Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Đà Nẵng: Phát triển kinh tế xanh gắn với xây dựng “TP Môi trường”

Ngọc Phó

Thứ hai, 26/08/2024 - 21:05

(Thanh tra) - Theo Nghị quyết số 136/2024 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù TP Đà Nẵng, là những chủ trương làm động lực thúc đẩy phát triển nhiều ngành kinh tế một cách nhanh chóng; nhằm phát huy vai trò trung tâm trong vùng động lực kinh tế miền Trung.

Đô thị Đà Nẵng ngày càng thân thiện với môi trường. Ảnh: Ngọc Phó

TP đang tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực của doanh nghiệp, nhà đầu tư để xây dựng thí điểm khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực; phát triển Đà Nẵng thành trung tâm vùng về logistics...

Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng Vũ Quang Hùng cho hay, trong Khu Thương mại tự do Đà Nẵng, khu sản xuất sẽ bao gồm Khu Công nghệ cao Đà Nẵng và kết nối hiệu quả hạ tầng sản xuất, bổ trợ liên hoàn cho các khu, cụm công nghiệp mới sẽ phát triển trong tương lai như: Khu Công nghiệp Hòa Cầm (giai đoạn 2), Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hoà Liên và Cụm Công nghiệp Cẩm Lệ.

Việc hình thành Khu Thương mại tự do Đà Nẵng sẽ tạo tăng trưởng hàng hóa qua các cảng biển của TP, thúc đẩy Đà Nẵng thành trung tâm cảng biển của khu vực miền Trung và kéo theo nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế.

Cụ thể: Khu Thương mại tự do sẽ thúc đẩy các hoạt động logistics, nâng cao giá trị gia tăng của ngành du lịch, thương mại... của Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng; tạo ra chuỗi các sản phẩm dịch vụ cao cấp (du lịch, bán lẻ, vui chơi giải trí…); góp phần thu hút khách du lịch đến Đà Nẵng cũng như khu vực miền Trung - Tây Nguyên…

Kết luận số 79-KL/TW ngày 13/5/2024 của Bộ Chính trị nêu rõ, tập trung xây dựng các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực tại Đà Nẵng.

Đà Nẵng tiếp tục được Bộ Chính trị định hướng phát triển thành trung tâm đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, trung tâm công nghệ cao của cả nước; trung tâm vùng về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo...

Quan điểm nhất quán của lãnh đạo Đà Nẵng là phát triển kinh tế không vội vàng tăng trưởng nóng, hướng tới phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững để mang lại các lợi ích lâu dài và xây dựng “TP môi trường”.

Trong đó, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng (xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) được xác định là hạ tầng quan trọng để góp phần định vị Đà Nẵng thành trung tâm công nghệ cao.

Đến nay, Khu Công nghệ cao Đà Nẵng đã thu hút 30 dự án (DA), trong đó có 13 DA có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư 726,7 triệu USD và 17 DA đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 8.198 tỷ đồng.

Các DA bám sát chủ trương của TP thu hút các lĩnh vực mũi nhọn công nghệ cao như: Vi mạch bán dẫn, hàng không vũ trụ, y tế công nghệ cao…

Cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng đang gấp rút thi công. Ảnh: N.P

UBND TP đã ban hành Công văn số 2644/UBND-SXD trình Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch chung Khu Công nghệ cao Đà Nẵng theo hướng mở rộng thêm diện tích để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư trong tương lai.

Bên cạnh đầu tư tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, TP đang kêu gọi đầu tư vào 6 DA lớn trên địa bàn huyện Hòa Vang, bao gồm: Khu Đô thị huyện lỵ Hòa Vang quy mô 229 ha, Cụm Công nghiệp Hòa Nhơn quy mô 24,7 ha, chợ đầu mối Hòa Phước 30,9 ha, Khu Công nghiệp Hòa Ninh 400 ha, Trung tâm Cảng cạn - logistics Hòa Nhơn quy mô 20 ha.

Đây là các DA được phê duyệt trong Quy hoạch TP Đà Nẵng thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 11/2023; nhằm xây dựng Hòa Vang trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ cao mới, góp phần định hình Đà Nẵng thành trung tâm công nghệ cao vùng và quốc gia.

Đà Nẵng tổ chức sự kiện "Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024" (Semicon Da Nang 2024) vào cuối tháng 8/2024, nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư, tranh thủ thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.

Tại Báo cáo “Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu năm 2024”, nền tảng nghiên cứu đổi mới kinh tế toàn cầu StartupBlink xếp hạng Đà Nẵng lọt vào top 1.000 TP có chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp cao nhất trên toàn cầu với vị trí thứ 896 và đứng vị trí thứ 22 tại khu vực Đông Nam Á. Đây là lần đầu tiên Đà Nẵng được ghi danh trong báo cáo và khẳng định vị trí song hành với TP HCM và Hà Nội trong thu hút các DA khởi nghiệp.

Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Quảng, thay vì vội vàng tăng trưởng nóng, Đà Nẵng hướng tới phát triển kinh tế xanh, kinh tế bền vững để mang lại các lợi ích lâu dài.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, trong nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua có 2 nội dung lớn, gồm việc cho phép Đà Nẵng tổ chức mô hình chính quyền đô thị và cho phép thí điểm 30 cơ chế chính sách đặc thù trong vòng 5 năm. Đây là những nội dung lớn và rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng trong thời gian tới.

Đà Nẵng dự kiến chi 15 ngàn tỷ đồng cho Đề án “TP môi trường”, nhằm duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí môi trường, phấn đấu đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái.

Phó Chủ tịch UBND TPLê Quang Nam nhấn mạnh, Đà Nẵng tiếp tục Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - TP Môi trường”, cùng với đó là xây dựng và phát triển mô hình khu công nghiệp sinh thái, phát triển thị trường sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.

Chặng đường phía trước còn dài và gian nan, nhưng nhiều năm nay Đà Nẵng luôn đứng trong top đầu cả nước về các chỉ số đô thị xanh - sạch - đẹp, thu hút đông đảo khác trong nước và quốc tế tham quan, du lịch.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm