Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Nhiều đại biểu ý kiến về giá vật liệu tăng cao mà nguồn cung lại khan hiếm

Văn Thanh

Chủ nhật, 11/12/2022 - 16:43

(Thanh tra) - Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, có ý kiến phản ánh trong thời gian qua giá vật liệu xây dựng tăng cao, nguồn cung khan hiếm, ảnh hưởng rất lớn đến chi phí xây dựng, tiến độ thực hiện các dự án thi công và giải ngân vốn trên địa bàn tỉnh.

Các đại biểu dự kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII. Ảnh: VT

Giá vật liệu tăng cao và khan hiếm

Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Thanh Hóa Phan Lê Quang cho biết: Từ tháng 4/2021 đến nay trên địa bàn tỉnh giá các loại vật liệu xây dựng (VLXD), nhiên liệu có nhiều biến động tăng giá, đặc biệt là cát, đá, xi măng, sắt thép, nhựa đường, nhiên liệu (xăng, dầu). Trong đó, giá VLXD tháng 9/2022 giá cát tăng từ 15-33%, đá tăng từ 5-15%, gạch đất nung tăng từ 15-18%, thép tăng từ 37%, xi măng tăng 38%, dầu diezel tăng 76%, xăng tăng 97% so với năm 2020. Giá VLXD tăng cao, nguồn cung khan hiếm đã ảnh hưởng trực tiếp đến tổng mức đầu tư dự án, dự toán xây dựng, giá gói thầu xây lắp, gây ra nhiều khó khăn khi thực hiện các hợp đồng xây dựng, nhất là loại hình hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định.

Trước thực trạng trên, Phó Giám đốc phụ trách Sở Xây dựng Phan Lê Quang đã trả lời nhiều câu hỏi của các đại biểu HĐND tỉnh liên quan đến tình trạng chênh lệnh giữa bảng giá VLXD do Sở Xây dựng và Sở Tài chính công bố và giá thị trường ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công trên địa bàn tỉnh; nguyên nhân chủ quan dẫn đến sự biến động giá VLXD trên địa bàn tỉnh; sự thiếu hụt nguyên liệu triển khai thực hiện các dự án và cách khắc phục để các dự án triển khai đúng tiến độ cũng như hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thực hiện các dự án trong thời gian tới; kết quả công tác phối hợp giữa Sở Xây dựng với đơn vị liên quan trong việc bảo đảm thị trường VLXD hoạt động ổn định, lành mạnh và minh bạch…

Về nguyên nhân của sự biến động giá VLXD trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng nêu bật một số nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu do nguồn cung và giá cả nguyên, nhiên liệu, vật liệu nhập khẩu phụ thuộc vào thị trường thế giới. Giá xăng dầu tăng đột biến làm tăng giá vật liệu xây dựng, từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến giá gói thầu xây lắp, gây ra nhiều khó khăn khi thực hiện các hợp đồng xây dựng, nhất là loại hình hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định. Cùng với đó, trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nhiều dự án giao thông lớn dẫn đến thiếu hụt nguồn cung vật liệu như đất đắp nền, cát san nền, nên giá vật liệu cát và đất đắp nền tăng cao…

Nâng công suất khai thác các mỏ

Nguyên nhân liên quan đến trách nhiệm trong công tác quản lý; sự chủ động của ngành chức năng trong việc dự báo nguồn cung VLXD chưa cao, chưa kịp thời và sát với yêu cầu thực tiễn dẫn đến thiếu hụt nguồn cung khiến giá vật liệu tăng đột biến. Cùng với đó, các chủ đầu tư, đơn vị tư vấn chưa quan tâm đúng mức đến việc khảo sát nguồn cung bảo đảm bảo yêu cầu thi công các dự án đầu tư.

Để khắc phục được tình trạng này, đối với các mỏ đang có phép hoạt động cần rà soát nâng công suất khai thác. Cùng với đó tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ cấp phép các mỏ đất để bổ sung nguồn cung, đáp ứng kịp thời nguồn vật liệu san lấp cho công trình xây dựng. Đồng thời ưu tiên, khuyến khích, hướng dẫn các mỏ đá được cấp phép làm vật liệu xây dựng thông thường lắp đặt thêm dây chuyền sản xuất cát nhân tạo (cát nghiền từ đá, đặc biệt là sản xuất được cát xây trát) để tăng nguồn cát cho công trình xây dựng, giảm thiểu việc sử dụng cát tự nhiên cho công trình xây dựng, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường, bảo vệ an toàn công trình đê điều, bờ bãi sông.

Về quản lý giá VLXD, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa cho biết, cần có giải pháp công bố giá VLXD theo quý, theo tháng làm cơ sở cho các huyện, thị xã, thành phố, các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và các đơn vị có liên quan thực hiện việc lập, điều chỉnh dự toán xây dựng công trình sát với mức giá thực tế trên thị trường. Cùng với đó tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành từ Trung ương đến địa phương.

Làm rõ hơn về nội dung các đại biểu chất vấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Đức Giang cho biết: Trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều dự án lớn như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam; tuyến đường bộ ven biển… nên nhu cầu về vật liệu là rất lớn. Song, với sự chuẩn bị từ trước và năng lực sản xuất cũng như năng lực cung ứng, tỉnh đã đáp ứng tốt nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn.

Để khắc phục tình trạng khan hiếm đất đắp nền, đá, cát san nền, ông Giang cho biết, trong thời gian tới UBND tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan rà soát các mỏ để đưa vào quy hoạch khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Ông Lê Đức Giang cho Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương đưa vào đấu giá các mỏ khoáng sản đủ điều kiện để phục vụ cho nhu cầu trước mắt và lâu dài. Cùng với đó là khuyến khích nghiên cứu, sản xuất và sử dụng vật liệu mới thay thế vật liệu thông thường. Về phía UBND tỉnh, sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ngành, các huyện thực hiện kiểm tra, giám sát việc khai thác, vận chuyển và sử dụng khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm