Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Chủ tịch UBND tỉnh phê bình đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp

Văn Thanh

Thứ sáu, 12/05/2023 - 15:45

(Thanh tra)- Sáng 12/5/2023, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, Tổ trưởng Tổ Công tác số 1 về giải ngân vốn đầu tư công đã đi kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa kiểm tra tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, trong đó có phê bình các đơn vị giải ngân vốn đầu tư công chậm. Ảnh: VT

Tại buổi kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh đã biểu dương và phê bình các đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp.

Theo báo cáo, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2023 được HĐND tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa phân bổ, giao chi tiết cho 9 đơn vị, chủ đầu tư thuộc địa bàn, lĩnh vực kiểm tra của Tổ Công tác số 1 gồm các huyện: Quảng Xương, Ngọc Lặc, Yên Định và TP Thanh Hóa là 3.157,357 tỷ đồng cho 34 dự án, nhiệm vụ. Trong đó, 2.223,097 tỷ đồng vốn đầu tư trong cân đối ngân sách địa phương; 934,261 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương.

Tính đến hết ngày 5/5/2023, tổng số vốn đã giải ngân của 9 chủ đầu tư, địa phương là: 698,318 tỷ đồng, đạt 22,1% so với kế hoạch vốn HĐND tỉnh, UBND tỉnh giao đầu năm, cao hơn 6,4% so với số liệu giải ngân bình quân cả tỉnh (15,7%).

Trong đó có 6 chủ đầu tư, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân cả tỉnh gồm: Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa 85,2%; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 41,5%; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp 18,6%; TP Thanh Hóa 34,8%; huyện Quảng Xương 33% và huyện Yên Định 18,2%.

Theo đó, 3 chủ đầu tư, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức bình quân cả tỉnh gồm: Sở Y tế; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa và huyện Ngọc Lặc.

Cũng theo báo cáo, có 10 dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, trong đó khó khăn chủ yếu là về quy định tại các luật khác liên quan đến hoạt động đầu tư công, về công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư và quy trình triển khai dự án.

Theo đánh giá, các chủ đầu tư và các địa phương đã có nhiều cố gắng, song tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 của các đơn vị, địa phương thuộc Tổ Công tác số 1 vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đặc biệt vẫn còn 567 tỷ đồng vốn của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội chưa được giao kế hoạch chi tiết cho các dự án.

Tại buổi làm việc, các đơn vị, địa phương cũng đã báo cáo và làm rõ thêm với tổ công tác về thực trạng, tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư, những thuận lợi, khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công tại đơn vị, địa phương; đồng thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc với các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nêu rõ: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên toàn tỉnh hiện nay thấp so với cùng kỳ so với mục tiêu đặt ra. Vì vậy, cùng với các đơn vị, địa phương khác trong tỉnh, các đơn vị, địa phương thuộc địa bàn, lĩnh vực kiểm tra của Tổ Công tác số 1 cần phải tập trung nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn đánh giá cao, biểu dương các đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn cao và yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; phê bình các đơn vị, địa phương trong đó có huyện Ngọc Lặc, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Thanh Hóa, có tỷ lệ giải ngân thấp và đề nghị các đơn vị, địa phương nhìn nhận một cách khách quan và nghiêm khắc rút kinh nghiệm.

Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh về mục tiêu, kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Lưu ý, kết quả giải ngân vốn đầu tư công được xem là tiêu chí xem xét, đánh mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với từng tổ chức, cá nhân. Nhiệm vụ này phải được làm thường xuyên, liên tục, quyết liệt, cụ thể và sâu sát. Đối với những nhà thầu thi công không bảo đảm tiến độ, phải kiên quyết chấm dứt hợp đồng theo thẩm quyền. Theo đó, yêu cầu các đơn vị, địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung khắc phục khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo mục tiêu, kế hoạch đã đề ra.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm