sẽ điều chuyển, kỷ luật lãnh đạo đơn vị quản lý DA, giám đốc công trường DA để DA chậm tiến độ, chậm giải ngân” - Bộ trưởng khẳng định.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 31/8/2021, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công năm 2021 kiểm soát qua Kho bạc Nhà nước đạt 210.780,5 tỷ đồng, bằng 41,7% tổng nguồn vốn thuộc kế hoạch vốn kéo dài và kế hoạch vốn năm 2021 mà Thủ tướng Chính phủ giao (kế hoạch là 505.435,3 tỷ đồng). Như vậy, với việc trải qua 2/3 thời gian của năm 2021, tiến độ giải ngân như trên là chưa đạt kế hoạch.

Theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách Nhà nước năm 2021 từ 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, đến hết quý III/2021 (30/9) giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch đề ra.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm