Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đặt máy soi thực phẩm tại chợ, liệu có khả thi?

Thứ bảy, 22/02/2014 - 15:00

(Thanh tra) - Vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đề nghị đặt máy kiểm định VSATTP ngay tại một số chợ đầu mối, chợ lớn của thủ đô. Đề nghị này đã được Phó Thủ tướng đồng ý và giao Bộ NN&PTNT hướng dẫn UBND TP. Hà Nội thực hiện. Song, dự án đặt máy soi thực phẩm đang nhận được phản ứng nhiều chiều từ cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng.

Lâu nay, người tiêu dùng vẫn mua hàng theo chữ tín ở người bán.

Theo Bộ NN&PTNT, máy soi là thiết bị kiểm tra nhanh, thông báo các kết quả kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất kháng sinh, chất bảo quản,... còn tồn dư ở trong thịt, cá và rau quả. Bên cạnh kết quả kiểm tra, máy cũng công bố thang bậc các chỉ số an toàn của các chất nói trên để người kinh doanh và người tiêu dùng được biết.

Lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ đã có văn bản hướng dẫn TP. Hà Nội lắp đặt các thiết bị kiểm tra VSATTP. Theo kế hoạch, máy được đặt ở các chợ đầu mối, chợ lớn trong nội thành nhằm cung cấp dịch vụ kiểm tra nhanh cho các cơ sở kinh doanh, các chủ hộ và người tiêu dùng.

Trên thị trường hiện nay, các thiết bị kiểm tra nhanh, soi chiếu thực phẩm được sản xuất nhiều trong nước và nguồn nhập khẩu cũng phong phú, giá bán cũng dễ chấp nhận. Chính vì vậy, về nguồn tài chính đầu tư máy cũng không khó khăn. Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết, hiện đang chờ hướng dẫn của Bộ, việc mua máy như thế nào, ai kiểm định, tính pháp lý đến đâu, cách công bố kết quả,... Về kinh phí đầu tư mua máy cũng không khó huy động, vấn đề là tìm cách phối hợp.

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, kinh phí mua máy nên trích từ nguồn thu quản lý chợ. Còn vấn đề chi trả cho việc kiểm tra thực phẩm phụ thuộc vào quy chế hoạt động của từng chợ, đó là tự giác kiểm tra hay là kiểm tra bắt buộc. Còn quan điểm của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thì nên đầu tư theo hình thức xã hội hóa sẽ có hiệu quả tốt hơn, kiểm tra cũng là bắt buộc, nộp tiền lệ phí kiểm tra cũng phải là điều cần làm để có nguồn tài chính duy trì hoạt động này.

Khi dự án đặt máy soi thực phẩm tại các chợ đầu mối, chợ lớn đang được triển khai, nhiều nhà quản lý thị trường và người kinh doanh đã có đồng thuận khi đánh giá về tính khả thi của dự án, đó là việc triển khai kiểm tra sẽ có sức răn đe đáng kể đối với những cơ sở sản xuất, chăn nuôi, lò mổ, cung cấp cho thủ đô nguồn thực phẩm không sạch. Nếu công tác kiểm tra đi cùng với việc xử phạt các tổ chức, cá nhân vi phạm thì chắc chắn chất lượng VSATTP sẽ được cải thiện nhiều. 

Từ tính khả thi của dự án, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: TP nên triển khai sớm, thí điểm ở một số chợ, rút kinh nghiệm kịp thời và triển khai, nhân rộng mô hình. Đó là tính đồng thuận cao ở các cơ quan chủ quản.

Song, qua tìm hiểu một số ban quản lý các chợ đầu mối và chợ lớn trong nội thành, PV Báo Thanh tra đã ghi nhận được nhiều ý kiến trái chiều với nhận định của các cơ quan chức năng. Theo họ, một ngày hàng nghìn tấn thực phẩm được chuyển về Hà Nội từ nhiều nguồn sản xuất trong nước và nhập khẩu, máy nào kiểm tra cho xuể với ngần ấy hàng hóa? Nếu việc kiểm tra phải chi trả tiền dịch vụ hoặc phải chịu phạt khi vi phạm nhiều lần đưa thực phẩm kém chất lượng vào chợ thì chắc chắn sẽ xảy ra tiêu cực. Đó là họ sẽ tìm cách đi đường vòng để tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Mặt khác, nguồn thực phẩm vào thành phố không phải tất cả đều tập trung vào các chợ đầu mối, rồi sau đó mới phân tán đi các chợ khác mà thực phẩm vào thành phố bằng hàng trăm nẻo đường khác nhau, rồi bán tràn lan từ các chợ trung tâm đến chợ cóc, chợ vỉa hè và cả hình thức đi bán dạo. Chính vì vậy, công tác soi thực phẩm nếu quản lý điều hành không tốt thì việc đầu tư mua sắm máy soi cũng chỉ đảm đương được một phần rất nhỏ công việc.

Ở một khía cạnh khác, những mặt hàng thực phẩm được kiểm tra qua máy chỉ đến được các siêu thị, khách sạn hoặc các khu vực dân cư có thu nhập cao. Còn ở Hà Nội, có hàng nghìn nhà ăn, quán bán cơm bụi, chắc chắn đối tượng kinh doanh này sẽ không tìm đến nguồn thực phẩm sạch đã qua kiểm định để mua với giá cao, mà họ sẽ có cách tiếp cận nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không qua kiểm định với giá rẻ hơn. 

Đối với nhiều gia đình ở Hà Nội hiện nay, họ thường chọn mua thực phẩm ở các chợ gần nhà, hoặc trên đường đi làm. Thường là họ đã có được những khách bán hàng quen, họ mua chữ tín ở đó. Chính vì vậy, vấn đề lương tâm của người bán hàng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng. Chỉ có người bán hàng họ mới biết nguồn hàng họ lấy từ đâu, độ sạch đến mức nào. Cho nên, cái tâm của người bán hàng cũng rất quan trọng, bởi không thể đủ số lượng máy soi đáp ứng hàng vạn khách hàng nhỏ lẻ đi chợ sáng hoặc chợ chiều. 

Với việc triển khai lắp đặt dự án máy soi tại chợ đầu mối, chợ lớn mặc dù chưa thể kiểm tra được cơ bản khối lượng thực phẩm như núi mỗi ngày vào thành phố, nhưng chắc chắn sẽ có một hiệu ứng tích cực, có sức răn đe, góp phần tích cực phấn đấu mục tiêu: Thực phẩm vào thành phố sẽ sạch từ nguồn sản xuất đến bàn ăn.

Bài, ảnh: Thế Lữ

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

Phú Thọ nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 1.400 tỷ đồng

(Thanh tra) - Trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 9 - HĐND tỉnh Phú Thọ khóa XIX, ngày 10/12, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cho biết, qua rà soát đến ngày 30/11/2024, tổng số nợ xây dựng cơ bản toàn tỉnh là khoảng 1.400 tỷ đồng.

Nam Dũng

12:43 11/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm