Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Dự án cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh có bảo đảm tiến độ?

Trần Quý

Thứ tư, 05/04/2023 - 22:00

(Thanh tra) - Các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025, đoạn qua địa bàn Hà Tĩnh được đồng loạt khởi công vào ngày 1/1/2023. Theo lộ trình, các dự án cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Dự án cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh có bảo đảm tiến độ? Ảnh: TQ

Dự án có tuyến chính dài 102,38km, đi qua các huyện: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, gồm 3 dự án thành phần: Đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi dài 35,28km, tổng mức đầu tư 7.643,57 tỷ đồng; đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng dài 54,2km, tổng mức đầu tư 9.734,62 tỷ đồng; đoạn Vũng Áng - Bùng (đoạn qua Hà Tĩnh dài 12,9km và qua Quảng Bình dài 42,44km), tổng mức đầu tư 12.548 tỷ đồng.

Tuyến kết nối dài 12,18km, gồm 3 tuyến: Đường nối Ngô Quyền - ĐT.550 (dài 5,05km); đường song hành cao tốc nối ĐT.550 - Hàm Nghi kéo dài (dài 3,93km); đường Cẩm Quan - quốc lộ 1 (dài 3,2km).

Các dự án thành phần được đồng loạt khởi công vào ngày 1/1/2023. Hiện nay, các nhà thầu đang tập kết máy móc, thiết bị, vật liệu; dọn dẹp phát quang, đào bóc hữu cơ, đắp bờ bao, thoát nước, thi công đường công vụ... và triển khai thiết kế bảo vệ thi công.

Đối với công tác triển khai giải phóng mặt bằng, hiện đã bàn giao mốc giải phóng mặt bằng 102,38km/102,38km (đạt 100%) đối với tuyến chính và bàn giao 12,18km/12,18km (đạt 100%) đối với tuyến kết nối.

Nhiều “nút thắt” về mặt bằng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Ảnh: TQ

Theo số liệu của UBND tỉnh Hà Tĩnh, đến nay, công tác kiểm đếm đạt 99,52%; phê duyệt phương án bồi thường 86,66%; đền bù và bàn giao mặt bằng 83,32%; đang hoàn thiện hồ sơ, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật. Theo lộ trình phải bàn giao 100% mặt bằng trước ngày 30/6/2023.

Thế nhưng, theo nhận định của lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh, đến cuối tháng 3/2023, một số địa phương còn chậm trong việc giải phóng mặt bằng. Theo ghi nhận của PV, hiện còn một số “nút thắt” chưa thể giải phóng mặt bằng như: Đoạn qua xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà); đoạn qua xã Cẩm Lạc (huyện Cẩm Xuyên)…

Để giải phóng mặt bằng cho dự án, Hà Tĩnh phải bố trí 32 vị trí tái định cư (trong đó có 28 khu tái định cư, 4 khu nghĩa trang). Đến nay, mới có 28/32 vị trí được UBND tỉnh chấp thuận, 4 vị trí đang lập, thẩm định; 28/32 vị trí đã trình Sở Xây dựng thẩm định (4 vị trí đã được thẩm định và phê duyệt, đang thẩm định 24 vị trí); 4 khu đang điều chỉnh quy hoạch nên chưa trình thẩm định.

Ông Võ Trọng Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện nay, tiến độ triển khai một số phần việc còn chậm, người đứng đầu các sở, ngành, địa phương cần giao trách nhiệm cụ thể cho các phòng, ngành liên quan. Nếu cán bộ nào gây khó khăn, chậm trễ trong xử lý hồ sơ, dẫn tới ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án, thì phải chịu hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc.

Con số trên cho thấy, để bàn giao mặt bằng đúng tiến độ trước ngày 30/6/2023 là khó khả thi, nếu không có sự quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Các nhà thầu đang tích cực triển khai thực hiện dự án. Ảnh: TQ

Về tiến độ thực hiện các dự án thành phần, theo ghi nhận của PV, tại dự án thành phần đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi, do Liên danh nhà thầu Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam và Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng) thi công, đã huy động hàng trăm kỹ sư, công nhân cùng nhiều máy móc, thiết bị, chia làm 10 mũi thi công, đồng loạt triển khai xây dựng phần cầu và phần đường tuyến chính cao tốc.

Tại dự án thành phần đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng, do Liên danh DNTN Xây dựng Xuân Trường - Công ty Cổ phần 471 - Công ty TNHH Xây dựng Tự Lập và Công ty Xây lắp 368 là nhà thầu thi công, đã huy động hàng trăm kỹ sư, công nhân cùng nhiều máy móc, thiết bị, chia làm gần 20 mũi thi công, đồng loạt triển khai.

Đoạn cao tốc Vũng Áng - Bùng, do Liên danh Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải - Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Công ty Cổ phần 484 - Công ty Cổ phần Xây lắp 368 - Công ty Cổ phần 479 Hòa Bình thi công, đang triển khai 13 mũi thi công (7 mũi thi công đường, 3 mũi thi công cầu, 1 mũi thi công hầm, 2 mũi thi công cống hộp, hầm chui dân sinh) với 128 đầu máy móc, thiết bị, 215 công nhân, kỹ sư.

Liên quan đến tiến độ thực hiện dự án, ngày 30/3/2023, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản yêu cầu Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư) phải chỉ đạo các nhà thầu, tư vấn giám sát, các đơn vị liên quan tập trung đẩy nhanh việc lập, thẩm định, phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công của dự án, thi công đồng bộ trên toàn tuyến từ tháng 4/2023.

Mặc dù Bộ Giao thông Vận tải, các đơn vị làm chủ đầu tư, các nhà thầu thi công, các địa phương có dự án đi qua đã quyết tâm vào cuộc, thế nhưng, trên thực tế cho thấy, vẫn còn một số phần việc như giải phóng mặt bằng, triển khai thi công còn chậm.

Theo nhận định của các chuyên gia về ngành Giao thông, nếu không có các giải pháp đồng bộ thì dự án khó về đích đúng tiến độ đề ra.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

Bài 1: Động lực phát triển kinh tế nông thôn

(Thanh tra) - Trong những năm gần đây, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã trở thành hướng đi quan trọng nhằm phát huy tiềm năng kinh tế nông thôn tại Nghệ An. Chủ trương này không chỉ góp phần nâng cao giá trị nông sản, mà còn tạo đà cho việc xây dựng thương hiệu địa phương, gia tăng thu nhập cho người dân.

Nhật Vượng

17:32 12/12/2024
Bài 1: Xót xa “đất vàng” bỏ hoang

Bài 1: Xót xa “đất vàng” bỏ hoang

(Thanh tra) - Nhiều khu “đất vàng” tại các vị trí đắc địa của thành phố Hà Nội được giao cho các đại gia bất động sản phát triển dự án, nhưng sau nhiều năm vẫn bị bỏ hoang hoặc xây dựng dở dang, chậm tiến độ… khiến người dân không khỏi xót xa cho nguồn lực khổng lồ bị phung phí.

Đông Hà + Thanh Hoa

09:00 12/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm