Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Quảng Nam báo cáo gì về các dự án đầu tư công?

Ngọc Phó

Thứ năm, 09/02/2023 - 06:30

(Thanh tra)- Sau khi Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố quyết định thanh tra việc thực hiện pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, việc cấp phép, khai thác các mỏ đất, đá làm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh (ngày 9/12/2022), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có báo cáo phục vụ công tác thanh tra, trong đó đề cập các dự án (DA) đầu tư công trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ghi nhận sự quan tâm của TTCP đang triển khai thanh tra tại địa phương. Ảnh: N.P

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, giai đoạn từ năm 2016 - 2020, tổng DA phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt DA đầu tư là 312/316 DA. Một số DA bị dừng lại vì vướng các thủ tục về môi trường và lựa chọn công nghệ, gồm: Hệ thống xử lý chất thải Trung tâm Da liễu Quảng Nam, Trung tâm Y tế huyện Đại Lộc và xử lý nước thải vùng Đông Quảng Nam…

Công tác phê duyệt chủ trương đầu tư khi chưa đảm bảo cân đối nguồn vốn, chưa được quy hoạch phải điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến DA kéo dài, phát sinh chi phí, lãng phí ngân sách Nhà nước; không có giải pháp triệt để, phù hợp trong việc bố trí, phân bổ vốn là chưa thực hiện đúng quy định tại Khoản 1, Điều 6 và Điều 76 Luật Đầu tư công 2014.

Việc bố trí vốn không theo tiến độ DA, không đáp ứng nhu cầu vốn, dẫn đến thời gian thi công kéo dài, giải ngân vốn không kịp thời theo kế hoạch hàng năm.

Giai đoạn từ 2021 - 2025: Tính đến tháng 9/2022, đã phê duyệt 121 hồ sơ chủ trương đầu tư, trong đó: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 1 DA, HĐND tỉnh phê duyệt 61 DA và UBND tỉnh phê duyệt 59 DA; tổng mức đầu tư được duyệt là 10.210 tỷ đồng. Đến nay, có 89/121 DA vừa được phê duyệt chủ trương đầu tư, 32 DA chưa được phê duyệt DA đầu tư.

UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường kỷ cương quản lý thực hiện DA, tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư… nên hầu hết các công trình, DA đều đảm bảo yêu cầu hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Còn một số công trình chậm hoàn thành mà nguyên nhân chính là do vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng.

Về công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thi công của 24.546 gói thầu với tổng giá trị 35.121.258 triệu đồng, đã giảm giá trị qua đấu thầu là 1.532.888 triệu đồng. Riêng 4.229 gói thầu đưa ra đấu giá rộng rãi, giảm được số tiền là 1.448.612 triệu đồng.

Sai phạm và tồn tại trong đấu thầu chủ yếu tập trung ở các ban quản lý (BQL) DA đầu tư xây dựng cấp huyện và UBND xã làm chủ đầu tư các DA.

Nổi cộm là việc đưa các tiêu chí, yêu cầu không cần thiết, không phù hợp với quy mô, tính chất mời thầu; có tình trạng o ép nhà thầu, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng trong đấu thầu; thể hiện sự móc nối ăn chia giữa chủ đầu tư với đơn vị trúng thầu, hậu quả có nhiều lãnh đạo các BQL DA đầu tư cấp huyện bị khởi tố, bắt giam để điều tra hình sự.

Đến khi có kiến nghị của nhà thầu hoặc công luận đề cập sai phạm trong đấu thầu thì việc giải quyết quá chậm trễ, dẫn đến gửi đơn kiến nghị vượt cấp…

Nhận xét về tình hình quản lý đầu tư công, bên cạnh những ưu điểm đạt được, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ ra nhiều hạn chế, mà nguyên nhân là việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lúng túng, phải điều chỉnh nhiều lần. Quá trình lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên các DA đầu tư trong kế hoạch hàng năm chưa được thực hiện triệt để.

Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chậm, tỷ lệ thấp, dẫn đến phải cắt giảm, điều chỉnh các nguồn vốn DA và nguồn vốn không sử dụng hết. Nợ xây dựng cơ bản vẫn còn nhiều, tạo áp lực lớn đối với ngân sách các cấp ở tỉnh.

Một số DA liên quan đến đất rừng nên thủ tục chuyển mục đích sử dụng rất khó khăn, kéo dài thời gian vì phải chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, các DA liên quan đến đất rừng phòng hộ có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư rất thấp.

Từ năm 2016 đến nay, các kết luận của các đoàn thanh tra, kiểm toán tại Quảng Nam đã chỉ ra nhiều dạng vi phạm về quản lý các DA đầu tư công và kiến nghị xử lý tổng giá trị hơn 206.359 triệu đồng. Đến nay, đã thực hiện khắc phục bằng việc nộp lại tiền cho ngân sách với số tiền hơn 175.287 triệu đồng, còn 31.070 triệu đồng sai phạm các đơn vị thi công chưa chịu nộp trả hoặc đã giải thể.

Trong kỳ báo cáo, Thanh tra tỉnh Quảng Nam đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng và đã phát hiện nhiều hành vi sai phạm như: Giảm dự toán, thanh toán năm sau, giảm giá trị hợp đồng, trúng thầu; nghiệm thu khối lượng xây dựng hoàn thành vượt mức so với thực tế thi công, thi công không đúng thiết kế được duyệt, không đảm bảo theo tiến độ cam kết… Qua đó, đã kiến nghị thu hồi cho ngân sách 35.503 triệu đồng…

Đoàn thanh tra theo Quyết định 466/QĐ-TTCP của Tổng TTCP đang xúc tiến công tác thanh tra tại Quảng Nam đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ.

Qua thanh tra sẽ chỉ ra bất cập, sai phạm để chấn chỉnh, khắc phục nhằm tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam mong muốn đoàn thanh tra giúp địa phương chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót.

“Quảng Nam tạo điều kiện tối đa cho đoàn thanh tra làm nhiệm vụ. Quảng Nam rất cầu thị nên khi đoàn có vướng mắc gì có thể báo để tỉnh xử lý, tháo gỡ ngay” - ông Thanh nói.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Điện Biên tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

Điện Biên tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm

(Thanh tra) - Đến nay, nhiều dự án trọng điểm tại Điện Biên chậm tiến độ. Bí thư Tỉnh uỷ Điện Biên Trần Quốc Cường yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư, chính quyền địa phương cần học hỏi lẫn nhau những kinh nghiệm, cách làm hiệu quả trong tháo gỡ vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB), đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Trần Kiên

17:31 25/10/2024

Tin mới nhất

Xem thêm