Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế

Thứ năm, 27/08/2020 - 06:00

(Thanh tra)- Cách Việt Nam đối phó với làn sóng COVID-19 đầu tiên đã mang lại cho mọi người rất nhiều niềm tin vào đất nước và điều đó sẽ càng đẩy nhanh quá trình khôi phục kinh tế.

Có tầm quan trọng trong phát triển các chuỗi cung ứng thay thế

Cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cho thấy các công ty phải đối mặt với rủi ro ra sao khi chuỗi cung ứng phụ thuộc vào từng quốc gia đơn lẻ. Điều này đã khiến họ thay đổi quan điểm để tìm đến những quốc gia có điều kiện thuận lợi.

Trong một phỏng vấn phát trên Đài BBC tối 8/8, giáo sư Michael Toole, nhà dịch tễ học và là thành viên nghiên cứu chính tại Viện Burnet ở Melbourne (Australia), cho rằng giống như đợt dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đầu tiên, Việt Nam đã phản ứng nhanh và mạnh mẽ khi dịch bệnh đột ngột xuất hiện trở lại tại Đà Nẵng.

Cụ thể, Đà Nẵng đã nhanh chóng ngừng đón khách du lịch và phong tỏa hoàn toàn ngay sau khi phát hiện bệnh nhân số 416 - ca bệnh trong cộng đồng đầu tiên sau 99 ngày Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng nào, trong khi vẫn đảm bảo cách ly toàn bộ người nhập cảnh.

Tại Đà Nẵng, người dân  sẵn sàng ứng phó với dịch. Các bãi biển và đường phố một lần nữa hầu như vắng bóng người vì mọi người chỉ rời nhà để mua thức ăn. Tất cả các quán ăn đã đóng cửa, bao gồm cả đồ ăn mang đi và đồ giao tới nhà. Các chuyến bay bị hủy. Mỗi người dân được chuẩn bị để xét nghiệm virus và một bệnh viện dã chiến đã được xây dựng khi mọi nguồn lực được sử dụng để làm chậm sự lây lan của dịch bệnh.

Hà Nội cũng đã đóng cửa các quán bar và tiệm karaoke để đề phòng, và một số TP bao gồm, cả thủ đô và TP Hồ Chí Minh, đã bắt buộc đeo khẩu trang trở lại ở những nơi công cộng.

Giáo sư Rogier Van Doorn - Giám đốc Khoa Nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (Anh) bày tỏ ấn tượng trước việc Việt Nam một lần nữa nhanh chóng giám sát chặt chẽ dịch bệnh. Với hơn 80.000 du khách trở về nhà từ Đà Nẵng, tổng cộng 13 tỉnh, thành, trong đó có Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đã phát hiện các ca nhiễm mới, và các ca nhiễm này đều có liên quan đến đợt bùng phát tại Đà Nẵng. Theo ông, điều quan trọng là không có báo cáo về sự lây truyền từ cộng đồng ra bên ngoài TP và tỉnh giáp ranh. Ông đánh giá đây là thành công của Việt Nam, đồng thời nêu rõ: "Những gì đã thành công trước đây đang được thực hiện một lần nữa. Tôi lại bị ấn tượng".

Tiến sĩ Justin Beardsley, giảng viên cao cấp về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Sydney (Australia), lưu ý Việt Nam đã thể hiện sự tham gia đặc biệt mạnh mẽ của cộng đồng trong việc hạn chế sự lây lan của virus. Theo ông, ở Việt Nam "có một niềm tự hào dân tộc lớn về việc kiểm soát đại dịch".

Chuyên gia phân tích cao cấp tại Viện Chính sách chiến lược Australia Lê Thu Hương  khẳng định các trường hợp tử vong mới được báo cáo cho thấy có sự minh bạch trong việc báo cáo COVID-19 ở Việt Nam và việc không có trường hợp tử vong nào trước đó "không thể bị nghi ngờ". Tất cả các trường hợp tử vong do COVID-19 ở Việt Nam cho đến nay đều là những bệnh nhân lớn tuổi có bệnh nền.

 

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn bài báo trên trang Handelsblatt (Thương mại) của Đức ngày 13/8 cho biết trong định hướng tương lai, nhà sản xuất băng dính Tesa của Đức muốn mở rộng sản xuất và đã chọn miền Bắc Việt Nam để đầu tư khoảng 55 triệu euro (65 triệu USD) nhằm xây dựng một nhà máy rộng khoảng 70.000m2 cho hoạt động sản xuất, dự kiến từ năm 2023.

Không chỉ có Tesa, trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một lựa chọn phổ biến cho các công ty muốn mở rộng mạng lưới sản xuất ở châu Á. Cuộc khủng hoảng COVID-19 càng đẩy mạnh hơn xu hướng này. Theo phân tích của Công ty Tư vấn BCG, khu vực Đông Nam Á đang ngày càng tiến sâu vào trung tâm toàn cầu hóa. Kim ngạch thương mại của Đông Nam Á với châu Âu (cũng như với Mỹ) dự kiến sẽ tăng hơn 20 tỷ USD vào cuối năm 2023, trong khi sự luân chuyển hàng hóa giữa Đông Nam Á và Trung Quốc thậm chí tăng hơn 40 tỷ USD.

Theo bài báo, với dân số khoảng 100 triệu người, Việt Nam có triển vọng rất khả quan trong việc tận dụng lợi thế của sự phát triển. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam có thể kỳ vọng mức tăng trưởng kinh tế gần 3% trong năm nay. Bất chấp đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới chỉ giảm nhẹ trong nửa đầu năm 2020 so với dòng vốn cao năm 2019. Tại các đặc khu kinh tế của Việt Nam - nơi có tỷ lệ lớn các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến, mặt bằng cho các nhà máy mới ngày càng trở nên khó tìm kiếm. Tại miền  Nam, giá cho thuê theo m2 trong quý II đã tăng 10% so với năm 2019 và TP Hồ Chí Minh cam kết sẽ tăng gần gấp 3 diện tích cho công nghiệp vào cuối năm nay.

Một lý do khiến Việt Nam ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài là Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) vốn có hiệu lực từ ngày 1/8 vừa qua. Đây là hiệp định thương mại toàn diện nhất mà châu Âu từng ký kết với một thị trường mới nổi. Theo hiệp định, thuế quan đối với 99% hàng hóa sẽ dần được xóa bỏ trong những năm tới và các công ty châu Âu muốn sản xuất tại châu Á có thể kỳ vọng lợi thế mang lại thông qua hiệp định này. Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam, khẳng định: "Chúng tôi tin chắc rằng Việt Nam sẽ không chỉ hấp dẫn hơn với tư cách là một điểm đến đầu tư mà còn có tầm quan trọng to lớn trong việc phát triển các chuỗi cung ứng thay thế".

Theo trang Handelsblatt, không chỉ mở rộng thương mại tự do với châu Âu, với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Việt Nam đã gia nhập khu vực thương mại tự do với các nước như Nhật Bản, Canada và Mexico từ năm 2018. Việt Nam cũng đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), trong đó có Trung Quốc và Australia, và cũng đang thảo luận về một hiệp định thương mại tự do với Mỹ.

Báo Đức cho rằng chính sự cởi mở đối với toàn cầu hóa của Việt Nam đã thu hút nhiều tập đoàn lớn tìm đến. Nhà sản xuất iPhone Apple đã chuyển khoảng 1/3 sản lượng tai nghe không dây sang Việt Nam. Google và Microsoft cũng đang đẩy nhanh kế hoạch chuyển một phần sản xuất phần cứng sang Việt Nam. Đối với tập đoàn Hàn Quốc Samsung, Việt Nam đã là điểm sản xuất quan trọng trong nhiều năm khi trên một nửa số điện thoại của Samsung là được sản xuất tại các nhà máy ở Việt Nam.

Bài báo dẫn lời các chuyên gia thuộc Công ty Đầu tư Dragon Capital cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam ưu tiên mở rộng cơ sở hạ tầng trong chương trình kích thích kinh tế để phục hồi sau đại dịch COVID-19 sẽ làm tăng tiềm năng tăng trưởng trong thập kỷ tới. Các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá sự thành công của Việt Nam trong việc ứng phó với dịch COVID-19 sẽ làm gia tăng uy tín của Việt Nam đối với các nhà đầu tư nước ngoài, chứng tỏ khả năng ứng phó với các rủi ro bên ngoài và duy trì sự ổn định của đất nước.

Duy trì tăng trưởng trong năm 2020

Theo Tạp chí Economist (Anh), năm 2020 là thời điểm tốt mà các nhà kinh tế học gọi là "hội tụ tiến hóa", mô tả việc các nền kinh tế nghèo phát triển nhanh hơn các nền kinh tế giàu, và do đó khoảng cách thu nhập được thu hẹp. Tuy nhiên, năm nay sẽ hơi khác biệt một chút do tác động của đại dịch COVID-19. Rất ít nền kinh tế mới nổi phát triển, nhưng vì các nền kinh tế phát triển sẽ suy thoái nhanh hơn, nên khoảng cách giữa các nền kinh tế đang phát triển với các nền kinh tế phát triển vẫn được thu hẹp. Bài viết nhận định một số nền kinh tế mới nổi sẽ vẫn tăng trưởng - đó có thể là Trung Quốc, Ai Cập và Việt Nam.

Trong một cuốn sách mới mang tên “Năng suất toàn cầu: Xu hướng, động lực và chính sách”, Ngân hàng Thế giới (WB) đã sử dụng một thuật toán để sắp xếp nhiều khối liên minh các quốc gia, tìm kiếm các nhóm dường như sẽ hội tụ với nhau. Dựa trên năng suất của 97 nền kinh tế kể từ năm 2000, WB xác định 5 nhóm nước, trong đó có 3 nhóm “buồn nhất” rơi vào các nước khá nghèo, nhóm thứ tư gồm một số nền kinh lớn có tiềm năng như Argentina, Brazil, Indonesia, Mexico và Nam Phi.

Phóng viên TTXVN tại London cho biết nhóm thứ 5 là nhóm thành công nhất bao gồm tất cả các nền kinh tế phát triển cũng như 16 thị trường mới nổi hiện nay, chẳng hạn Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Hầu hết các thành viên của nhóm đầu cũng thực hiện tốt trên thước đo “độ phức tạp” về kinh tế do giáo sư Ricardo Hausmann của Đại học Harvard và César Hidalgo của Viện Công nghệ Massachusetts phát triển. Các quốc gia đạt điểm cao nếu xuất khẩu của họ vừa phong phú và riêng biệt, gồm nhiều loại sản phẩm khác nhau mà ít quốc gia khác có.

Những thành viên nghèo hơn có xu hướng phát triển nhanh hơn những thành viên giàu có, với tốc độ có thể làm khoảng cách năng suất giảm một nửa sau mỗi 48 năm. Các tác giả của cuốn sách của WB lo lắng rằng đại dịch COVID-19 sẽ kìm hãm đầu tư, rút ngắn chuỗi cung ứng và nuôi dưỡng sự hẹp hòi ích kỷ, tất cả những yếu tố có thể cản trở sự tiến hóa hội tụ. Nhưng họ cũng lưu ý một số điểm hữu ích tiềm tàng. Chẳng hạn, các khủng hoảng có thể kích thích cải cách cơ cấu; việc thiếu kinh phí bảo dưỡng trong những thời kỳ đen tối có thể thúc đẩy sự thay thế các máy móc đó bằng các công nghệ mới hơn trong quá trình phục hồi.

Doanh nghiệp nước ngoài lạc quan về sự phục hồi của kinh tế Việt Nam

Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp nước ngoài vẫn lạc quan về triển vọng kinh tế của Việt Nam, mặc dù số ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã dẫn đến đợt giãn cách xã hội mới, đặc biệt tại TP Đà Nẵng.

Ông Kenneth Atkinson, người sáng lập Công ty Kiểm toán quốc tế Grant Thornton, Phó Chủ tịch Ban Cố vấn Du lịch (TAB) cho rằng các nhà kinh tế đang cảnh báo đợt bùng phát mới dịch bệnh COVID-19 có thể phủ bóng đen lên các dự báo khá khả quan trước đó về tăng trưởng kinh tế ngắn hạn của Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Atkinson cho biết, không quá lo lắng vì tin rằng Việt Nam sẽ vẫn là một điểm đến hấp dẫn cho các công ty quốc tế. Ông nhận định: "Cách Việt Nam đối phó với làn sóng COVID-19 đầu tiên đã mang lại cho mọi người rất nhiều niềm tin vào đất nước và điều đó sẽ càng đẩy nhanh quá trình khôi phục kinh tế".

Dù sống và làm việc trong điều kiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh được thắt chặt, hầu hết những người nước ngoài tại Đà Nẵng đều cho rằng Chính phủ Việt Nam đã có những hành động nhanh chóng và hiệu quả để ngăn chặn dịch COVID-19, cả trong đợt bùng phát đầu năm và hiện nay.

Bà Eva Monique McDonough, công dân Canada dạy tiếng Anh tại Việt Nam, cho biết: “Tôi bớt lo lắng hơn khi biết rằng cộng đồng tôi đang sống rất chấp nhận các quy định do Chính phủ đề ra. Những quy định đó là để giữ an toàn cho chúng tôi”.

Một  nhà thiết kế trang web cũng đồng ý rằng Chính phủ Việt Nam đang cố gắng hết sức để ngăn chặn đợt bùng phát mới của dịch bệnh và các biện pháp hiện nay rất quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh.

Cải thiện đáng kể điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam

Theo phóng viên TTXVN tại Praha, nhà ngoại giao kinh tế nổi tiếng David Jarkulisch của Cộng hòa Séc mới đây đã có bài viết nhận định về những thay đổi tích cực trong chính sách của Nhà nước Việt Nam thể hiện qua Luật Đầu tư sửa đổi, nhằm tạo điều kiện thu hút và tăng cường hiệu quả của đầu tư nước ngoài trong phát triển kinh tế. Bài viết được đăng trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao Séc (mzv.cz), ngày 31/7.

Bài viết nêu rõ Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Luật Đầu tư sửa đổi dự kiến bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, qua đó cải thiện đáng kể điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Mục tiêu chính của việc sửa đổi luật là làm cho môi trường kinh doanh ở Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và thu hút nguồn đầu tư mới vào lĩnh vực công nghệ cao.

Theo tác giả, Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất ở châu Á, nhưng cho tới nay đa số đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu vẫn nhằm vào những lĩnh vực sử dụng nhân công giá rẻ với quy trình công nghệ thấp. Do đó, vào năm ngoái, Chính phủ Việt Nam đã quyết định thay đổi chiến lược thu hút đầu tư nước ngoài để hỗ trợ đổi mới các ngành công nghiệp và công nghiệp công nghệ cao. Một yếu tố quan trọng của chiến lược này là sự thay đổi điều kiện trong các ưu đãi đầu tư được xác định trong phạm vi Luật Đầu tư. Ưu đãi mới trong đầu tư dành cho một số ngành công nghệ cao được lựa chọn bao gồm: Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm giá tiền thuê mặt bằng thuộc sở hữu nhà nước trong các khu công nghiệp cùng hàng loạt ưu đãi khác. Theo luật đầu tư mới, nhà đầu tư sẽ được đối xử đặc biệt khi cam kết sẽ đầu tư vào Việt Nam tối thiểu 1,3 tỉ USD và sau 3 năm kể từ khi nhận giấy phép đầu tư đạt được mức doanh thu năm 434 triệu USD hoặc sử dụng ít nhất 3.000 công nhân.

Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh rằng phần lớn các ưu đãi và thay đổi trong luật đầu tư phản ánh nhu cầu của các công ty đa quốc gia lớn, từ lâu đã tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam. Do đó, Chính phủ Việt Nam đã điều chỉnh luật phù hợp thực tế để Việt Nam hấp dẫn hơn đối với những nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bài viết nhấn mạnh mặc dù phải đương đầu với những hậu quả tiêu cực của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhưng Việt Nam vẫn không mất đi sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và trong 7 tháng đầu năm 2020 đã có tổng cộng 18,8 tỉ USD đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chỉ giảm khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

TKBT (Tổng hợp)

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Âm nặng dòng tiền, liên tục bị xử phạt về thuế, liệu Đạt Phương “có cửa” trúng gói thầu gần 1.800 tỷ đồng?

Âm nặng dòng tiền, liên tục bị xử phạt về thuế, liệu Đạt Phương “có cửa” trúng gói thầu gần 1.800 tỷ đồng?

(Thanh tra) - Gói thầu xây lắp phần đường và cầu vượt nút giao ĐT994 thuộc dự án đường nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu vừa mới mở thầu ngày 18/10/2024. Dự toán gói thầu là hơn 1.792,4 tỷ đồng. Liên danh của Công ty Cổ phần Tập đoàn Đạt Phương đưa ra giá dự thầu là hơn 1.684,6 tỷ đồng… Mới đây, doanh nghiệp liên tục bị Tổng cục Thuế bị xử phạt do vi phạm hành chính về thuế.

Chu Tuấn - Quang Dân

14:25 22/11/2024
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra “tối hậu thư” chấp thuận dự án xử lý chất thải tập trung ở Thọ Xuân

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra “tối hậu thư” chấp thuận dự án xử lý chất thải tập trung ở Thọ Xuân

(Thanh tra) - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn vừa ký văn bản yêu cầu các sở, ngành đẩy nhanh tốc độ chuẩn bị các bước tiếp theo để trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho dự án xử lý chất thải tập trung cấp vùng tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân trước ngày 30/12/2024.

Văn Thanh

12:45 22/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm