Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Để thị trường tự vận động

Thứ hai, 09/03/2015 - 13:01

(Thanh tra)- TS Trần Tiến Cường, chuyên gia hàng đầu về doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đánh giá: Hơn 10 năm nay chúng ta vẫn cứ luẩn quẩn và rối về khái niệm cũng như về nhận thức về tập đoàn kinh tế (TĐKT). Việc phát triển TĐKT cần dựa trên nguyên tắc thị trường và trên nhu cầu nội tại của các DN.

Vingroup là tập đoàn kinh tế tư nhân nộp thuế lớn nhất Việt Nam 2014. Trong ảnh: Khu đô thị Royal City của Vingroup

Cần một định nghĩa rõ ràng

Báo cáo “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững TĐKT ở Việt Nam ” vừa được Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra cho thấy tại Việt Nam, các TĐKT hoạt động chủ yếu theo hình thức công ty mẹ - công ty con và có các DN liên kết. Phần lớn các TĐKT có 2 cấp DN (chiếm 59% tổng số TĐKT), chỉ có 1 tỷ lệ nhỏ (4%) có từ 4 cấp DN trở lên. 

Kể từ năm 2005 đến nay, các TĐKT Nhà nước tăng khá nhanh và chiếm tỷ lệ áp đảo trong nhóm các DN có quy mô lớn nhất (15 vị trí trong top 20 DN, TĐKT lớn nhất Việt Nam). Các tập đoàn này giữ vị trí thống lĩnh theo ngành: 99% trong sản xuất phân bón, 97% trong khai thác than, 94% trong sản xuất điện, ga; 91% trong truyền thông; 88% trong lĩnh vực bảo hiểm. 

Các TĐKT tư nhân những năm gần đây cũng đã tăng trưởng nhanh tài sản và vốn, dù vẫn rất nhỏ so với TĐKT Nhà nước (tổng vốn của 8 TĐKT tư nhân lớn nhất chỉ bằng 15,5% tổng vốn của 8 TĐKT Nhà nước). Các TĐKT tư nhân có mức độ hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu (ROE) tốt hơn so với các tập đoàn Nhà nước: Tỷ lệ ROE bình quân của 20 TĐKT lớn nhất thuộc khu vực tư nhân đạt 8,45% trong năm 2012 và 12,27% trong năm 2013, trong khi các TĐKT, tổng công ty, DN Nhà nước ước đạt 5,28% trong năm 2012 và 7,30% trong năm 2013. 

Theo TS Trần Tiến Cường, quan niệm TĐKT Nhà nước ngoài kinh doanh còn nhiệm vụ xã hội, quốc phòng an ninh cần phải thay đổi. Đã là tập đoàn chỉ có nhiệm vụ kinh doanh. “Không nên hô hào phát triển TĐKT, rồi trao đặc quyền, đặc lợi để khuyến khích. Nên để thị trường tự vận động, khi các DN phát triển tới mức đủ lớn sẽ thành tập đoàn. Nhà nước chỉ đứng ngoài kiểm soát nhằm hạn chế rủi ro tới nền kinh tế do các tập đoàn tạo ra, chống độc quyền… Có gỡ được lý luận về tập đoàn mới có cơ may giải quyết được mớ rối về TĐKT, tổng công ty Nhà nước”, ông Cường nói. 

Ông Bùi Văn Dũng, Trưởng ban Cải cách và Phát triển DN (CIEM) cho rằng, vì chưa có một định nghĩa rõ ràng về tập đoàn, nên dẫn tới tình trạng lộn xộn, thậm chí chạy đua thành tập đoàn. Thậm chí, có tập đoàn là thành viên của Hiệp hội DN nhỏ và vừa… nhưng thực tế số vốn chỉ vài tỷ đồng, thậm chí mới bắt đầu kinh doanh, ông Dũng nói. 

Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho biết: Những nước ít nói về tập đoàn thì lại có nhiều tập đoàn nhất. Ở Hoa Kỳ hay Châu Âu, người ta không có luật về tập đoàn thì các tập đoàn lại phát triển rất mạnh. Thực tế không có định nghĩa tập đoàn về mặt khoa học, các tập đoàn được hình thành một cách tự nhiên. Việt Nam đang trong quá trình thiết lập và hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của các tập đoàn kinh tế. Kkinh nghiệm quốc tế cho thấy khi ban hành quy định gì đó về tập đoàn thì chính là lúc người ta bắt đầu hạn chế sự phát triển của tập đoàn. 

Cần dựa trên nguyên tắc thị trường 

Theo ông Bùi Văn Dũng, CIEM, TĐKT Nhà nước lâu nay quá coi trọng quy mô, hoạt động đa ngành nghề mà không tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi; vượt quá năng lực tài chính, quản trị… Kết cục, hiệu quả hoạt động của nhiều TĐKT Nhà nước chưa tương xứng với các nguồn lực đang nắm giữ. Nhiều TĐKT Nhà nước tham gia vào lĩnh vực rủi ro (như tài chính, ngân hàng, bất động sản, bảo hiểm), gặp khó khăn trong quản lý, giám sát khi thị trường có biến động mạnh. 

Nhóm nghiên cứu của báo cáo đề xuất, cần hướng tới việc thành lập TĐKT dựa trên nguyên tắc thị trường, dựa trên nhu cầu nội tại của các DN. Với TĐKT Nhà nước, phải tái cơ cấu hướng tới sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, vốn; thiết lập và vận hành hệ thống giám sát; Nhà nước phải thực hiện tốt chức năng chủ sở hữu với tư cách một nhà đầu tư; áp dụng nguyên tắc, kỷ luật thị trường với tất cả các tập đoàn… 

TS Đinh Quang Ty (Hội đồng Lý luận Trung ương), cho rằng, khi thành lập các TĐKT Nhà nước, chúng ta chưa hiểu hết, nên thiên về chính trị nhiều hơn yếu tố kinh tế. “Phong trào TĐKT ai cũng biết, bên cạnh cái được đã có một số bất ổn lớn liên quan tới khối TĐKT Nhà nước, khởi nguồn là Vinashin, rồi Vinalines” - ông Ty nói và nhấn mạnh: “Câu chuyện lợi ích nhóm, sân sau có hay không? CIEM cần chỉ ra được những bất cập lớn nhất của các TĐKT liên quan đến bất lợi cho phát triển kinh tế - xã hội”. 

Theo Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, Nhà nước đang cùng lúc làm 3 vai trò (xây dựng chính sách, chủ sở hữu DN (DN) và giám sát). Do đó, các bộ làm chính sách cũng là làm cho mình, thường chỉ giám sát người khác còn mình thì không. “Các cơ quan đại diện chủ sở hữu Nhà nước đang mâu thuẫn với chính mình. Đơn cử nhất là ngành Điện, không nước nào Bộ Công Thương ứng xử với ngành mình quản lý như Bộ Công Thương Việt Nam, đấy là cách ứng xử của chủ sở hữu, không phải cơ quan quản lý. Vì thế, trật tự thị trường không được quản lý, không cạnh tranh lành mạnh, tạo ra dư địa cho địa tô, cho lợi ích nhóm" - ông Cung bày tỏ. 

Để hạn chế tình trạng lợi ích nhóm, “sân trước, sân sau” trong các TĐKT, DNNN, theo ông Cung là phải thị trường càng nhiều càng tốt; đồng thời thiết lập thế cân bằng quyền lực, giám sát được những người đại diện chủ sở hữu, những người quản lý để họ luôn luôn trung thành, trung thực và không ở vị thế lạm dụng được quyền lực.

Thúy Hiền 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

(Thanh tra) - Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cho biết, qua rà soát đến ngày 30/11/2024, tổng số nợ xây dựng cơ bản toàn tỉnh là khoảng 1.400 tỷ đồng.

Nam Dũng

12:43 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm