Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc ngăn chặn buôn lậu qua biên giới

Thứ ba, 07/01/2014 - 17:28

(Thanh tra) - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong phiên họp giải trình về “thực trạng, giải pháp phòng, chống buôn lậu qua biên giới, góp phần ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng mất vệ sinh an toàn thực phẩm”, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng ngày 7/1.

Lực lượng chức năng vào cuộc quyết liệt


Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, cùng với sự phát triển thương mại biên giới là sự lớn mạnh không ngừng về số lượng và chất lượng của thương nhân tham gia hoạt động thương mại biên giới; cơ cấu hàng hóa ngày càng đa dạng và phong phú; dịch vụ thương mại biên giới không ngừng phát triển; số lượng người và phương tiện xuất, nhập cảnh qua các khu kinh tế cửa khẩu tăng đều qua các năm (năm 2012 có 9 triệu lượt người và 700 nghìn lượt phương tiện, tăng gấp 3 lần so với năm 2005). Các kết quả đó đã từng bước góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có đường biên giới và nâng cao đời sống của nhân dân.

Nhưng bên cạnh đó, hoạt động buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp. Hàng nhập lậu chủ yếu là phụ tùng ô tô, xe máy, điện thoại di động, vật liệu xây dựng, vải, quần áo may sẵn, mỹ phẩm, ngoại tệ, kim loại quý, gia súc, gia cầm, sản phẩm từ gia súc, gia cầm, thủy sản, nhất là các mặt hàng cấm như pháo các loại, đồ chơi bạo lực nguy hiểm, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, lá thuốc lá nguyên liệu…

Trước thực trạng đó, từ năm 2010 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 127/TƯ đã ban hành hàng trăm kế hoạch, phương án, văn bản chỉ đạo các lực lượng chức năng và các địa phương thực hiện công tác chống buôn lậu. Kết quả, các lực lượng chức năng đã xử lý 828.488 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, trong đó có 117.714 vụ buôn lậu, chiếm 14,2% tổng số vụ vi phạm bị bắt giữ, xử lý. Tổng số thu trên 23.336,3 tỷ đồng; trong đó phạt hành chính 10.275,3 tỷ đồng, phạt và truy thu thuế 8.629,5 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm 4.431,5 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng trong chuyên đề đấu tranh phòng ngừa vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu bất hợp pháp, 9 tháng đầu năm 2013, các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý 1.691 vụ với số tiền phạt thu được là 2,839 tỷ đồng. Ngoài ra, các cơ quan này cũng thu giữ 54.614 kg gà lông, 200.741kg gà thịt, 2.764.019 quả trứng, 9.729 kg phụ phẩm gia cầm nhập lậu (nội tạng, chân, cổ, cánh), 1.587.313 con gà giống, trị giá hàng tịch thu, tiêu hủy là 3,631 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu, từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã thu giữ 7.548.378 lít xăng dầu. Gần đây, ngày 9/12/2013, tại vùng biển cách Côn Đảo khoảng 45 hải lý về phía Đông Nam, lực lượng cảnh sát biển 4 đã kiểm tra, bắt giữ tàu HADUCO chở 2.125.626 lít dầu DO không có giấy tờ hợp pháp. Đây là vụ bắt giữ xăng dầu lớn nhất từ trước đến nay.

"Mặc dù đã có sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, nhưng hoạt động buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp, từ đó thẩm lậu vào thị trường nội địa nhiều loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng tiêu cực lớn đến nền kinh tế của chúng ta", Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định.

Vì sao buôn lậu vẫn không giảm?


Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, nguyên nhân chủ quan là do nhận thức về công tác đấu tranh chống buôn lậu tuy đã nâng lên, song có lúc, có nơi chưa được quán triệt đầy đủ và thống nhất giữa các ngành, địa phương, nên việc chỉ đạo thực hiện ở mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi cấp có khác nhau. Hệ thống chính sách pháp luật và đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại chưa hoàn thiện, nhiều lĩnh vực còn chồng chéo, không đồng bộ, thiếu cụ thể. Trong khi đó, lực lượng kiểm tra, kiểm soát còn mỏng, thiếu kinh phí, phương tiện nghiệp vụ chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, trong khi phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ngày càng tình vi và sử dụng phương tiện kỹ thuật hiện đại…

Bộ trưởng Bộ Công thương cũng nhận định, không thể không có tiêu cực trong lực lượng chức năng phòng, chống buôn lậu qua biên giới. “Hàng năm, Ban Chỉ đạo 127/TƯ cũng tổ chức họp đánh giá thì luôn nhận định có hiện tượng tiêu cực, kể cả lực lượng quản lý thị trường”. Tuy nhiên, hiện tượng tiêu cực, theo tình hình của Bộ Công thương nắm được, thì cũng chỉ là thiểu số. Bởi nếu không, hoạt động phòng, chống buôn lậu đã không đạt được kết quả.

Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, nếu chỉ bắt và xử lý những người mang, vác hàng lậu nhỏ lẻ ở khu vực biên giới thì không có nhiều ý nghĩa. Bởi tại khu vực này, nhiều người dân vì mưu kế sinh nhai nên mới tham gia mang, vác hàng lậu một cách vô thức. Nếu chỉ xử lý đối tượng này thì không phải là xử lý tận gốc và hiệu quả của công tác phòng, chống buôn lậu sẽ không cao. Điều cốt lõi là phải giải quyết tốt công ăn, việc làm cho cư dân biên giới - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị cần hoàn thiện hệ thống pháp luật; nâng cao năng lực thực thi công vụ của các lực lượng chức năng và tổ chức kiểm tra, kiểm soát thị trường có trọng tâm, trọng điểm. Đồng thời cũng kiến nghị với Quốc hội cho phép các lực lượng chức năng thực hiện công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại được tiếp tục trích một phần kinh phí từ nguồn thu phạt hành chính và tịch thu hàng hóa vi phạm cho những năm tiếp theo.

Kết luận phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định báo cáo giải trình cơ bản hợp lý và đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo thực hiện các giải pháp đã nêu, đồng thời phải tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật; củng cố kiện toàn lực lượng phòng, chống buôn lậu; đẩy mạnh công tác phòng, chống tiêu cực trong từng lực lượng, phải có cơ chế kiểm soát, cũng như thực hiện các giải pháp về sản xuất trong nước như giá cả, chất lượng đáp ứng thị hiếu của người dân trong nước; xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu hàng Việt; có chính sách thương mại biên giới kết hợp với chống buôn lậu qua biên giới…

Ánh Tuyết

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

Hoà Bình: Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tỉnh đốn đốc các chủ đầu tư

(Thanh tra) - Tính đến ngày 30/11/2024, toàn tỉnh Hoà Bình đã giải ngân vốn đầu tư công 2.191,4 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 58% kế hoạch vốn UBND tỉnh giao chi tiết đến từng dự án. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân không đạt theo yêu cầu của Tỉnh ủy giao là 90%.

Trần Kiên

20:25 13/12/2024
Vĩnh Phúc vượt kế hoạch năm 2024, thu hút vốn đầu tư kỷ lục

Vĩnh Phúc vượt kế hoạch năm 2024, thu hút vốn đầu tư kỷ lục

(Thanh tra) - Với sự nỗ lực không ngừng của các cấp, ngành và địa phương, đến tháng 11/2024, tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận thành tích ấn tượng trong việc thu hút đầu tư cả FDI và DDI. Tổng vốn đầu tư đăng ký mới và tăng thêm đạt con số kỷ lục, vượt gần 50% so với kế hoạch năm 2024.

Chính Bình

16:53 13/12/2024

Tin mới nhất

Xem thêm