Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Nông nghiệp Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế

Thứ tư, 29/01/2014 - 07:44

(Thanh tra) - Xuyên suốt trong công cuộc đổi mới đất nước, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam nói chung và ngành Nông nghiệp nói riêng đã đạt được những kết quả vững chắc. Sau 7 năm gia nhập WTO, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu cũng như đón nhận cả những thách thức trong quá trình hội nhập. Sang năm 2014, ngành Nông nghiệp chuẩn bị tiếp tục đón nhận hàng loạt cơ hội mới từ việc gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Hội nhập để phát triển

Thông qua mở rộng thị trường quốc tế và khu vực, những mặt hàng có thế mạnh đã dần chiếm lĩnh thị trường thế giới, đem lại kim ngạch xuất khẩu cao cho đất nước. Xuất khẩu nông sản không ngừng tăng trong những năm qua, năm sau luôn cao hơn năm trước. Đỉnh cao là năm 2012, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt mức kỷ lục 27,5 tỷ USD, tăng 2,5 lần so với năm 2006 (đạt 10,6 tỷ USD). Thực hiện nguyên tắc tự do hóa thương mại, Việt Nam chấp nhận mở cửa thị trường nhập khẩu các nông sản mà mình không có thế mạnh để cải thiện đời sống, tăng phúc lợi cho người tiêu dùng, tạo điều kiện cho người tiêu dùng tiếp cận với hàng hóa chất lượng và giá bán tốt hơn…

Chấp nhận cạnh tranh, mặc dù phải chịu nhiều rủi ro và các yếu tố bất định từ thương mại quốc tế, nhưng người sản xuất Việt Nam đã từng bước làm quen, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản, không ỷ lại vào trợ cấp và hàng rào bảo vệ thương mại của Nhà nước. Chính sách thương mại nông sản Việt Nam có những tác động tích cực, thúc đẩy quá trình thích ứng với toàn cầu hóa sản xuất và kinh doanh nông nghiệp. 

Việt Nam trở thành quốc gia có vị thế lớn trên thị trường thế giới với một số mặt hàng nông sản chủ lực như: Lúa gạo, thủy sản, cà phê, tiêu, điều, cao su... Cụ thể: Việt Nam là một trong 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất sang Mỹ với các sản phẩm như: Cà phê, điều, tiêu, gạo và chè. Năm 2012, Mỹ là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam, đạt 203,5 nghìn tấn, kim ngạch xấp xỉ 460 triệu USD. Nhật Bản là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ ba của Việt Nam với các mặt hàng nông sản như cà phê, rau quả… Sau 7 năm gia nhập WTO, nhiều ngành hàng nông sản đã chiếm lĩnh được thị phần lớn trên thế giới, điển hình như gạo xuất khẩu của Việt Nam chiếm 19,75% thị phần thế giới; cà phê 16,89%; hồ tiêu 16,26%; cao su 9,73%; chè 6,87%; thủy sản 6,1%,... Tốc độ tăng trưởng giá trị xuất khẩu của gạo, tiêu và chè lần lượt đạt 19,8%/năm, 23,9%/năm và 11%/năm trong giai đoạn 2007 - 2012. Cá tra là ngành hàng được đánh giá có nhiều thế mạnh. Gần 95% sản lượng cá tra sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu, đạt kim ngạch 1,8 tỷ USD/năm, chiếm 98% thị trường tiêu thụ cá tra toàn thế giới…

Còn nhiều thách thức

Gia nhập WTO đã mang lại cho Việt Nam cơ hội để hội nhập kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa. Ngành Nông nghiệp đã nắm bắt và phát huy rất hiệu quả từ những cơ hội mà WTO mang lại. Năm 2013 là năm mà chúng ta đã “lỡ hẹn” với TPP khi mà các bộ trưởng 12 nước tham gia TPP còn chưa thống nhất trong các lĩnh vực nông nghiệp, sở hữu trí tuệ, mở cửa thị trường… Năm 2014 được kỳ vọng TPP sẽ hoàn tất đàm phàn và ký kết Hiệp định mở ra một trang mới cho quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam. Với thế mạnh là nông nghiệp, TPP được xem là cơ hội lớn để ngành Nông nghiệp phát triển lên một tầm cao mới.  Một thực tế mà lâu nay chúng ta đang phải đối mặt đó là giá trị nông sản còn thấp, việc tham gia vào WTO, và sau là TPP sẽ mở ra cơ hội để Việt Nam thoát ra khỏi hình ảnh “nông nghiệp giá rẻ” và điều này chỉ xảy ra khi chúng ta tham gia vào sân chơi tập trung nhiều nước “chất lượng cao” như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Tuy nhiên, để được tham gia vào sân chơi chất lượng cao này ngành Nông nghiệp sẽ phải đối mặt với rất nhiều thách thức.

Rõ ràng, khi TPP được ký kết việc giảm thuế chắc chắn sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng lượng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam với giá cả cạnh tranh. Hệ quả tất yếu là doanh nghiệp đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, thị phần hàng hóa của Việt Nam sẽ bị thu hẹp, thậm chí là nguy cơ mất thị phần nội địa. Nguy cơ này đặc biệt nguy hiểm đối với nhóm hàng nông sản, vốn gắn liền với đối tượng dễ bị tổn thương trong hội nhập là nông dân. Hiện tại, nhiều mặt hàng có sức cạnh tranh yếu như rau quả, thức ăn, chăn nuôi... sẽ là những đối tượng dễ bị thua trên “sân nhà” nhất. Trong khi đó, thách thức từ khoa học công nghệ kém phát triển, sản xuất còn manh mún… cũng là những yếu tố cần phải được đầu tư khắc phục ngay. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp còn phải đối mặt với các biện pháp kiểm dịch động thực vật và hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, trong đó, siết chặt các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ và rào cản kỹ thuật, tăng cường minh bạch hóa…

Trước những khó khăn và thách thức đó, bài toán đặt ra hiện nay là cần có một chính sách mới đủ sức tạo ra động lực mới, đó phải là đột phá về quản lý và đầu tư cho nông nghiệp. Về đầu tư (tiền) thì vốn ngân sách không đủ khả năng để đáp ứng. Do vậy, nguồn đầu tư cho nông nghiệp phải huy động từ tư nhân. Vì thế, cần chính sách để thu hút được đầu tư tư nhân vào nông nghiệp. Ngoài ra, cần đột phá nhất là lựa chọn ngành hàng chiến lược, để từ đó xây dựng lên chiến lược ngành hàng. Lâu nay, chúng ta phát triển theo cách có cái gì thì phát triển cái đó. Còn nay, phải đi theo cách làm ra những sản phẩm thị trường cần trên cơ sở chọn lựa từ tiềm năng, thế mạnh của mình. Một vấn đề nữa là việc quy hoạch tổng thể ngành, đây không chỉ là một vấn đề lớn đối với ngành Nông nghiệp mà còn liên quan mật thiết đến nhiều ngành, lĩnh vực khác và cần sự chỉ đạo của Chính phủ. Trong đó, việc xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp nông nghiệp với doanh nghiệp công nghiệp và các hệ thống phân phối lưu thông nhằm giảm bớt các chi phí trung gian và bảo vệ quyền lợi người nông dân là một vấn đề cần được quan tâm.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, tác động của thuế quan tới ngành Nông nghiệp sẽ ngày càng lớn. Ngành Nông nghiệp đang đòi hỏi phải có chủ trương, chính sách đúng đắn để tối đa hóa lợi ích của hội nhập, giảm thiểu những tác động bất lợi. Đã đến lúc phải tiến hành tái cơ cấu từ bên trong, tập trung triển khai sâu rộng tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển thị trường nội địa lẫn xuất khẩu, kiên quyết hướng vào các ngành hàng có lợi thế để dồn tài nguyên và đầu tư vào đó và đây sẽ là giải pháp quan trọng nhất, căn cơ nhất thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam hội nhập.


Nam Hà

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Xót xa “đất vàng” bỏ hoang

Bài 1: Xót xa “đất vàng” bỏ hoang

(Thanh tra) - Nhiều khu “đất vàng” tại các vị trí đắc địa của thành phố Hà Nội được giao cho các đại gia bất động sản phát triển dự án, nhưng sau nhiều năm vẫn bị bỏ hoang hoặc xây dựng dở dang, chậm tiến độ… khiến người dân không khỏi xót xa cho nguồn lực khổng lồ bị phung phí.

Đông Hà + Thanh Hoa

09:00 12/12/2024
Bài 3: Áp dụng công nghệ hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng

Bài 3: Áp dụng công nghệ hiện đại, mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng

(Thanh tra) - Trong thời đại 4.0 như hiện nay, việc áp dụng công nghệ vào quản lý, điều hành hệ thống vận tải hành khách công cộng là tất yêu và đòi hỏi sự cấp bách. Với chủ trương mang đến những tiện ích tối đa cho khách hành, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông TP Hà Nội đã liên tục hiện đại hoá, áp dụng công nghệ từ khâu tìm kiếm, lựa chọn phương tiện cho tới khâu thanh toán, sử dụng.

Cao Sơn

07:05 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm