Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cơ chế giá điện “không hợp lý”, mỗi lần tăng, người dân đều không thoải mái

Hương Giang

Thứ ba, 09/05/2023 - 13:31

(Thanh tra) - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ xử lý các vướng mắc, bất cập trong tính toán các yếu tố cấu thành giá xăng dầu, cơ chế tính giá điện.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra đề cập đến giá điện, giá xăng dầu. Ảnh: P.Thắng

Sáng ngày 9/5, tại phiên họp 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2022; tình hình triển khai những tháng đầu năm 2023.

Giá điện sinh hoạt của người dân chi trả cao hơn giá điện sản xuất của doanh  nghiệp

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô giữ vững, lạm phát được kiểm soát, bảo đảm các cân đối lớn.

Chính phủ đã khẩn trương nghiên cứu, xác định phương án điều chỉnh giá điện phù hợp, cùng với các giải pháp chính sách vĩ mô khác để hạn chế tối đa tác động cộng hưởng của việc điều chỉnh giá điện đến lạm phát, chi phí sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đồng thời, bảo đảm nguồn lực đầu tư các dự án nguồn điện, lưới điện cho doanh nghiệp trong nước.

Từ ngày 4/5 giá điện đã tăng 3% sau 4 năm kìm giữ, lên mức giá bán lẻ bình quân là 1.920,37 đồng một kWh.

Tại báo cáo thẩm tra, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc tăng giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khiến tăng chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất trong bối cảnh đơn hàng giảm, xuất khẩu giảm.

Theo cơ quan này, cơ chế giá điện hiện nay “không hợp lý”. Bởi giá điện sinh hoạt của người dân chi trả cao hơn cả giá điện sản xuất của các doanh nghiệp.

“Chính sách giá điện như hiện nay không khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào máy móc, trang thiết bị ít tiêu hao năng lượng. Đó là lý do mỗi lần tăng giá điện, người dân đều cảm thấy không thoải mái”, Uỷ ban Kinh tế nhận xét.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26 nghìn tỷ đồng năm 2022 của EVN, đồng thời sớm có giải pháp sớm khắc phục bất cập trong cơ chế giá điện.

Cũng theo cơ quan của Quốc hội, phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương lớn, được thể chế hoá trong các chiến lược, cơ chế khuyến khích phát triển của Chính phủ.

“Sản xuất điện từ các nguồn năng lượng tái tạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng điện tái tạo sản xuất không bán được, chưa thống nhất được về cơ chế giá”, Ủy ban Kinh tế chỉ ra.

Trong khi, Quy hoạch Năng lượng, Quy hoạch Điện VIII chậm ban hành. “Đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá làm rõ thêm vấn đề”, cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án về nguồn và lưới điện, chủ động phương án nguồn cung than, khí phục vụ sản xuất và vận hành hệ thống điện, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong mùa cao điểm nắng nóng sắp tới.

Nguồn cung xăng dầu đủ, nhiều cửa hàng vẫn ngừng kinh doanh

Về thị trường xăng dầu, theo báo cáo của Chính phủ, sau những biến động năm 2022, đầu năm 2023 có xáo trộn do sự cố Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nên hàng cung ứng trong 10 ngày đầu năm bị giảm 20-25%, nhưng hiện đã ổn định, nguồn cung đảm bảo.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: P.Thắng

Tuy nhiên theo Uỷ ban Kinh tế, 7 tháng qua giá xăng dầu được kiểm soát, nguồn cung trong nước đủ nhưng nhiều cửa hàng vẫn ngừng kinh doanh, dẫn đến tình hình thiếu hụt xăng dầu cục bộ diễn ra tại một số địa phương.

Dẫn phản ánh của các doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế nhìn nhận, nguyên nhân chính là do cách tính giá bán lẻ xăng dầu chưa phù hợp với biến động thị trường, không có tính cạnh tranh và chưa đủ bù đắp chi phí kinh doanh cho các doanh nghiệp bán lẻ.

“Bộ Công Thương áp dụng giải pháp tình thế là sử dụng lực lượng quản lý thị trường để xử phạt các cửa hàng bán lẻ xăng dầu dừng bán không có lý do chính đáng hoặc không thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước, dẫn đến nhiều cửa hàng bán lẻ “đối phó” bằng cách bán hàng “nhỏ giọt”, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Chiết khấu (hoa hồng các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối chi lại cho đại lý, cửa hàng bán lẻ) sau thời gian dài giảm thấp, thậm chí 0 đồng đã tăng trong tháng 2/2023 trước sự phản ứng từ các doanh nghiệp bán lẻ.

Việc tăng này, theo nhận định của Uỷ ban Kinh tế, chỉ là giải pháp tình thế để các đầu mối giảm bớt tồn kho, thu hồi vốn, chưa giải quyết được căn cơ vấn đề.

Cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra việc sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu có bất cập. “Việc trích lập và chi sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu dẫn đến bỏ lỡ tín hiệu của thị trường, tiềm ẩn sự không minh bạch”, báo cáo nêu.

Chẳng hạn, trong kỳ điều hành, nếu chỉ sử dụng quỹ thì giảm bớt biên độ biến động giá, nhưng nếu giá thế giới tiếp tục tăng trong kỳ điều hành tiếp theo mà Quỹ bình ổn không còn thì giá trong nước sẽ cao hơn thế giới.

Uỷ ban Kinh tế cũng dẫn ý kiến của Thanh tra Chính phủ nhận xét “quản lý Quỹ bình ổn giá còn nhiều vấn đề, gần như không quản lý được”.

Vì vậy, cơ quan này đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định 95 (dù mới có hiệu lực được hơn 1 năm) để kịp thời tháo gỡ hạn chế, vướng mắc, giải quyết căn cơ vấn đề liên quan kinh doanh xăng dầu.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Đảm bảo điện phục vụ sản xuất hàng Tết Nguyên đán Ất Tỵ

Đảm bảo điện phục vụ sản xuất hàng Tết Nguyên đán Ất Tỵ

(Thanh tra) - Tháng 12/2024 và tháng 1/2025, là giai đoạn cao điểm sản xuất hàng hóa Tết Nguyên đán Ất Tỵ và cũng là thời điểm bước vào mùa khô ở Tây Nguyên khiến mức tiêu thụ điện khu vực này tăng cao. Trước yêu cầu quan trọng này, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã triển khai đồng bộ nhiều phương án đảm bảo nguồn điện an toàn, liên tục và ổn định để đáp ứng nhu cầu của hơn 4,8 triệu khách hàng tại 13 tỉnh, TP khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

N. Phó

10:12 13/12/2024
Bài 4: Đa dạng hoá phương tiện VTHKCC để người dân có nhiều lựa chọn

Bài 4: Đa dạng hoá phương tiện VTHKCC để người dân có nhiều lựa chọn

(Thanh tra) - Hiện nay, Hà Nội đã có các loạt hình phương tiện vận tải công cộng như: đường sắt đô thị, xe buýt, xe đạp công cộng. Nhưng năng lực các loại hình này vẫn chưa đáp ứng đủ so với nhu cầu của người dân. Để nâng cao năng lực VTHKCC, Hà Nội cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa, trong đó ưu tiên lớn nhất là hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị; mở rộng và điều chỉnh hợp lý hoá mạng lưới xe buýt.. càng đa dạng loại hình, sẽ càng trở nên hấp dẫn.

Cao Sơn

08:06 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm