Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đặc điểm tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và định hướng chính sách

TS Ngô Đồng

Thứ năm, 16/06/2022 - 07:00

(Thanh tra) - Từ khi đổi mới chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước đến nay, số người mới theo đạo Công giáo, nhất là theo đạo Tin lành chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa vẫn diễn ra. Ở Tây Nguyên, những nơi có nhiều đồng bào theo đạo là những khu căn cứ cũ dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc là các bản làng vùng cao xa xôi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thành phần cải đạo sang Tin lành, Phật giáo, Công giáo không chỉ riêng quần chúng đồng bào dân tộc thiểu số mà mở rộng ra những thành phần dân cư khác như những người có quá trình gắn bó với cách mạng, những cán bộ, đảng viên, thậm chí có cấp uỷ viên, cán bộ chính quyền đoàn thể. Chẳng hạn có trường hợp có hầu hết đảng viên ở một chi bộ theo đạo Tin lành.

Đạo Công giáo, nhất là đạo Tin lành phát triển với tốc độ rất nhanh trở thành một phong trào trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đến nay đã chững lại sau khi các địa phương triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về kinh tế, văn hóa, xã hội và tôn giáo. Tuy nhiên, ở các tỉnh Tây Nguyên, đến nay đạo Tin lành đã tăng gần gấp 10 lần so với năm 1975, ở Tây Bắc, đạo Tin lành đã là một thực thể trong người Hmông và lan sang một số dân tộc: Dao, Tày, Nùng, Thái...

Trước khi bình thường hóa vấn đề Tin lành việc truyền bá tôn giáo này trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều hoạt động trái phép và được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Trước hết là những hoạt động truyền giáo từ bên ngoài (Philippines, Hồng Kông, Thái Lan, Lào, Trung Quốc), qua các phương tiện như: Đài phát thanh, băng cassette, Kinh thánh - gọi là truyền giáo gián tiếp. Việc truyền đạo gián tiếp này được hỗ trợ từ lực lượng bên trong - gọi là truyền giáo trực tiếp.

Đối với vùng Tây Nguyên, người truyền đạo trực tiếp là lực lượng tín đồ, giáo sĩ tại chỗ có từ trước năm 1975. Đối với vùng miền núi phía Bắc do Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Bắc) hỗ trợ. Cũng có sự hỗ trợ tác động của các tổ chức Tin lành nước ngoài vào hoạt động viện trợ ở Việt Nam.

Có nhiều nguyên nhân của việc một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số tin theo các tôn giáo trong thời gian vừa qua. Đó là sự nghèo đói, đời sống kinh tế gặp khó khăn, là niềm tin vào chế độ bị giảm đi khi có các biến động chính trị Đông Âu và Liên Xô sụp đổ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, sau đó là nhiều tiêu cực xã hội xẩy ra ở Việt Nam.

Ngoài ra, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số theo tôn giáo là do hệ thống chính quyền ở cơ sở yếu và thiếu, là sự suy thóa, mất uy tín của tín ngưỡng truyền thống với nhiều hủ tục lạc hậu tạo khoảng trống về tâm linh...

Nói tóm lại, là tập hợp nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, nhưng trong đó cũng phải kể đến sự phát triển của truyền thông và môi trường toàn cầu hóa.

Ở giai đoạn đầu việc truyền đạo trái phép và một số đông đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành đã gây ra những tác động tiêu cực về chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, tư tưởng như: Sự đình trệ sản xuất, gây mất đoàn kết trong gia đình, họ hàng, làng bản... gây rối trật tự an toàn xã hội. Ở một số nơi, bọn xấu lợi dụng tuyên truyền mê tín dị đoan để làm tiền, hoặc tuyên truyền xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Bên cạnh những tác động tiêu cực, đạo Tin lành ở vùng đồng Hmông cũng đưa đến những ảnh hưởng tích cực về tập quán lối sống. Điều đáng quan tâm là, với thời gian, nhất là khi Chính phủ có những chính sách đúng đắn đối với tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Chỉ thị số 01/CT-TTg năm 2005 về một số công tác đối với đạo Tin lành hay Thông báo 224/TB-VPCP năm 2004 về công tác với Phật giáo Nam tông Khmer... tình hình tôn giáo trong vùng dân tộc thiểu số đi đến sự ổn định. Ở những vùng đạo Tin lành mới thâm nhập, những tác động tiêu cực giảm đi, trong khi các tác động tích cực ngày càng bộc lộ rõ, nhất là những nơi đạo Tin lành đã hoạt động ổn định.

Định hướng chính sách

Tôn giáo hoạt động mở rộng ra vùng đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những tình hình nổi bật trong tình hình tôn giáo ở Việt Nam thời kỳ đổi mới. Đây cũng là một trong những biến động tiêu biểu của tôn giáo Việt Nam trước ảnh hưởng của toàn cầu hóa. Do vậy trong chính sách đối với tôn giáo vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần chú ý một số điểm sau:

1. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo, tạo điều kiện thuận lợi cho giáo hội hoạt động trong khuôn khổ pháp luật

Hệ thống pháp luật là công cụ pháp lý quan trọng để đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, giúp các cơ quan Nhà nước nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý đối với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo.

Những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật đã từng bước cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng đối với công tác tôn giáo, thể hiện rõ tinh thần dân chủ đối với hoạt động tôn giáo, đáp ứng yêu cầu của cải cách hành chính trong quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, đồng thời đảm bảo được tính tương thích của luật pháp quốc tế điều chỉnh về quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đặc biệt là những điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia, ký kết hoặc gia nhập.

Trên thực tế, còn không ít những khó khăn, tồn tại, vướng mắc giữa chính quyền với các tổ chức giáo hội một số tôn giáo trong vùng dân tộc thiểu số, nhất là trong việc quản lý và điều chỉnh các hoạt động tôn giáo. Trong đó, có một nguyên nhân cơ bản là hệ thống chính sách, pháp luật về tôn giáo của Nhà nước, nhất là pháp luật về đất đai, cơ sở thờ tự, hoạt động tôn giáo ngoài cơ sở thờ tự... chưa đầy đủ, hoặc qua các giai đoạn đã có nhiều thay đổi, biến động, chưa đồng bộ, chậm được thể chế, chưa bắt kịp với thực tế đời sống tôn giáo đang diễn ra.

Vì vậy, trong quá trình giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo, còn có sự lúng túng, tùy tiện, thiếu thống nhất giữa các cấp, các ngành, các địa phương; đồng thời còn nhiều kẻ hỡ để chức sắc và giáo dân lợi dụng, vi phạm pháp luật. Đơn cử, pháp luật về đất đai không cho phép cơ sở tôn giáo nhận chuyển nhượng, hiến tặng quyền sử dụng đất, trong khi đó các địa phương chưa có quy hoạch hoặc quy hoạch rất hạn chế quỹ đất phục vụ mục đích tôn giáo, dẫn tới khó khăn cho việc xây dựng mới cơ sở thờ tự để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo.

Do đó, ở các một số vùng dân tộc thiếu số các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc có tình trạng tổ chức tôn giáo tìm cách né tránh pháp luật, âm thầm vận động tín đồ hiến tặng, chuyển nhượng nhà, đất trái phép để sử dụng vào mục đích tôn giáo. Vì vậy, về lâu dài cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng hoàn thiện các văn bản pháp luật về tôn giáo, đồng thời bổ sung kịp thời những chính sách, quy định phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng địa phương, làm cơ sở để tăng cường quản lý hoạt động tôn giáo.

Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tôn giáo trong đồng bào dân tộc thiểu số theo tôn giáo và cả hệ thống làm công tác tôn giáo, để vừa thống nhất nhận thức trong hệ thống chính trị, vừa làm cho đồng bào dân tộc theo đạo ngày càng hiểu đúng các quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Tăng cường công tác phổ biến chính sách, pháp luật cho đồng bào theo đạo vùng dân tộc thiểu số, bảo đảm tốt thông tin hai chiều, thường xuyên lắng nghe ý kiến của chức sắc, chức việc, tín đồ trong quá trình giải quyết những vấn đề vướng mắc, nảy sinh của công tác tôn giáo.

2. Củng cố lòng tin, tăng cường mối quan hệ giữa chính quyền với giáo hội các tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thực tế là, trong nhiều năm qua, do sự tác động của ý thức hệ nên một số chức sắc, người đứng đầu một số tổ chức tôn giáo ở các tỉnh vùng cao nguyên, miền núi còn có thái độ thiếu tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; còn tâm lý mặc cảm, bảo thủ, thậm chí cực đoan, chống đối, nhìn nhận chính quyền với thái độ thiếu thiện chí.

Ngược lại, từ phía Đảng và chính quyền địa phương, có lúc, có nơi cán bộ nhìn nhận tôn giáo thiếu thiện chí, chưa đi sâu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của giáo hội, chức sắc, nhà tu hành; chưa tranh thủ, phát huy tinh thần yêu nước và ý thức chấp hành pháp luật của họ. Chính vì vậy, trong bối cảnh ngày càng đổi mới và dân chủ hiện nay, từ phía Đảng và chính quyền các cấp phải thực sự đổi mới quan điểm nhận thức, thái độ của cán bộ, đảng viên đối với đồng bào tôn giáo nhất là những người đứng đầu tổ chức tôn giáo. Cần thực sự quan tâm đến việc củng cố lòng tin, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa chính quyền với giáo hội, nhất là những nơi quan hệ còn những vấn đề căng thẳng.

Trong xử lý các vấn đề tôn giáo hàng ngày, cần phân biệt rạch ròi giữa đức tin và chính trị, giữa nhu cầu tôn giáo chính đáng của bà con giáo dân với một số ít có ý đồ lợi dụng. Cần tin tưởng vào tinh thần yêu nước, ý thức chấp hành pháp luật và khả năng tham gia đóng góp của chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo kể cả đồng bào Kinh và đồng bào các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

3. Chăm lo đầu tư phát triển kinh tế-xã hội các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo đạo

Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, theo đạo cần tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống cho đồng bào, nhất là ở những vùng đặc biệt khó khăn, xa xôi hẻo lánh. Trước mắt là đầu tư nguồn lực thỏa đáng để phát triển hạ tầng, thúc đẩy sản xuất, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc về thuỷ lợi, đường giao thông, điện thắp sáng, nhà ở, nước sinh hoạt.

Huy động các dự án, chương trình mục tiêu để đầu tư phát triển sản xuất, tổ chức lại sản xuất; chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ khó khăn, tiếp tục giải quyết đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số; triển khai chính sách thay thế đất sản xuất bằng việc hỗ trợ chăn nuôi, phát triển ngành nghề ở những nơi không còn đất; tăng cường việc giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng buôn làng.

Tiếp tục rà soát, quy hoạch và có chủ trương, chính sách phát triển nghề rừng, đưa nghề rừng thành một ngành chính nhằm thu hút lao động, giải quyết việc làm cho đồng bào.

Bên cạnh cần hết sức chú ý đến vấn đề văn hoá, xã hội, nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số, bởi đây cũng là điều kiện để góp phần giải quyết vấn đề tôn giáo cả trước mắt cũng như lâu dài. Chính quyền nên phối hợp với các chức sắc tôn giáo để đưa vấn đề khôi phục, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số thành một tiêu chí.

Khuyến khích việc gìn giữ các di sản vật thể và phi vật thể của dân tộc, qua đó khuyến khích đồng bào phát huy lòng tự hào về nền văn hóa truyền thống của mình.

Vận dụng những giá trị tốt đẹp của văn hoá dân tộc vào cuộc sống; thông qua đó xây dựng quy ước buôn làng, phát huy luật tục trong việc phòng chống các tệ nạn xã hội, bảo vệ sự cố kết cộng đồng; phát huy tinh thần dân chủ, bình đẳng, tương thân tương ái, không ngừng củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Xem thêm