Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quảng Ninh: Xử lý nghiêm tình trạng “đầu năm ghi vốn, giữa năm điều vốn, cuối năm trả vốn”

Trọng Tài

Thứ hai, 20/05/2024 - 16:27

(Thanh tra) - Trước thực trạng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh hiện tương đối chậm so với kế hoạch đề ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy yêu cầu các cơ quan, đơn vị xác định rõ trách nhiệm các chủ đầu tư và cơ quan chủ quản trong tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; xử lý nghiêm tình trạng “đầu năm ghi vốn, giữa năm điều vốn, cuối năm trả vốn”…

Đơn vị nhà thầu thi công đường dẫn cầu Bến Rừng. Ảnh: TTTT

4 tháng đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2024 cũng như điều chuyển nguồn vốn 2023 sang năm 2024.

Tỉnh đã thành lập tổ công tác đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức họp giao ban xây dựng cơ bản với các sở, ngành, UBND các địa phương và các chủ đầu tư để đánh giá tiến độ triển khai, kịp thời đưa ra giải pháp và cá thể hóa trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị có liên quan trong giải quyết các vướng mắc của các dự án; giải quyết khó khăn trong cung cấp nguồn vật liệu san lấp (cát, đất)…

Mặc dù tỉnh đã rốt ráo chỉ đạo và thực hiện nhiều giải pháp, tuy nhiên, đến hết tháng 4/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 mới đạt trên 1.600 tỷ đồng, đạt 10,9% kế hoạch năm và đạt 11,2% kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao đầu năm (trên 14.280 tỷ đồng).

Tính theo cơ cấu nguồn vốn, hiện, tỷ lệ giải ngân vốn Trung ương đạt 22,8% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ 2023 (23,8%); ngân sách tỉnh giải ngân đạt 10,6% kế hoạch, cao hơn so với cùng kỳ (9,6%); ngân sách huyện giải ngân đạt đạt 10,3% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ 2023 (15%).

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Quảng Ninh, nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp là do, công tác giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư một số dự án còn chậm; số dư tạm ứng chuyển sang năm 2024 tương đối lớn…

Cùng với đó là tình trạng thiếu nguồn vật liệu san lấp; công tác tổ chức triển khai thực hiện, phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc giữa các chủ đầu tư với các sở, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ.

Ngoài ra, năng lực một số cán bộ thực thi nhiệm vụ trong một số lĩnh vực về quản lý dự án, pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, ngân sách Nhà nước còn hạn chế; dẫn đến, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, xử lý, lấy ý kiến của nhiều cơ quan, đơn vị khác, ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thiện thủ tục đầu tư, tiến độ triển khai thực hiện dự án…

Theo số liệu, nếu tính cả kế hoạch vốn kéo dài đã được HĐND tỉnh thông qua tại kỳ họp chuyên đề vừa qua, tổng nguồn vốn phải giải ngân trong năm 2024 của tỉnh Quảng Ninh là trên 16.300 tỷ đồng.

So với tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 4/2024 (trên 1.600 tỷ đồng), thì số còn lại phải giải ngân trong năm 2024 (bao gồm cả vốn kéo dài) là trên 14.700 tỷ đồng. Bình quân 9 tháng còn lại, tỉnh sẽ phải giải ngân trên 1.630 tỷ đồng/tháng. Mặt khác, số dư tạm ứng từ các năm trước chuyển sang năm 2024 trên 5.820 tỷ đồng. Đây là thách thức rất lớn đối với các chủ đầu tư sử dụng vốn ngân sách và UBND các cấp của tỉnh.

Trước thực trạng tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công tương đối chậm so với kế hoạch đề ra, tại cuộc họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 4/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện Văn bản số 751/UBND-GTCN&XD ngày 29/3/2024 về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 của tỉnh.

Trong đó, đề cao trách nhiệm nêu gương, phát huy vai trò của người đứng đầu và tinh thần trách nhiệm cá nhân. Xác định đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần tập trung chỉ đạo, đánh giá hiệu quả thực hiện…

Cụ thể, cá thể hoá trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc; tuyệt đối không để xảy ra việc lạm dụng lấy ý kiến nhằm mục đích đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, bảo đảm các công việc thuộc thẩm quyền giải quyết phải được xử lý nhanh chóng, kịp thời, rút ngắn thời gian thực hiện.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời thay thể những cán bộ, công chức thiếu tâm huyết, trách nhiệm, năng lực yếu để trì trệ, không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Đặc biệt, xác định rõ trách nhiệm các chủ đầu tư và cơ quan chủ quản trong tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, xử lý nghiêm tình trạng “đầu năm ghi vốn, giữa năm điều vốn, cuối năm trả vốn”; đẩy mạnh thực hiện dự án, nghiệm thu khối lượng và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các dự án có khả năng giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung vốn, dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư…

Xác định vốn đầu tư công là nguồn lực, động lực cho tăng trưởng kinh tế, thời gian qua, tỉnh Quảng Ninh đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, quyết tâm hoàn thành mục tiêu đến 30/6 giải ngân đạt tối thiểu 50% kế hoạch vốn; đến 30/9 giải ngân đạt tối thiểu 80% và đến 31/12 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn. Qua đó, góp phần thúc đẩy, giữ vững đà tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Yên Bái: Đảm bảo 100% hộ dân bị thiệt hại do bão số 3 có nhà mới trước Tết Nguyên đán

Yên Bái: Đảm bảo 100% hộ dân bị thiệt hại do bão số 3 có nhà mới trước Tết Nguyên đán

(Thanh tra) - Chiều 20/11, UBND tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố để đánh giá tình hình phân bổ và giải ngân kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại do bão số 3, đồng thời dự kiến nguồn kinh phí hỗ trợ từ Mặt trận Tổ quốc. Hội nghị do ông Trần Huy Tuấn, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, chủ trì, với sự tham dự của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, đại diện các sở, ngành và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh.

Bùi Bình

21:53 20/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm