Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quảng Ninh: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công

Trọng Tài

Thứ hai, 12/05/2025 - 16:32

(Thanh tra) - Giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác giải ngân tại nhiều địa phương vẫn chưa đạt được tiến độ như kỳ vọng, trong đó có tỉnh Quảng Ninh. Việc chậm trễ giải ngân không chỉ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công mà còn làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn, gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Thi công dự án đường kết nối từ cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến Cảng Vạn Ninh có tổng chiều dài 9,5km. Ảnh: TTTT

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/3/2025, kế hoạch đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 80.306,8 tỷ đồng, tương đương 8,95% kế hoạch và 9,72% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đến ngày 30/4/2025, tổng số vốn giải ngân ước đạt 128.512,9 tỷ đồng, bằng 14,32% kế hoạch và 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ giải ngân có phần thấp hơn, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong thời gian tới để đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Riêng tại Quảng Ninh, mặc dù địa phương đã nỗ lực tháo gỡ các khó khăn liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và cung ứng nguyên liệu san lấp, nhưng việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn gặp nhiều trở ngại.

Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân gồm việc ban hành các quy định pháp luật còn chậm, sự phối hợp chưa chặt chẽ giữa các chủ đầu tư, sở, ngành và địa phương, cùng với đó là tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm của một số cán bộ, công chức trong quá trình triển khai thực hiện các dự án.

Điều này khiến tỷ lệ giải ngân của tỉnh Quảng Ninh tính đến ngày 28/4/2025 mới đạt 12,5%, thấp hơn mức kỳ vọng. Đặc biệt, một số đơn vị có tỷ lệ giải ngân rất thấp, như: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông và nông nghiệp đạt 7%; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh đạt 6,8%; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh 0%; Tòa án Nhân dân tỉnh đạt 2,8%; Công an tỉnh đạt 1,4%; Ba Chẽ đạt 12,2%; Bình Liêu đạt 11,7%; Cô Tô đạt 3,1%; Đầm Hà đạt 10,9%.

Trước tình hình này, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, bao gồm việc gia hạn thời gian bố trí vốn đối với Dự án đường kết nối từ đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đến cảng Vạn Ninh. Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2025 bằng cách giảm hơn 451,8 tỷ đồng từ 5 dự án không có khả năng giải ngân, phân bổ lại cho 10 dự án đang triển khai và 8 dự án mới.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng thông qua Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ vốn ngân sách cấp tỉnh. Theo đó, điều chỉnh giảm hơn 577,3 tỷ đồng từ nguồn vốn đã phân bổ cho dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342, đoạn thuộc địa phận thành phố Hạ Long do dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm 2025. Đồng thời, bổ sung danh mục và kế hoạch vốn trong kế hoạch trung hạn cho 9 dự án từ nguồn điều chỉnh giảm.

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến ngày 30/6/2025, dự kiến giải ngân 5.484 tỷ đồng, đạt 46% kế hoạch giao đầu năm. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh yêu cầu các địa phương phải hoàn thành dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng đối với các dự án trước ngày 31/5/2025, rà soát danh mục các dự án đầu tư cấp huyện để bàn giao đúng tiến độ trước ngày 15/5/2025.

Đặc biệt, việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn phải gắn liền với đảm bảo chất lượng công trình, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí và tham nhũng.

Việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công không chỉ giúp Quảng Ninh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn đảm bảo hiệu quả sử dụng nguồn vốn, tạo động lực phát triển bền vững cho địa phương.

Đây là nhiệm vụ quan trọng mà các cấp, ngành trong tỉnh cần thực hiện quyết liệt để đưa dòng vốn vào nền kinh tế một cách kịp thời, góp phần tạo việc làm, nâng cao chất lượng hạ tầng và thúc đẩy tăng trưởng toàn diện. Những nỗ lực trong thời gian tới sẽ là yếu tố quyết định để Quảng Ninh đảm bảo công tác giải ngân đạt kết quả như kỳ vọng.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tiếp tục dẫn đầu danh sách “được chọn mua nhiều nhất”, 13 năm gần như không đối thủ của thương hiệu sữa tỷ đô

Tiếp tục dẫn đầu danh sách “được chọn mua nhiều nhất”, 13 năm gần như không đối thủ của thương hiệu sữa tỷ đô

(Thanh tra) - Theo Kantar Việt Nam, Vinamilk tiếp tục là thương hiệu sữa được chọn mua nhiều nhất năm thứ 13, và chiếm sóng Top 10 với các nhãn hiệu cùng “nhà” là Ông Thọ, Ngôi sao Phương Nam, Susu và Probi. Đáng chú ý, sản phẩm Vinamilk có mặt trong gần 9/10 hộ gia đình Việt với tần suất mua đều đặn hàng tháng (14 lần/năm).

Uyên Phương

22:15 18/06/2025

Tin mới nhất

Xem thêm