Theo dõi Báo Thanh tra trên
TS Ngô Quốc Đông
Chủ nhật, 22/05/2022 - 07:00
(Thanh tra) - Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được biểu hiện một cách rõ nét qua các hình thức biểu đạt niềm tin. Mỗi một loại biểu đạt do nhiều văn bản pháp luật quy định, hợp thành các chế định của pháp luật trong hệ thống pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Chiều 14/5, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã thăm, chúc mừng Hòa thượng Thích Thanh Từ, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Thiền viện Thường Chiếu, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai nhân Đại lễ Phật đản năm 2022. Ảnh: Tư liệu Báo Thanh tra
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được thông qua tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV ngày 18/11/2016, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 đã thể chế Hiến pháp 2013 về quyền con người trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Sự ra đời của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, qua đó bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, đổng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Điều 6. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người:
“1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.
2. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.
3. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.
4. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.
5. Người bị tạm giữ, người bị tạm giam treo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.
6. Chính phủ quy định chi tiết việc bảo đảm thực hiện các quyền quy định tại Khoản 5 điều này”.
Chính Điều 6 không chỉ quy định việc tăng cường trách nhiệm của cơ quan Nhà nước đối với đối tượng được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo mà còn mở rộng các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho tổ chức, cá nhân.
Mở rộng chủ thể và phạm vi của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được biểu hiện một cách rõ nét qua các hình thức biểu đạt niềm tin. Mỗi một loại biểu đạt do nhiều văn bản pháp luật quy định, hợp thành các chế định của pháp luật trong hệ thống pháp luật về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Khoản 1 Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Như vậy, luật đã mở rộng phạm vi chủ thể của quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, từ “công dân” thành “mọi người”, thể hiện đúng bản chất quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền con người theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Trong luật chúng ta cũng thấy các chủ thể được thụ hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo rất đa dạng, đó là: “Mọi người”; “mỗi người”; người chưa thành niên; chức sắc, chức việc, nhà tu hành; người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc và người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam.
Tuỳ theo vị thế của từng loại chủ thể, có thể sẽ cẩn áp dụng các biện pháp đặc thù để bảo đảm đầy đủ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của họ. Cụ thể, luật quy định như sau:
Đối với mỗi người, luật quy định có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng vê tôn giáo [1].
Đối với người chưa thành niên, luật quy định có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, với điều kiện phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý[2].
Đối với chức sắc, chức việc, nhà tu hành, luật quy định có quyền bình đẳng trong thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp, không phân biệt đó là người của tôn giáo nào[3].
Đối với người đại diện, ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ và các tổ chức, cá nhân khác có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, luật quy định có quyền khiếu nại, khởi kiện vụ án hành chính, khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật có liên quan; cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc (người bị quản lý, giam giữ), luật quy định có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.[4]
Đây là một quy định mới của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, thể hiện tính nhân văn sâu sắc cũng như trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của những người vi phạm pháp luật.
Liên quan đến nội dung trên, Điều 4 Nghị định số 162/2017/ NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã quy định: Người bị quản lý, giam giữ được sử dụng kinh sách xuất bản dưới hình thức sách in, phát hành hợp pháp để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân; được thể hiện niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo bằng lời nói hoặc hành vi của cá nhân theo quy định của pháp luật về nhà tạm giữ, trại tạm giam, trại giam, trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Ngoài ra, nghị định quy định việc sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo không được làm ảnh hưởng đến quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của người khác, không trái với quy định của pháp luật có liên quan.
Để đảm bảo các quy định này được hiện thực hóa, nghị định giao cho các bộ, ngành liên quan gồm Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn cách thức quản lý kinh sách, thời gian, địa điểm sử dụng kinh sách và bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo cho người bị quản lý, giam giữ tại cơ sở quản lý, giam giữ.
Mở rộng quyền tự do tôn giáo tới người nước ngoài cư trú tại Việt Nam
Khác với trước đây, hiện nay người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam cũng được Nhà nước Việt Nam được tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo một cách bình đẳng như công dân Việt Nam.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã dành một điều tại Chương 2 quy định: “Người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”[5]. Quy định này chính là việc cụ thể hoá nguyên tắc xem quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo có tính phổ quát, không chỉ là quyền công dân mà còn là quyền của tất cả mọi người, không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi.
Luật đã bổ sung quy định cho phép người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo của tổ chức tôn giáo ở Việt Nam. Người nước ngoài cũng được tổ chức tôn giáo Việt Nam phong phẩm hoặc suy cử phẩm vị (chức sắc); được tập trung sinh hoạt tôn giáo riêng tại cơ sở tôn giáo hoặc tại địa điểm hợp pháp khác ở Việt Nam; được mời chức sắc, nhà tu hành là người Việt Nam hoặc người nước ngoài giảng đạo.
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được quy định bao gồm: Được Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; sinh hoạt tôn giáo, tham gia hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo; sử dụng địa điểm hợp pháp để sinh hoạt tôn giáo tập trung; mời chức sắc, chức việc, nhà tu hành là người Việt Nam thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo; mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài giảng đạo; vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo của tổ chức tôn giáo ở Việt Nam; mang theo xuất bản phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo để phục vụ nhu cầu sinh hoạt tôn giáo theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Đối với chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam ngoài các quyền trên còn có quyền được giảng đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác ở Việt Nam.
So với Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo trước đây, quy định nêu trên của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã mở rộng và phát triển quyền cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam có nhu cầu sinh hoạt tôn giáo. Thông qua quy định này, bên cạnh việc có thể tập trung sinh hoạt tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo của Việt Nam thì họ còn có thể tập trung sinh hoạt tôn giáo tại địa điểm hợp pháp khác[6].
Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài có quyền đến giảng đạo cho nhóm người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo trước đây cũng đã quy định việc giảng đạo của chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài tại Việt Nam, song phải thông qua tổ chức tôn giáo của Việt Nam mời.
Tuy nhiên, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo hiện nay quy định nhóm người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo tập trung được trực tiếp mời chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài đến giảng đạo cho họ khi có nhu cầu. Khi thực hiện quyền này, nhóm người nước ngoài có trách nhiệm gửi hồ sơ đề nghị theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của luật đến cơ quan quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở Trung ương. Chức sắc, nhà tu hành là người nước ngoài khi giảng đạo cho nhóm người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo tập trung phải tuân thủ quy định của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo ở Việt Nam và tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.
Việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam vừa là nghĩa vụ của Việt Nam trong việc tuân thủ công ước quốc tế về quyền con người, vừa là một điều kiện để Việt Nam hội nhập quốc tế thành công, đồng thời cũng chính là bảo đảm quyền cho những công dân Việt Nam đang sinh sống, làm việc hay hiện diện ở nước ngoài theo nguyên tắc có đi có lại.
Quyền của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc
Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo gắn liền với hoạt động của các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo. Điều đó là bởi niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo có thể được biểu đạt với tư cách cá nhân hoặc trong cộng đồng, ở nơi công cộng hoặc chỗ riêng tư, thông qua việc thờ cúng, tuân thủ nghi thức tôn giáo, thực hành giáo lý, truyền giảng...
Liên quan đến vấn đề trên, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định mở rộng việc đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung đối với cả tổ chức tôn giáo được công nhận, tổ chức tôn giáo được cấp đăng ký hoạt động, và cho cả cộng đồng tín đồ của các tôn giáo mới chưa được cấp đăng ký hoạt động. Điều này tạo điểu kiện cho việc hình thành cơ sở tôn giáo để tiến tới đăng ký và công nhận tổ chức tôn giáo (Điều 16).
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cũng có quy định mang tính nguyên tắc về các quyển của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, bao gổm: Hoạt động tôn giáo theo hiến chương, điều lệ và văn bản có nội dung tương tự của tổ chức tôn giáo; tổ chức sinh hoạt tôn giáo; xuất bản kinh sách và xuất bản phẩm khác về tôn giáo; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu văn hóa phẩm tôn giáo, đồ dùng tôn giáo; cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới cơ sở tôn giáo; nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho; các quyền khác theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan[7].
Luật quy định tổ chức tôn giáo được thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; chia, tách tổ chức tôn giáo trực thuộc thành nhiều tổ chức tôn giáo trực thuộc mới; sáp nhập tổ chức tôn giáo trực thuộc vào một tổ chức tôn giáo trực thuộc khác; hợp nhất các tổ chức tôn giáo trực thuộc thành một tổ chức tôn giáo trực thuộc mới.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo lần đầu tiên xác nhận các tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại: “Tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận” (Điều 30). Đây cũng là một trong nhiều đề nghị của các tổ chức tôn giáo nêu ra trong quá trình soạn thảo luật và được Nhà nước tiếp thu. Tổ chức tôn giáo được đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyển cấp đăng ký pháp nhân phi thương mại cho tổ chức tôn giáo trực thuộc khi đáp ứng các điều kiện quy định tại các khoản 5 và 6 Điều 21 của luật. Để được công nhận tư cách pháp nhân cho các tổ chức tôn giáo, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo còn quy định các tổ chức tôn giáo phải xây dựng hiến chương hoặc văn bản điều lệ tương tự, trong đó xác định các yếu tố cần thiết của pháp nhân như: Tên gọi, tôn chỉ, mục đích, nguyên tắc hoạt động, cơ cấu tổ chức, tài chính tài sản, mối quan hệ trong đạo và ngoài xã hội.
Theo luật, tổ chức tôn giáo được thành lập cơ sở đào tạo tôn giáo khi đáp ứng đủ các điều kiện: Có cơ sở vật chất bảo đảm cho việc đào tạo; có địa điểm hợp pháp để đặt cơ sở đào tạo; có chương trình, nội dung đào tạo; có môn học vê lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam trong chương trình đào tạo; có nhân sự quản lý và giảng dạy đáp ứng yêu cầu đào tạo[8].
Ngoài ra, tổ chức tôn giáo được phong phẩm hoặc suy cử cho người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Điều 35 của luật quy định tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trước khi thuyên chuyển chức sắc, chức việc, nhà tu hành có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đến cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh nơi đi và nơi đến.
Nhìn chung, pháp luật hiện hành của Việt Nam, cụ thể là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã thể chế hóa quyền con người trong Hiến pháp 2013 qua việc thể chế các quyền tự do tôn giáo với cá nhân và tổ chức tôn giáo.
Ngoài những quy định mang tính nguyên tắc về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo như trên, luật còn quy định cụ thể về hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo của tổ chức, cá nhân, về pháp nhân của tổ chức tôn giáo, về quyền tham gia các hoạt động xã hội. Đặc biệt, luật đã quan tâm quyền được tập trung sinh hoạt tôn giáo không chỉ cho những người chưa có tổ chức tôn giáo mà còn bảo đảm cho tín đồ các tôn giáo ở những nơi chưa có tổ chức tôn giáo trực thuộc. Các quy định của luật đều hướng tới việc bảo đảm hơn nữa quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức thành viên trong việc tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Có thể nói, từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945 đến nay, các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam dù được ban hành bằng hình thức nào, trong hoàn cảnh lịch sử nào cũng đều nhằm hướng tới việc hoàn thiện pháp luật trong việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, một trong những quyền cơ bản của con người.
------------------
[1] Khoản 2, khoản 3 Điều 6, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo
[2] Khoản 3, Điều 6, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo
[3] Khoản 4, Điều 6, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo
[4] Khoản 5, Điều 6, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo
[5] Khoản 1, Điều 8, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
[6] Khoán 15, Điều 2, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
[7] Điều 7, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
[8] Điều 37, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Tags
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Hạn mức đất giao cho tổ chức tôn giáo trên địa bàn TP HCM từ 1.000-5.000 m2 tùy địa phương.
Uyên Uyên
12:19 12/10/2024(Thanh tra) - Sáng 19/5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế chùa Tam Chúc đã diễn ra các nghi thức trang trọng của Đại lễ Phật đản (Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024).
Trà Vân
18:58 19/05/2024Trà Vân
22:32 02/03/2024Trà Vân
23:53 23/06/2023Trà Vân
09:07 28/05/2023Trà Vân
11:20 31/12/2022Trần Kiên
Bùi Bình
Hải Hà
Phương Anh
Lê Phương
Văn Thanh
Chính Bình
Theo VietinBank
Theo EVNNPC
Theo VietinBank
Thu Hương
Theo EVNNPC