Thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo trước năm 1990

Nhìn lại việc thực thi quyền tự do tôn giáo giai đoạn này có thể rút ra mấy đặc điểm sau:

Thứ nhất, việc phát thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được đặt trong một nhiệm vụ cao cả của dân tộc đó là đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước. Việc tự do tôn giáo được nhấn mạnh và liên kết tới việc đoàn kết các lực lượng tôn giáo kháng chiến, kiến quốc. Việc phát huy tôn giáo và mức độ của quyền tự do tôn giáo đôi khi dựa trên vai trò quan hệ cá nhân người đứng đầu Nhà nước với các chức sắc tiêu biểu của các tổ chức tôn giáo.

Có thể thấy rõ điều này qua ứng xử của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với một số chức sắc tôn giáo như ông Nguyễn Mạnh Hà, linh mục Phạm Bá Trực, giám mục Lê Hữu Từ (Công giáo); với cụ Cao Triều Phát (Cao Đài), mục sư Lê Văn Thái (Tin lành)…

Thứ hai, sau cục diện chia cắt đất nước làm hai miền ở thời điểm 1954, có một điểm nhấn trong nhận thức về tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong thời kỳ này được thể hiện qua Sắc lệnh 234- SL do Hồ Chí Minh ký ngày 14/06/1955 về tín ngưỡng.

Sắc lệnh này đã không chỉ nhìn tôn giáo ở góc độ đoàn kết nữa mà đã nhấn mạnh tới yếu tố nguồn lực kinh tế, giáo dục của tổ chức tôn giáo và mở rộng rất nhiều các quyền tự do tôn giáo cho các tổ chức tôn giáo. Tuy là sự kiện quá khứ, nhưng Sắc lệnh 234 vẫn là một điểm nhất trong thực thi quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam kể từ năm 1945 đến nay. Tất nhiên, sắc lệnh này chỉ có hiệu lực trong thời gian khoảng hơn 4 năm.

Từ sau 1975 là giai đoạn đất nước hoàn toàn giải phóng, cả nước thống nhất, tập trung thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Các tôn giáo ở nước ta thời kỳ này cũng có nhiều thay đổi. Trong khi Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Công giáo ở cả hai miền Nam, Bắc được thống nhất về mặt tổ chức thì giáo hội của các tôn giáo khác như đạo Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo, đạo Tin lành, đạo Hồi… đang trong quá trình vận động để sau này được Nhà nước công nhận về mặt tổ chức.

Có thể thấy thời kỳ này đại đa số tín đồ các tôn giáo đều yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách tôn giáo và pháp luật của Nhà nước, tham gia tích cực vào xây dựng và phát triển đất nước.

Bên cạnh đó, còn một số phần tử cực đoan có thù hằn với cách mạng vẫn tiếp tục chống phá Nhà nước nên đã có những hành động chống lại dân tộc, xâm hại an ninh của đất nước.

Thời kỳ trước đổi mới có thể thấy một số điểm thực thi chính sách tự do tôn giáo thể hiện qua Nghị quyết 297-NQ/CP của Chính phủ ngày 11/11/1977 với một số quy định cơ bản như sau:

- Tín đồ và nhà tu hành được hoạt động tôn giáo bình thường ở những nơi thờ cúng nhưng phải tôn trọng pháp luật của Nhà nước, không gây trở ngại cho việc giữ gìn trật tự trị an, cho sản xuất và sinh hoạt bình thường của tín đồ. Mỗi công dân được tự do tham gia hoặc không tham gia các hoạt động tôn giáo, không ai có quyền cưỡng ép người khác phải tham gia hoặc không được tham gia các hoạt động đó.

- Những nhà tu hành và những người chuyên hoạt động tôn giáo được tự do giảng đạo tại nơi thờ cúng và trong các cơ sở tôn giáo. Khi truyền bá tôn giáo, ngoài việc giảng giáo lý, các nhà tu hành còn có nhiệm vụ động viên tín đồ làm tốt nghĩa vụ công dân và chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước; không được tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa, chống chính quyền, chống chính sách, pháp luật của Nhà nước, không được tuyên truyền chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo, tuyên truyền mê tín dị đoan.

- Những nơi thờ cúng của các tôn giáo được Nhà nước bảo hộ; những nơi thờ cúng đã bỏ không từ lâu, không có người tu hành hoặc người chuyên trách, không có nhân dân đến lễ bái thì UBND cấp cơ sở có trách nhiệm quản lý, khi cần thiết có thể mượn làm trường học, nơi hội họp... nhưng phải giữ gìn chu đáo, không được dùng vào những việc xúc phạm đến tình cảm và tín ngưỡng của nhân dân, những nơi thờ cúng quá hư hỏng chính quyền muốn dỡ đi thì phải được nhân dân đồng tình và UBND cấp trên đồng ý.

- Về việc phong chức, bổ nhiệm những người chuyên hoạt động tôn giáo (kể cả người do tín đồ bầu ra) phải được chính quyền chấp thuận. Tuỳ theo phạm vi hoạt động tôn giáo của những người này trong một xã, huyện, tỉnh hoặc thành phố mà UBND xã, huyện, tỉnh hoặc thành phố chấp thuận. Nếu phạm vi hoạt động tôn giáo bao gồm nhiều tỉnh, thì phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Việc thuyên chuyển những người chuyên hoạt động tôn giáo từ nơi này đến nơi khác phải được sự chấp thuận trước của UBND nơi đến.

- Đối với tài liệu và đồ dùng việc đạo của các tôn giáo, Nhà nước quy định: Các tổ chức tôn giáo được xuất bản những tài liệu tôn giáo và sản xuất những đồ thờ cúng nhưng phải tuân theo chế độ chung của Nhà nước (chế độ xuất bản, chế độ sản xuất các mặt hàng thủ công nghiệp...). Nếu muốn nhập những thứ ấy từ nước ngoài vào thì phải theo thể lệ của Nhà nước và phải được phép của các cơ quan quản lý (Bộ Văn hoá, Cục Hải quan Trung ương).

Ngoài các quy định trên đây của Nghị quyết 297-NQ/CP của Chính phủ và Hiến pháp năm 1980, một loạt văn bản khác cũng có các quy định liên quan đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như: Luật Bầu cử Quốc hội năm 1980; Luật Tổ chức Tòa án nhân dân nãm 1981; Luật Nghĩa vụ quân sự năm 1982; Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 1984; Bộ luật Hình sự năm 1985; Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986; Nghị đinh số 151/TTG ngày 14/01/1985 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thành lập Ban Tôn giáo Chính phủ; Nghị định số 228/TTG, ngày 31/12/1985 của Hội đồng Bộ trưởng về việc thi hành “Pháp lệnh Bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử và danh lam, thắng cảnh”; Quyết định số 83/BT ngày 29/12/1981 của Bộ trưởng, Tổng Thư ký Hội đồng Bộ trường về việc cho phép thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam...

Như vậy, có thể thấy, hệ thống văn bản pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo giai đoạn từ sau 1975 đến trước 1990 ban hành không nhiều nhưng nhiều nội dung quản lý đã được bổ sung, điều chỉnh và đầy đủ hơn so với giai đoạn trước đó.

Có thể kể đến các nội dung như: Những quy định về sinh hoạt tôn giáo của các nhà tu hành và tín đồ; cơ sở vật chất của giáo hội; việc đào tạo, bổ nhiệm, thuyên chuyển những người chuyên hoạt động tôn giáo; quan hệ quốc tế của các tôn giáo; trách nhiệm của chính quyền các cấp với hoạt động của các tôn giáo.

Mặc dù các văn bản quy định về hoạt động tôn giáo thời kỳ này đã không còn ban hành dưới hình thức sắc luật hay sắc lệnh của Chủ tịch nước, nhưng các quy định còn ở dạng nguyên tắc, chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện nên thiếu sự thống nhất thực thi trên phạm vi toàn quốc. Đương nhiên, các nội dung của các văn bản pháp luật chỉ phù hợp với giai đoạn lịch sử cụ thể, nó có thể hết hiệu lực hoặc cần được điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong những giai đoạn tiếp theo.

Việc thực thi quyền tự do tôn giáo thời kỳ này vẫn còn một số hạn chế so với giai đoạn sau như vấn đề đào tạo chức sắc của một số tôn giáo còn gặp khó khăn. Việc in và phát hành các kinh sách và ấn phẩm của tôn giáo còn nhiều hạn chế. Việc kết nạp đảng viên là người tôn giáo được xem xét rất kỹ về mặt thân nhân lý lịch… Sở dĩ có việc “giới hạn” các quyền tự do tôn giáo trong giai đoạn này là vì:

Thứ nhất, trong giai đoạn này, có việc nhìn nhận, đánh giá tôn giáo dựa nhiều trên bình diện ý thức hệ, do đó không chú ý tới các giá trị thực thể của một tôn giáo, nhất là khía cạnh văn hóa, di sản. Thậm chí có thời kỳ còn hạn chế đi các cơ sở vật chất của tín ngưỡng, tôn giáo, làm cho tín ngưỡng, tôn giáo suy giảm đi vai trò trong xã hội.

Thứ hai, đây là giai đoạn đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, việc đề cao ý thức phòng thủ, cảnh giác thù trong giặc ngoài và việc chú trọng cải tạo đi các tàn dư của xã hội cũ, trong đó tín ngưỡng, tôn giáo đã hạn chế việc phát huy nguồn lực tôn giáo.

Thứ ba, đây là thời kỳ đầu xác lập các nguyên tắc thế tục giữa Nhà nước và tôn giáo. Trong đó để hạn chế đi sự tham dự của tôn giáo và thiết chế chính trị, giáo dục và các dịch vụ công. Sự xác lập những nguyên tắc này đã qua chú trọng tới việc coi tôn giáo là một vấn đề cá nhân, riêng tư và làm giảm đi các tương tác của thiết chế tổ chức tôn giáo với các thiết chế chính trị xã hội khác, nhấn mạnh quá vào các nguyên tắc chính trị, dẫn đến các nguồn lực tôn giáo ít được phát huy, sử dụng.

Thứ tư, vấn đề tự do tôn giáo thời kỳ này được nhìn trong việc đoàn kết dân tộc, mới nhìn ở góc độ chính trị. Bởi vậy tự do tôn giáo chưa được nhìn nhận một cách đầy đủ và toàn diện từ góc độ quyền con người như giai đoạn sau này.

Thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo từ 1990 đến nay

Kể từ Đổi mới, với đời sống vật chất của người dân ngày càng được bảo đảm, đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo ngày càng phát triển phong phú và đa dạng. Các tổ chức tôn giáo đã tổ chức nhiều hội nghị thường niên, hội nghị liên tôn, hội nghị có yếu tố nước ngoài; tổ chức đại hội; tổ chức cuộc lễ; thực hiện các hoạt động quan hệ quốc tế; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở tôn giáo; nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho và các quyền khác theo pháp luật.

Tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam có sự phát triển khá mạnh. Dường như có một sự khởi sắc mạnh mẽ về tổ chức, hoạt động và tín đồ của rất nhiều các tôn giáo. Nhờ chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà Việt Nam đã trở thành một trong những nước có đa dạng tôn giáo cao trên thế giới nhưng vẫn giữ được đoàn kết các tôn giáo, không có sự công kích giữa các tôn giáo, các tôn giáo cùng đoàn kết gắn bó đồng hành cùng dân tộc.

Mặt khác từ việc thực thi tốt chính sách tôn giáo và quyền tự do tôn giáo mà hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng ở nước ta đã dần đi vào ổn định. Những hoạt động chính đáng, hợp pháp của tín đồ, chức sắc, nhà tu hành và tổ chức tôn giáo được Nhà nước đảm bảo. Hoạt động tôn giáo của các tổ chức tôn giáo đã được công nhận, dần đi vào nề nếp và tuân thủ pháp luật. Quần chúng tín đồ, nhà tu hành, chức việc, chức sắc các tôn giáo cơ bản yên tâm, phấn khởi, tin tưởng hơn vào đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Một trong những biểu hiện là việc tham gia ngày càng đông đảo của các tăng ni, Phật tử, chức sắc, tín đồ tôn giáo trong những dịp lễ lớn của các tôn giáo như lễ Phật đản của Phật giáo, lễ Thiên chúa giáng sinh của Công giáo, lễ hội hành hương La Vang, lễ khai mạc năm Thánh của Giáo hội Công giáo, lễ kỷ niệm 100 năm ngày Tin Lành đến Việt Nam... với số lượng tham gia lên đến hàng chục ngàn người. Các lễ hội có sự phát triển nở rộ. Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng hơn 8.000 lễ hội, trong đó số lễ hội mang màu sắc tín ngưỡng dân gian chiếm khoảng hơn 7.000 và hơn 500 lễ hội tôn giáo.

Nhìn lại bước đường đổi mới chính sách tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta đến nay đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Hiện nay Nhà nước Việt Nam đã được chính thức công nhận 16 tôn giáo và 41 tổ chức tôn giáo thuộc Công giáo, Tin lành, Phật giáo… và các tôn giáo nội sinh. Số tín đồ các tôn giáo ở Việt Nam hiện nay tăng nhanh khoảng 27 triệu người (so với 10 triệu vào năm 1975). Đạo Tin lành, được đánh giá là tôn giáo phát triển nhanh nhất tại Việt Nam thời gian qua, đã tăng từ khoảng 200.000 tín đồ vào năm 1975 lên khoảng hơn 1 triệu vào năm 2021.

Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Bắc và Tây Nguyên rất vui mừng phấn khởi về những đổi thay trong chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tạo cho họ những điều kiện sinh hoạt tôn giáo thuận lợi. Hiện nay số đồng bào Hmông theo đạo Tin lành ở Tây Bắc khoảng 180 000 người. Ở Tây Nguyên số người theo đạo Tin lành khoảng 450 000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 95%. Trong văn hóa Tây Nguyên và Tây Bắc hiện nay, không thể không nói đến các tôn giáo.

Thành công trong chính sách tự do tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam đã được nhìn nhận cả từ phía bên ngoài, đặc biệt là các tổ chức quốc tế liên quan đến các lĩnh vực nhân quyền, tôn giáo.

Một nghiên cứu về đa dạng tôn giáo gần đây do Trung tâm Nghiên cứu Pew Forum on Religion & Public Life (Mỹ) thực hiện năm 2013 đã xếp hạng Việt Nam là đứng thứ ba trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới về mức độ đa dạng tôn giáo, chỉ sau Singapore và Đài Loan.

Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam vào năm 2009 đã đánh giá: Cho dù vẫn còn những quan điểm cá nhân về một vài vụ việc cụ thể liên quan đến tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhưng không thể phủ nhận những tiến bộ về tự do tôn giáo tại Việt Nam, nhất là từ năm 1991 đến nay.

Trước đó, Đoàn Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ do Phó Chủ tịch Ủy ban Michael Lewis Cromartie dẫn đầu đến thăm và làm việc tại Việt Nam cũng nhận xét: Tự do tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam đã được mở rộng và có nhiều tiến bộ, nhiều điểm đáng khích lệ.

Điều đáng ghi nhận nhất là, năm 2006, Việt Nam đã được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra khỏi danh sách những “quốc gia cần quan tâm đặc biệt”, về lĩnh vực nhân quyền và tôn giáo (Country of Particular Concern, viết tắt CPC). Đây là một thành công lớn của đổi mới chính sách tôn giáo ở Việt Nam, nó đã góp phần thúc đẩy đàm phán đưa Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thể giới năm 2007.

Kể từ đó đến nay, mặc dù Uỷ ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ nhiều lần đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách CPC nhưng đều bị Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ. Quyết định này dựa trên những cơ sở xác thực về những thành công trong chính sách tôn giáo ở Việt Nam được Bộ Ngoại giáo Mỹ tiếp nhận từ nhiều nguồn tin, với nhiều cuộc khảo sát khách quan, thực tế ở nhiều địa phương để làm luận cứ.

Bên cạnh đó, các chuyến khảo sát của các tổ chức độc lập khác cũng cho thấy chính sách tôn giáo ở Việt Nam ngày càng tiến bộ. Cụ thể, Viện Liên kết toàn cầu, đã nhiều lần sang Việt Nam, tổ chức các cuộc hội thảo khoa học (2006, 2007, 2011) và khảo sát nhiều chuyến thực tế (tại Tây Nguyên, Tây Bắc) sau đó tư vấn, phúc trình lại Bộ Ngoại giao Mỹ để họ thấy được những đổi thay của đời sống tôn giáo Việt Nam đã khác trước.

Qua ba cuộc hội thảo quốc tế về chủ đề “Tôn giáo và pháp quyền ở Đông Nam Á tại Việt Nam” được tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Tôn giáo phối hợp với Viện Liên kết toàn cầu, đến nay Viện Liên kết toàn cầu đã có nhiều đóng góp tích cực, góp phần thay đổi nhận thức của một bộ phận chính khách, nghị sĩ Mỹ về những định kiến của họ trong vấn đề tôn giáo ở Việt Nam.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong nhiệm kỳ của mình đã công bố bản báo cáo thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ về tự do tôn giáo trên thế giới. Theo báo cáo này: Tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam ngày càng tiến triển với nhiều tổ chức tôn giáo mới được công nhận hoặc cho phép đăng kí sinh hoạt. Các lĩnh vực tôn giáo với từ thiện, xã hội được mở rộng. Các ngày lễ lớn của tôn giáo được chính quyền Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi, có những buổi lễ tới cả chục vạn người.

Rõ ràng, với những ghi nhận tích cực và thiện chí từ các góc nhìn khác nhau, đặc biệt là từ dư luận quốc tế, cho thấy: Chính sách tôn giáo Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Điều đó giúp cho đồng bào các tôn giáo ngày càng tin tưởng vào chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam, đồng thời tạo ra một vị thế quan trọng của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực tôn giáo, nhân quyền.

Một số vấn đề đặt ra trong việc thực thi chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo vốn là quyền có độ nhạy cảm nhất định, do tính chất đa dạng, phức tạp của vấn đề tôn giáo và tín ngưỡng, nên trong quá trình thực thi còn biểu hiện nhiều hạn chế, tập trung ở những mặt sau:

Không ít cơ quan có thẩm quyển từ chối đảm bảo quyền chính đáng của các cá nhân, tổ chức tôn giáo với lý do không có pháp luật quy định cụ thể hoặc pháp luật không rõ ràng. Tình trạng các cấp hành chính Nhà nước từ chối cấp phép hoạt động hoặc công nhận cho các hoạt động tôn giáo, tổ chức tôn giáo là khá phổ biến, bởi thực tế chưa có quy chế pháp lý và cán bộ đủ năng lực để có thể phân biệt rạch ròi đâu là tổ chức hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, đâu là tổ chức, hoạt động mê tín, dị đoan.

Quá trình thẩm định hồ sơ xin chia, tách tổ chức tôn giáo trực thuộc của chính quyền nhiều địa phương cũng còn nhiều bất cập. Theo quy định của pháp luật, tổ chức tôn giáo có số lượng tín đồ đông, địa bàn hoạt động khó quản lý thì được phép nộp hồ sơ xin chia tách, nhưng lại chưa có hướng dẫn cụ thể về số lượng tín đồ, và địa bàn hoạt động khó quản lý; đồng thời pháp luật cũng chưa có quy định cụ thể về chủ thể nào của tổ chức tôn giáo sẽ chịu trách nhiệm trong quá trình xin phép chia, tách, nên nhiều địa phương đã trả lại hồ sơ và từ chối xem xét việc cho phép tổ chức tôn giáo chia, tách.

Việc xác định thế nào là tổ chức tôn giáo trực thuộc hiện nay cũng chưa thống nhất. Một số tổ chức tôn giáo thấy không cần đăng ký chia tách thành lập với tổ chức tôn giáo trực thuộc với chính quyền địa phương.

Việc vận dụng, thực thi pháp luật không thống nhất từ phía các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã ảnh hưởng đến quyền lợi của các cá nhân, tổ chức hoạt động tôn giáo. Có sự thiếu thống nhất giữa các địa phương trong quá trình thực hiện hoạt động cấp đăng ký, công nhận tổ chức tôn giáo. Chẳng hạn có địa phương yêu cầu tổ chức tôn giáo hoặc dòng tu cấp cơ sở phải đăng ký hoạt động trước với chính quyển từng địa phương nơi tổ chức tôn giáo cơ sở hoặc các cơ sở của dòng đó hoạt động, sau đó mới đến tổ chức tôn giáo cấp toàn đạo hay toàn dòng đăng ký hoạt động tôn giáo và xin công nhận về mặt tổ chức. Lại có địa phương yêu cầu ngược lại, tức là tổ chức toàn đạo hoặc dòng đăng ký tổ chức và hoạt động trước, sau đó mới đến tổ chức tôn giáo cấp cơ sở và cơ sở dòng.

Ngay cả quy trình cho đăng ký, công nhận, cùng quy định số lượng tín đồ của tổ chức tôn giáo là bao nhiêu thì được phép đăng ký tôn giáo cũng chưa pháp luật quy định một cách rõ ràng, nên các địa phương thực hiện cũng không giống nhau trong quá trình cấp xét đăng ký.

Có những trường hợp thời gian giải quyết các vấn đề liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo bị kéo dài, không đúng với quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân.

Những hạn chế nêu trên có nguyên nhân từ sự bất hợp lý của pháp luật. Cụ thể, có nhiều trường hợp đáng ra nên quy định cho cơ quan có thẩm quyền ở cấp hành chính thấp hơn giải quyết thì dễ đảm bảo về mặt thời gian, tuy nhiên pháp luật hiện hành lại giao cho cấp hành chính cấp trên. Do các cơ quan cấp trên không quản lý hành chính trực tiếp và khó thực hiện công việc thẩm định ngay vì những cách biệt về khoảng cách địa lý nên việc giải quyết các thủ tục thường bị chậm trễ.

Mặt khác, những hạn chế nêu trên còn xuất phát từ nhận thức, ý thức của những chủ thể làm công tác quản lý, cụ thể là còn định kiến với tôn giáo, có thái độ coi việc thực hành tín ngưỡng, tôn giáo là hoạt động có thể gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến công tác quản lý của chính quyền.

Quá trình mở hội nhập với các quy định mới của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng là cơ hội các tổ chức tôn giáo, cá nhân người nước ngoài tăng cường hoạt động nhân đạo, từ thiện, tham gia các lĩnh vực y tế, giáo dục, qua đó để củng cố tổ chức, truyền bá đức tin vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số gây nhiều khó khăn, áp lực đối với chính quyền địa phương khi giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo. Điều này có thể tạo ra những dư luận, sự bất đồng về việc nhìn nhận thực thi quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, sự gia tăng số lượng lớn các “hiện tượng tôn giáo mới”, các điểm nhóm sinh hoạt tôn giáo ngày càng phát triển dưới các hình thức kinh doanh, khuyến mại du lịch, hội thảo chuyên đề y tế, sức khỏe, gia đình... để truyền đạo, phát triển tôn giáo.

Ngoài ra, bên cạnh việc ghi nhận chính sách tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhiều trang tin nước ngoài cũng như các báo cáo về nhân quyền tôn giáo Việt Nam đã không phản ánh hết thực trạng, thậm chí sai sự thật. Một số đối tượng có thái độ thiếu thiện chí đã trên danh nghĩa “quyền tự do tôn giáo” để công kích chính sách của Đảng và Nhà nước ta, tạo các điểm nóng dư luận, gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa Nhà nước và tổ chức tôn giáo. Bởi lẽ, tự do tôn giáo trong khuôn khổ các quyền con người đã trở thành một giá trị phổ biến cơ bản của nhiều nước.

Tuy nhiên, nó lại trở thành một trong những vấn đề gây tranh cãi, thậm chí gay gắt ở các diễn đàn đa phương và trong nhiều mối quan hệ song phương. Cho dù có sự thống nhất tương đối về mặt ngôn ngữ, nhưng không có sự đồng thuận về bản chất và giới hạn của “quyền tự do tôn giáo”, cách áp dụng trong từng trường hợp cụ thể giữa các nước với các thể chế thế tục khác nhau. Chẳng hạn, tự do tôn giáo theo nghĩa là tự do niềm tin và tự do đi lễ trong cơ sở thờ tự được nhà nước công nhận thì quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam chẳng có vấn đề gì. Nhưng khi quyền tự do tôn giáo gắn với các hoạt động của tổ chức tôn giáo liên quan đến các vấn đề dân sự thì vẫn còn nhiều điểm cần trao đổi giữa các tổ chức tôn giáo và Nhà nước.

Tự do tôn giáo phải căn cứ trên luật pháp, văn hóa, phong tục của nước sở tại, trên cơ sở hài hòa lợi ích tôn giáo và lợi ích quốc gia, không thể áp dụng quyền tự do tôn giáo của nước này với một nước khác. Trên thực tế, vấn đề tự do tôn giáo có thể trở thành “vũ khí chính trị” để một quốc gia (thường là nước lớn) có thể phê phán, can dự vào chính sách tự do nhân quyền của các nước khác, hoặc tạo cớ để can thiệp vào nội bộ của quốc gia mà họ công kích. Dù vậy, chính thực tiễn sinh động về tự do tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay là minh chứng rõ ràng, và là câu trả lời thiết thực nhất cho mọi người biết đổi mới chính sách tôn giáo ở Việt Nam, với nhiều tiến bộ so với trước kia.

Những hạn chế nêu trên trong tương lai cần phải có những biện pháp khắc phục, để bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân ở Việt Nam theo đúng tinh thần Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm bảo đảm quyền con người.

TS Ngô Quốc Đông