Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quyền lực "nước bọt": Cò quay căn hộ kiếm 15 triệu/giờ

Thứ sáu, 10/04/2015 - 14:59

Chưa đầy một tiếng đồng hồ, giá chênh một căn hộ bị đẩy từ 50 triệu lên tới 65 triệu đồng, người mua nhà bị “cò quay” chóng mặt, toát mồ hôi mà vẫn phải ngậm ngùi ngậm trái đắng xuống tiền.

Lực lượng môi giới ngày càng hùng hậu

Kể về hành trình đi mua nhà của mình, chị Ngân (quận Đống Đa, Hà Nội) vẫn chưa hết lo lắng. Hai vợ chồng chị lên kế hoạch mua nhà ở một dự án tại Linh Đàm từ cuối năm ngoái. Với số tiền hơn 300 triệu đồng chuẩn bị đóng đợt đầu, vợ chồng chị nơm nớp lo sợ, không dám gửi ngân hàng vì chủ đầu tư mở bán bất cứ lúc nào. Đùng một cái, trong lúc hai vợ chồng đi làm thì nghe thông tin mở bán. Anh chị hớt hải bỏ việc ôm tiền mang tới sàn.

Dù đã chuẩn bị tâm lý về cách bán hàng của chủ đầu tư song vợ chồng chị Ngân vẫn cảm thấy bỡ ngỡ, bởi lần mua bán này khác hẳn những dự án khác mà anh chị biết.

Cầm bọc tiền trên tay, hai vợ chồng đi đi lại lại vì không thể nào tiếp cận được chủ đầu tư để mua trực tiếp. Thay vào đó, một đội ngũ hơn 100 người môi giới, với đủ lứa tuổi, đang nhốn nháo bên ngoài và mời chào các mức giá. Thấy anh chị có nhu cầu mua nhà, 5-6 nhân viên môi giới vay quanh. Điều đặc biệt, anh chị được mặc cả thoải mái chẳng khác gì mua mớ rau ngoài chợ.

Gay cấn nhất là việc “chốt” căn, vợ chồng chị Ngân toát cả mồ hôi. Lựa chọn được căn như mong muốn, bên phía môi giới đưa ra mức tiền chênh 50 triệu đồng, anh chị đồng ý. Tuy nhiên, sau khi gọi điện cho chủ nhà, người phụ nữ hơn 40 tuổi làm môi giới lại dỗ ngon dỗ ngọt vợ chồng chị, rằng căn đó đang có nhiều khách và mức giá chênh đã lên tới 60 triệu đồng. Chị ta chốt lại, nếu vợ chồng chị không đặt cọc ngay là sẽ có khách khác lấy.

Tiếc số tiền chênh 60 triệu, nhưng vì căn hộ đẹp đúng nguyện vọng nên vợ chồng chị Ngân đành đồng ý. Sau hơn 30 phút làm việc trong toà nhà của chủ đầu tư, nhân viên môi giới quay trở lại. Lần này, lấy lý do người mua quá đông, các môi giới khác cũng đang làm việc với chủ nhà, họ có mức giá hấp dẫn hơn nên nhân viên này lại xin thêm 5 triệu.

Không chịu đựng được, chồng chị Ngân phát cáu: “Chốt lại là 65 triệu, nếu còn tăng sẽ không mua nữa”. Đến lúc này, nhân viên môi giới mới dẫn vợ chồng chị Ngân đi làm thủ tục mua bán.

Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, cò nhà đất đã nâng giá bán chênh căn hộ từ 50 lên tới 65 triệu đồng. Rao bán với mức giá chênh thấp để thu hút người mua, sau đó tìm mọi lý do để nâng giá lên là một trong nhiều chiêu thức của nhân viên môi giới nhằm kiếm lời trong bối cảnh thị trường BĐS đang có nhu cầu lớn từ phía người mua.

Đất lành “cò” đậu

Từ khi thị trường BĐS có dấu hiệu nóng lên, đội ngũ môi giới nhà đất - hay còn bị gắn mác là “cò” - đã quay trở lại, với số lượng áp đảo không chỉ từ phía các sàn mà cả môi giới độc lập. Sự đông đúc này thể hiện qua lượng người có mặt tại các dự án mỗi khi mở bán.

Không ít dự án, chủ đầu tư đang thi công phần móng, chưa lên đến cốt 0, thì tại các sàn giao dịch, môi giới đã công bố thông tin “chủ đầu tư đã mở bán” và mời chào khách hàng đặt chỗ, đặt cọc tiền.

Nhiều dự án nhà giá rẻ bị cò đẩy giá chênh


Đơn cử như một dự án ở Phạm Hùng, ngày chủ đầu tư chính thức giới thiệu ra thị trường, đã có tới hàng trăm người tới tham dự. Phần lớn trong số này đều là nhân viên môi giới tới thăm dò thị trường và tiếp cận chủ đầu tư lấy hàng. Chỉ vài hôm sau, hàng loạt tin rao vặt rao bán xuất hiện trên mạng. Tuy nhiên, khi hỏi mua, phía môi giới đều trả lời đang bán suất ngoại giao giá chênh vài chục tới cả trăm triệu đồng và chỉ mới đặt cọc nhận chỗ.

Trước mắt, khách hàng ký với chủ đầu tư hợp đồng góp vốn 100 triệu đồng. Sau 3 tháng xong móng sẽ ký hợp đồng mua bán với chủ đầu tư và đóng tiền theo hợp đồng.

Theo khảo sát, các khu vực Mỹ Đình, Trung Hoà Nhân Chính, Linh Đàm, Hoàng Mai,... đang khá sôi động với sự xuất hiện ồ ạt trở lại của nhiều sàn giao dịch, công ty môi giới nhà đất.

Theo báo cáo từ Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến cuối năm 2014, cả nước có trên 1.000 sàn giao dịch bất động sản và khoảng 30.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới, định giá bất động sản.

Bà Dương Thùy Dung - CBRE Việt Nam, cho hay, số lượng các nhà môi giới BĐS trong quý I vừa qua tăng lên rất nhiều, nhất là tại TP.HCM, trong khi tại Hà Nội nhóm này đang bị chi phối bởi một số sàn BĐS lớn. Theo quan sát của CBRE, hiện sân chơi cho các nhà môi giới là bình đẳng, kể cả nhà môi giới độc lập, chủ đầu tư rất cởi mở, không còn hiện tượng môi giới độc quyền.

Theo bà Dung, số lượng căn hộ bán ra thời gian qua tăng mạnh, một phần thông qua môi giới. “Rõ ràng, tỷ lệ giao dịch tăng là năm tốt cho môi giới. Cá nhân môi giới đang là nhân sự được săn lùng ác liệt”, bà Dung nói.

Mặc dù vậy, môi giới ở Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Hiện tượng “cò” làm giá xảy ra ở một số dự án. Theo bà Dung, tại Singapore, môi giới có một quy định chung, chỉ cần bị mắc một lỗi sẽ bị tước bằng. Đơn cử, môi giới không trung thực, như chào mời rằng anh chị mua căn hộ đó đi vì hết sạch rồi, không còn lựa chọn nào nữa. Sau này, người mua chứng minh được tại thời điểm đó có căn nào đó chưa được bán, họ có quyền khiếu nại. Nếu đúng, trung tâm quản lý môi giới sẽ tước bằng của nhân viên này.

“Hiện người mua đủ thông minh, môi giới khó mà đưa thông tin sai” bà Dung nhận định.

Mới đây nhất, một hội môi giới BĐS cũng đã chính thức được thành lập. Mặc dù vậy, để đội ngũ môi giới trở nên chuyên nghiệp hơn vẫn còn chờ ở phía trước.

Theo D.Anh/Diễn Đàn Kinh Tế Việt Nam

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc vượt kế hoạch năm 2024, thu hút vốn đầu tư kỷ lục

Vĩnh Phúc vượt kế hoạch năm 2024, thu hút vốn đầu tư kỷ lục

(Thanh tra) - Với sự nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành và địa phương, đến tháng 11/2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận thành tích ấn tượng trong việc thu hút đầu tư cả FDI và DDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm đạt con số kỷ lục, vượt gần 50% so với kế hoạch năm 2024.

Chính Bình

16:53 13/12/2024
Đảm bảo điện phục vụ sản xuất hàng Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Đảm bảo điện phục vụ sản xuất hàng Tết Nguyên đán Ất Tỵ

(Thanh tra) - Tháng 12/2024 và tháng 1/2025, là giai đoạn cao điểm sản xuất hàng hóa Tết Nguyên đán Ất Tỵ và cũng là thời điểm bước vào mùa khô ở Tây Nguyên khiến mức tiêu thụ điện khu vực này tăng cao. Trước yêu cầu quan trọng này, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã triển khai đồng bộ nhiều phương án đảm bảo nguồn điện an toàn, liên tục và ổn định để đáp ứng nhu cầu của hơn 4,8 triệu khách hàng tại 13 tỉnh, TP khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

N. Phó

10:12 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm