Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Hà Nội: Gỡ vướng cho các dự án chậm triển khai

Hải Hà

Thứ ba, 05/11/2024 - 19:45

(Thanh tra) - Trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện có nhiều dự án chậm triển khai, trong đó có những dự án nằm ở những "khu đất vàng" của Thủ đô. Để gỡ vướng cho các dự án này, Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra để kiến nghị phương án xử lý...

Dự án khu nhà ở tái định cư thuộc Khu Đô thị Đền Lừ III - nằm tại vị trí đắc địa, giao thông thuận lợi, nhưng đang bị bỏ hoang. Ảnh: HH

Tăng cường kiểm tra, thanh tra

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, tính đến hết tháng 6/2024, Hà Nội có tổng số 712 dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, trong đó đã có 705 dự án với tổng diện tích 11.345ha đất đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và chỉ đạo xử lý.

Ngoài 712 dự án trên, UBND các quận, huyện, thị xã đã rà soát, đề nghị xử lý đối với 117 dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn.

Các quận, huyện có nhiều dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm, có thể kể đến như: Long Biên 24 dự án; Thạch Thất 19 dự án; Nam Từ Liêm và Hà Đông 12 dự án; Sóc Sơn 9 dự án, Ba Vì, Thanh Trì, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm mỗi đơn vị 6 dự án...

Dự án nhà tái định cư N01-D17 nằm ở vị trí "khu đất vàng" góc ngã tư Trần Thái Tông - Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy đã xây dựng gần xong phần thô, nhưng đang để hoang. Ảnh: HH

Đối với 117 dự án này, UBND thành phố đã có văn bản phân công nhiệm vụ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ trì kiểm tra, thanh tra, xử lý theo đề xuất của UBND các quận, huyện, thị xã.

UBND thành phố Hà Nội cho rằng, việc xử lý các dự án chậm triển khai còn chậm so với yêu cầu. Nguyên nhân chính được chỉ ra là do số lượng dự án lớn, trải qua nhiều giai đoạn chuyển tiếp; chính sách, quy định của pháp luật có nhiều thay đổi qua các thời kỳ.

Bên cạnh đó, quá trình triển khai có nhiều diễn biến mức độ khác nhau; các thủ tục liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành và chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật…

Để đẩy nhanh tiến độ xử lý các dự án này, một trong những giải pháp được thành phố đặc biệt chú trọng là tiếp tục tăng cường rà soát, kiểm tra, thanh tra, xin ý kiến tham vấn các cơ quan chuyên ngành cấp trên đối với các trường hợp pháp luật chưa có quy định cụ thể và kết luận đối với từng dự án để tiếp tục xem xét xử lý từng bước, bảo đảm tính chính xác, tính khả thi và tuân thủ các quy định của pháp luật...

Cải tạo nhiều dự án nhà ở bị… bỏ hoang

Điều đáng bàn là hiện nay tại Hà Nội đang xảy ra thực tế khiến dư luận bức xúc, đó là tình trạng giá căn hộ chung cư liên tục tăng cao, trong khi người dân có nhu cầu thực rất khó mua được nhà thì trên địa bàn thành phố lại có những toà nhà bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí lớn.

Dự án khu nhà ở tái định cư thuộc Khu Đô thị Đền Lừ III bị bỏ không gây lãng phí nguồn lực giữa bối cảnh nguồn cung nhà ở tại Thủ đô đang khan hiếm. Ảnh: HH

Tại cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án đầu tư do UBND thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã cho ý kiến chỉ đạo đối với một số dự án nhà ở nằm trên "khu đất vàng" của Thủ đô, nhưng chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng, gây bức xúc trong xã hội.

Điển hình trong số đó là dự án khu nhà ở tái định cư thuộc Khu Đô thị Đền Lừ III - nằm tại vị trí đắc địa, giao thông thuận lợi, với mặt tiền là tuyến phố Tân Mai, đối diện hồ Đền Lừ.

Khu nhà ở tái định cư này có 3 tòa chung cư cao hơn 10 tầng được hoàn thiện từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa có ai đến ở. Theo phản ánh của người dân, từ nhiều năm qua, 3 tòa nhà cao tầng tại khu tái định cư Đền Lừ III đã bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng.

Giai đoạn 2020-2021, một số tòa nhà tái định cư tại đây được huy động để làm nơi cách ly cho người nghi nhiễm Covid-19. Sau đó để không đến bây giờ. Do không sử dụng, nhiều hạng mục tại đây đã xuống cấp, gây lãng phí nguồn lực giữa bối cảnh nguồn cung nhà ở tại Thủ đô đang khan hiếm.

Dự án đã hoàn thiện từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn "cửa đóng then cài". Ảnh: HH

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh thẳng thắn nhìn nhận, dù với nguyên nhân chủ quan hay khách quan, dự án chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng nêu trên cũng đã có dấu hiệu lãng phí, nhất là lãng phí về thời gian triển khai, thực hiện.

Để giải quyết tình trạng lãng phí này, người đứng đầu UBND thành phố chỉ đạo, UBND quận Hoàng Mai tập trung chỉ đạo các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện việc cải tạo, sửa chữa công trình CT1, CT2, CT3 để phục vụ tái định cư cho Nhân dân.

Đặc biệt, Chủ tịch thành phố đã ra "tối hậu thư" yêu cầu việc thực hiện này phải hoàn thành, bàn giao công trình trong quý II/2025 để bố trí tái định cư cho các dự án trên địa bàn quận.

Do bị bỏ không nhiều năm nên nhiều hạng mục đã xuống cấp. Ảnh: HH

Chủ tịch thành phố cũng thống nhất chủ trương việc tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng công trình nhà tái định cư tại 2 ô đất CT4, CT5 bằng nguồn đầu tư công.

Ngoài dự án trên, tại quận Hoàng Mai còn có 1 dự án khác đang bị bỏ hoang, đó là Dự án Khu Nhà ở sinh viên Pháp Vân - Tứ Hiệp. Dự án triển khai xây dựng năm 2009, bằng nguồn vốn ngân sách với 1.900 tỷ đồng, phục vụ mục đích hỗ trợ chỗ ở cho 22.000 sinh viên đang học tập, nghiên cứu trên địa bàn Hà Nội.

Dự án gồm 6 toà nhà A1, A2, A3, A4, A5, A6. Đến nay, 2 toà A5, A6 được đưa vào sử dụng, 4 toà còn lại bỏ hoang. Trong 4 toà nhà bỏ hoang, toà A1 đã hoàn thiện, còn các toà khác mới xây xong phần thô, được rào tôn xung quanh, nhiều hạng mục công trình vẫn đang bỏ dở, xuống cấp, cỏ dại, rác thải bao phủ…

UBND thành phố Hà Nội đã có giải pháp cải tạo, sửa chữa 3 toà nhà này để phục vụ tái định cư cho Nhân dân. Ảnh: HH

Rõ ràng, việc bỏ hoang 4 toà nhà này thật sự rất lãng phí trong khi nhu cầu về nhà ở của người dân tại Hà Nội vẫn đang “nóng bỏng tay”. Để giải “bài toán” tại dự án này, UBND thành phố Hà Nội đưa ra giải pháp, cải tạo, nâng cấp thành nhà ở xã hội.

Chỉ đạo việc chuyển đổi các hạng mục tại toà A2, A3, A4 sang nhà ở xã hội, Chủ tịch Hà Nội giao các đơn vị khẩn trương thực hiện lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, tổ chức thẩm định, trình HĐND thành phố xem xét, thông qua chủ trương đầu tư tại phiên họp đầu năm 2025. Trên cơ sở đó, hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp tòa A2, A3 trong năm 2026, hoàn thành đầu tư xây dựng tòa A4 chậm nhất trong năm 2027.

Với những giải pháp quyết liệt và cụ thể đối với từng dự án, hi vọng Hà Nội sẽ xử lý dứt điểm các dự án chậm triển khai, nhất là các dự án nhà ở toạ lạc ở những khu trung tâm thành phố, để giải quyết bài toán nhà ở cho người dân, đồng thời tránh lãng phí các nguồn lực...

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Âm nặng dòng tiền, liên tục bị xử phạt về thuế, liệu Đạt Phương “có cửa” trúng gói thầu gần 1.800 tỷ đồng?

Âm nặng dòng tiền, liên tục bị xử phạt về thuế, liệu Đạt Phương “có cửa” trúng gói thầu gần 1.800 tỷ đồng?

(Thanh tra) - Gói thầu xây lắp phần đường và cầu vượt nút giao ĐT994 thuộc dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vừa mới mở thầu ngày 18/10/2024. Dự toán gói thầu là hơn 1.792,4 tỷ đồng. Liên danh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương đưa ra giá dự thầu là hơn 1.684,6 tỷ đồng… Mới đây, doanh nghiệp liên tục bị Tổng cục Thuế bị xử phạt do vi phạm hành chính về thuế.

Chu Tuấn - Quang Dân

14:25 22/11/2024
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra “tối hậu thư” chấp thuận dự án xử lý chất thải tập trung ở Thọ Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra “tối hậu thư” chấp thuận dự án xử lý chất thải tập trung ở Thọ Xuân

(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn vừa ký văn bản yêu cầu các sở, ngành đẩy nhanh tốc độ chuẩn bị các bước tiếp theo để trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho dự án xử lý chất thải tập trung cấp vùng tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân trước ngày 30/12/2024.

Văn Thanh

12:45 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm