Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đồng bào Cơ Tu thích làm du lịch sinh thái

Nguyên Phê

Thứ hai, 22/05/2023 - 09:57

(Thanh tra)- Cuối năm 2019, UBND TP Đà Nẵng phê duyệt Đề án Phát triển du lịch sinh thái cộng đồng ở huyện Hòa Vang, cộng đồng bà con dân tộc Cơ Tu, xã Hòa Bắc, liền xúc tiến việc phát triển du lịch sinh thái để cải thiện cuộc sống.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thăm mô hình du lịch cộng đồng của bà con Cơ Tu ở Hòa Bắc. Ảnh: N.P

Tà Lang và Giàn Bí là 2 thôn làng đồng bào Cơ Tu sinh sống ở Hòa Bắc. Khi có chủ trương phát triển du lịch ở vùng đất “sơn thủy hữu tình” Hòa Bắc, Bí thư Chi bộ thôn Giàn Bí là anh A Lăng Như đi tiên phong trong việc phát triển du lịch cộng đồng bà con Cơ Tu, Hòa Bắc.

A Lăng Như là người đầu tiên dám vay vốn hơn 600 triệu đồng xây dựng mô hình homestay ngay trên diện tích đất vườn nhà mình để đón khách du lịch.

“Rừng núi, sông suối ở Hòa Bắc đẹp, hàng ngày nhìn từng đoàn người từ các địa phương khác đến, kéo nhau lên rừng, lên suối để tận hưởng cái không khí trong lành; mình mới chợt nhận ra tiềm năng sẵn có ở quê hương mình mà mình như không biết. Bao đời nay, người Cơ Tu chỉ cặm cụi, lam lũ trên nương rẫy xoay vần với củ khoai, củ sắn; rồi đời nghèo vẫn hoàn nghèo... Cơ hội thoát nghèo là chính từ núi rừng, sông suối quê mình đấy chứ đâu xa”, A Lăng Như quả quyết.

Được chính quyền, ngành chức năng huyện và xã hỗ trợ, tổ hợp tác du lịch sinh thái của thôn Giàn Bí cũng hình thành; đưa nghề dệt thổ cẩm, đan lát truyền thống của người Cơ Tu nhanh chóng phục hồi với hơn 25 nghệ nhân là phụ nữ, già làng Cơ Tu tham gia.

Đội múa cồng chiêng, tung tung da dá được ví như “vũ điệu mặt trời” đặc sắc, riêng biệt, truyền thống văn hoá của người Cơ Tu trên dãy Trường Sơn hùng vĩ; lại rộn ràng, âm vang trên thượng nguồn sông Nam - sông Bắc trước khi nhập về dòng Cu Đê ra biển lớn.

Đồng bào Cơ Tu cùng chung vui với du khách. Ảnh: N.P

A Lăng Như bảo, lượng khách du lịch đến với Tà Lang, Giàn Bí rất đông, tuần nào homestay của A Lăng Như cũng đón hàng trăm khách, giải quyết việc làm cho hàng chục lao động là bà con trong thôn làm công việc hướng dẫn khách du lịch thăm thú trải nghiệm núi rừng, sông suối, khám phá nghề dệt, đan lát cổ truyền…

Cùng với mô hình du lịch của A Lăng Như, ở Giàn Bí, Tà Lang tiếp tục hình thành thêm các mô hình homestay nữa của chị Zơ Zâm Thị Hồng, anh Trương Sơn Toàn… Làng du lịch sinh thái cộng đồng Cơ Tu ở Hòa Bắc đã chuyển mình.

Trong 2 năm 2020 - 2021 đại dịch Covid-19 tung hoành, tưởng tắt luôn ý tưởng ở làng du lịch Cơ Tu. Rồi lại có ý kiến chỉ trích xã Hòa Bắc làm du lịch vi phạm đất nông nghiệp, đất rừng…. Lãnh đạo TP đã kịp  thời chỉ đạo địa phương chấn chỉnh, tăng cường quản lý đất đai, phát triển du lịch đúng hướng.

Đầu tháng 4/2023, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đã lên thăm mô hình phát triển du lịch cộng đồng sinh thái ở Tà Lang, Giàn Bí và động viên, biểu dương tinh thần dám nghĩ, dám làm của bà con Cơ Tu.

Nhân dịp kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5) và dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, Hòa Vang đã tưng bừng khai mạc “Tuần lễ Du lịch Hòa Bắc” với chủ đề “Khát vọng Hòa Bắc”; kéo dài từ ngày 25/4 đến ngày 1/5/2023; thu hút hàng vạn du khách từ vùng đồng bằng ven biển lên tham quan, du lịch.

Giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Ảnh: N.P

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoà Vang Nguyễn Thúc Dũng cho biết, trong những năm qua, mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở Tà Lang, Hòa Bắc được lãnh đạo TP rất tâm đắc; nó đã góp phần cải thiện đời sống cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số một cách rõ rệt.

Ngoài ra còn bảo tồn, phát triển văn hóa đặc sắc truyền thống của địa phương; giữ rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái… Tuy nhiên, cũng còn nhiều vấn đề phải bàn thêm; trong đó đáng chú ý là việc chuẩn bị ẩm thực cho du khách.

Chẳng hạn như, khách du lịch đến với Tà Lang, Giàn Bí để nghỉ ngơi, khám phá núi rừng, sông suối, thăm làng nghề truyền thống, múa hát cồng chiêng và lưu trú lại qua đêm thì cần phải có các món ăn đặc trưng, độc đáo theo văn hóa ẩm thực truyền thống bản địa của người Cơ Tu.

Mới đây, Hội Nông dân xã Hòa Bắc hỗ trợ cho hộ dân thôn Giàn Bí nuôi gà thả vườn, phục vụ khách du lịch, nhưng cũng chỉ đáp ứng được phần rất nhỏ so với nhu cầu.

Bà con Cơ Tu rất mong chính quyền TP và huyện Hoà Vang có kế hoạch hướng dẫn về kỹ thuật trồng rau xanh, hỗ trợ vốn để chăn nuôi heo, gà theo phương pháp khoa học, thức ăn chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, giữ vệ sinh môi trường.

Để thu hút mạnh khách du lịch về với đồng bào Cơ Tu, cần phải tạo thành một mô hình khép kín; có sự đồng bộ, từ rau, củ, quả đến con gà, con vịt hay cá… tạo món ăn dân dã, hấp dẫn khách tham quan.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

(Thanh tra) - Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cho biết, qua rà soát đến ngày 30/11/2024, tổng số nợ xây dựng cơ bản toàn tỉnh là khoảng 1.400 tỷ đồng.

Nam Dũng

12:43 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm