Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Bài 2: Siết chặt quản lý

Trọng Tài

Chủ nhật, 03/12/2023 - 17:24

(Thanh tra) - Phát triển nghề biển theo hướng bền vững, kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) được coi là nhiệm vụ trọng tâm đối với Thái Bình trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Xác định rõ điều đó, thời gian qua, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của ngư dân và kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…

Phát triển nghề biển theo hướng bền vững là nhiệm vụ trọng tâm đối với Thái Bình trong chiến lược phát triển kinh tế biển. Ảnh: Trọng Tài

Chi Cục trưởng Chi cục Thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thái Bình Hoàng Minh Giang cho biết, để phát triển nghề khai thác thủy sản có hiệu quả, an toàn và bền vững, năm 2023, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các ban, ngành, đơn vị, địa phương tổ chức 27 lớp tập huấn triển khai Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành luật cho hơn 1.620 nông, ngư dân trong tỉnh.

Đồng thời, tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản cho 90 lượt dân trên địa bàn; tuyên truyền, phổ biến các quy định chống khai thác IUU; về danh mục các loài thủy sản được ưu tiên bảo vệ, tái tạo; các biện pháp bảo vệ môi trường, hệ sinh thái; nghề cấm khai thác, nghề hạn chế phát triển; khu vực cấm khai thác, cấm khai thác có thời hạn; đối tượng cấm khai thác, đối tượng cấm khai thác có thời hạn…

Các lực lượng chức năng tỉnh Thái Bình thường xuyên phối hợp kiểm tra, kiểm soát tàu cá hoạt động trên biển. Ảnh: CTV

Thông qua công tác tuyên truyền, nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là cộng đồng ngư dân ven biển về quy định chống khai thác khai thác bất hợp pháp, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đã có chuyển biến tích cực.

Các phương tiện đánh bắt xa bờ không để xảy ra tình trạng vi phạm trong khai thác bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt. Hiện tượng ngư dân sử dụng các công cụ, phương pháp khai thác thủy sản mang tính hủy diệt như xung điện, chất độc, chất nổ đã giảm. Một số chủ phương tiện đánh bắt đã cải hoán, nâng cấp tàu có công suất lớn để chuyển sang khai thác thủy sản xa bờ cho hiệu quả kinh tế cao và thân thiện với môi trường.

Song song với công tác tuyên truyền, giai đoạn 2018 - 2023, Chi cục Thủy sản - Sở NN&PTNT và các đồn Biên phòng trong tỉnh đã thường xuyên phối hợp kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra, vào bến, cảng và hoạt động trên biển; điều tra, xác minh, xử lý tàu cá mất kết nối trên biển, đặc biệt là tàu cá vượt ranh giới biển Việt Nam.

Trong 5 năm, 2 đơn vị đã phối hợp 15 đợt tuần tra chung, kiểm tra, kiểm soát trên vùng biển Thái Bình; đã xử lý 215 vụ/215 phương tiện với 256 người vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 1,5 tỷ đồng.

Nông dân Thái Bình trúng vụ tôm thẻ chân trắng. Ảnh: Trọng Tài

Qua công tác phối hợp đã góp phần giữ vững chủ quyền vùng biển, đảm bảo an ninh trật tự trên biển, đấu tranh hiệu quả với các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thủy sản.

Đặc biệt, trong năm 2023, ngành Nông nghiệp Thái Bình đã tổ chức thực hiện 14 cuộc tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản; kiểm tra, kiểm soát tàu cá trên vùng biển của tỉnh khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về khai thác IUU.

Qua đó, đã nhắc nhở 438 tàu cá; kiểm tra trực tiếp 105 tàu cá, phát hiện, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 9 cá nhân; thu nộp ngân sách Nhà nước gần 135 triệu đồng.

Đồng thời, tổ chức kiểm tra 10 cơ sở sản xuất, ương dưỡng, kinh doanh giống thủy sản; kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý, bảo vệ môi trường vùng nuôi thủy sản thâm canh, nuôi thủy sản tập trung tại 15 vùng nuôi trên địa bàn tỉnh; kiểm tra đăng ký nuôi thủy sản lồng bè trên sông tại 32 hộ, trên địa bàn 16 xã thuộc 4 huyện.

Mô hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Tiền Hải. Ảnh: Trọng Tài

Thanh tra 9 cơ sở (4 tổ chức, 5 cá nhân) sản xuất, mua bán, nhập khẩu thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện Thái Thụy, Tiền Hải.

Ngoài ra, đã thực hiện cấp, cấp lại 140 giấy phép khai thác thủy sản, số giấy phép còn hạn 602 giấy phép; 100% tàu cá trên địa bàn tỉnh đảm bảo thực hiện đăng ký, đăng kiểm theo đúng quy định; số tàu cá đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và thẩm định đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm là 174/176 tàu (đạt 98,86%)…

Để tiếp tục phát triển nghề biển theo hướng bền vững, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác IUU, Chi cục Thủy sản - Sở NN&PTNT Thái Bình cho biết, năm 2024, sẽ tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra theo kế hoạch, kiểm tra đột xuất khi có yêu cầu.

Tập trung xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động thủy sản như vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản; môi trường vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; kiểm tra cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; đặc biệt là công tác chống khai thác IUU...

Thực tế cho thấy, những năm qua, với việc phát huy tiềm năng, lợi thế từ biển, cùng việc triển khai đồng bộ các giải pháp, siết chặt quản lý trong hoạt động đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đã góp phần đưa Thái Bình ngày càng đến gần hơn với mục tiêu xây dựng khu vực ven biển trở thành trọng điểm về kinh tế; qua đó, tạo động lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm