Theo dõi Báo Thanh tra trên
Hồng Vân
Thứ bảy, 29/01/2022 - 22:14
(Thanh tra) - Các gia đình người Dao trong các bản làng chia thời gian tổ chức ăn tất niên từ rằm tháng Chạp để tránh trùng nhau. Nhà nào cũng nuôi lợn, nuôi gà để mời bà con dân làng trong không khí tươi vui, phấn khởi.
Các già làng dạy chữ Nho cho con cháu trong dịp Tết
Từ rằm tháng Chạp, các gia đình trong các bản làng người Dao, xã Mỏ Vàng (Văn Yên, Yên Bái) tập trung dọn dẹp cửa nhà, chuẩn bị lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm để dùng trong những ngày Tết. Sau đó chọn ngày đẹp để làm cơm cúng tổ tiên.
Để chuẩn bị cho lễ cúng tất niên, đàn ông trong bản giúp nhau mổ lợn, làm cỗ từ nhà này đến nhà khác. Phụ nữ thì lo thổi xôi giã bánh dày, gói bánh chưng đen. Với hàm ý “trời tròn đất vuông”, bánh dày được coi như linh hồn trong lễ cúng tổ tiên ngày Tết của đồng bào Dao đỏ nên được chuẩn bị rất chu đáo.
Theo phong tục của người Dao, xã Mỏ Vàng, lễ cúng tất niên gồm có 3 thầy cúng với 3 mâm lễ khác nhau, người trong gia đình hay dòng họ dù có là thầy cúng được cấp sắc 12 đèn cũng không được tự cúng cho gia đình mà phải nhờ thầy khác trong làng cúng hộ. Bàn thờ tổ tiên của người Dao được đặt ở trên cao, góc trái gian chính nhà. Lễ vật dâng cúng trên ban thờ tổ tiên gồm 1 con gà trống luộc cả con, số bánh dày tùy thuộc vào số đời của từng dòng họ, 5 chén rượu và 1 chén nước. 2 chiếc bàn nhỏ hơn đặt dưới ban thờ tổ tiên (là bậc thấp hơn để cúng ma nhà), lễ vật gồm 1 con lợn được mổ sạch để nguyên cả con, bánh dày và một số lễ vật khác.
Với quan niệm, tổ tiên sẽ trở về để đoàn tụ, đón Tết cùng gia đình, thay vì mua tiền vàng mã, con cháu trong nhà chuẩn bị từng xấp giấy màu trắng, được làm từ giấy dó, sau đó đóng dấu bằng con dấu riêng của dòng họ để tổ tiên có “lộ phí” về nhà. Hương để đốt trên bàn thờ là vỏ cây hương rừng phơi khô có mùi thơm rất đặc biệt.
Khi mọi đồ lễ đã được chuẩn bị xong, thầy cúng thay mặt gia chủ tạ ơn thần linh, tổ tiên và những người đã khuất trong dòng họ đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa để mùa màng tươi tốt, lúa thóc đầy bồ, quế đầy nương, lợn gà đầy chuồng, gia đình, dòng họ được mạnh khỏe, con cháu học hành tiến bộ, mời tổ tiên, gia tiên và những người đã khuất về ăn Tết với gia đình, đồng thời làm lễ thay áo mới cho các đồ thờ với những nghi thức huyền bí, thiêng liêng.
Với người Dao, xã Mỏ Vàng, Tết không chỉ là dịp ăn ngon, mặc đẹp, được nghỉ ngơi, mà ngày Tết còn để gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, dòng tộc và cả cộng đồng làng xã. Vì vậy bữa cơm tất niên được coi là ấm cúng nhất trong năm, có đầy đủ các thành viên trong gia đình và bà con dân bản. Các gia đình người Dao trong các bản làng cũng chia ra thời gian tổ chức ăn tất niên từ rằm tháng Chạp để tránh tổ chức trùng nhau. Nhà nào cũng nuôi lợn, nuôi gà để mời bà con dân làng trong không khí tươi vui, phấn khởi. Mọi người cùng uống rượu và hát Páo dung, chúc tụng cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất.
Để giữ gìn văn hóa của cha ông, mỗi dịp Tết đến, Xuân về, các thầy cúng và già làng thường dạy chữ Nho cho con cháu ngay tại nhà mình. Việc dạy chữ vừa thể hiện truyền thống hiếu học, vừa thể hiện vai trò trách nhiệm của những người lớn tuổi đối với thế hệ trẻ để chữ viết, văn hóa của dân tộc Dao mãi được gìn giữ và phát huy. Tết đến, Xuân về cũng là dịp để chị em phụ nữ Dao Mỏ Vàng được khoe những bộ quần áo mới do chính mình thêu thùa. Bằng sự khéo léo của đôi bàn tay, người phụ nữ dân tộc Dao đỏ đã dệt nên những bộ trang phục cầu kỳ với từng đường kim, mũi chỉ, hoa văn, họa tiết đẹp mắt. Vậy nên ngay từ nhỏ, các bé gái Dao đã được các bà, các mẹ dạy thêu thùa để có thể tự thêu quần áo cho mình. Đặc biệt trong dịp đầu năm mới, những em gái được bà và mẹ dạy cho cách mua chỉ thêu, chọn vải, dạy cho từng đường kim, mũi chỉ để gìn giữ trang phục truyền thống, dạy các em những làn điệu Páo dung, để thế hệ trẻ thêm hiểu, thêm yêu và thêm tự hào với bản sắc của dân tộc mình.
Nằm cách trung tâm huyện 50 km, xã Mỏ Vàng có trên 1 nghìn hộ dân với gần 5 nghìn nhân khẩu, trong đó 99% là người dân tộc thiểu số, người Dao đỏ chiếm 62%. Đây cũng là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Văn Yên. Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, xã Mỏ Vàng đã được đầu tư điện, đường, trường, trạm khang trang, đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhu cầu học tập của con em. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” năm 2021, xã Mỏ Vàng được huyện đầu tư kiên cố hoá 9 tuyến đường thôn bản với tổng chiều dài trên 5,5 km; mở mới tuyến đường liên xã với chiều dài gần 6 km, trong đó nhân dân xã Mỏ Vàng đã đóng góp trên 1,2 tỷ đồng, tự nguyện hiến trên 60 nghìn m2 đất, gần 20 nghìn cây quế trị giá trên 6 tỷ đồng. Song song với ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông, công tác xoá đói, giảm nghèo được Đảng bộ, chính quyền đặt lên hàng đầu. Cùng với giúp đỡ hộ nghèo về vốn, giống, năm 2021 xã Mỏ Vàng đã huy động mọi nguồn lực xã hội làm nhà cho 14 hộ nghèo với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Dao nơi đây ngày một đổi thay và đi vào ổn định. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng quế nên năm 2021, xã Mỏ Vàng có 32 hộ thoát nghèo, trong đó có 11 hộ gia đình làm đơn tự nguyện xin thoát nghèo, số hộ khá giàu tăng lên.
Đồng chí Phí Hùng Sơn, Bí thư Đảng ủy xã Mỏ Vàng cho hay: Bên cạnh làm tốt công tác chỉ đạo người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế, đoàn kết, xây dựng bản làng no ấm, hạnh phúc, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, vui đón tết cổ truyền dân tộc trên cơ sở tiết kiệm và lành mạnh; tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của các dân tộc tại địa phương.
Mùa Xuân về, khép lại những lo toan bộn bề của cuộc sống, tạm gác lại những tháng ngày cần mẫn, cặm cụi với nương quế, nương ngô, người Dao, xã Mỏ Vàng lại tổ chức đón Tết theo cách riêng của mình. Đó cũng là niềm tin, ước vọng cho cuộc sống tươi đẹp, niềm tự hào về nét văn hóa độc đáo của dân tộc đã được gìn giữ qua bao đời nay./.
Ý kiến bình luận:
Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!
(Thanh tra) - Ngày 23/11, tại thị xã Cửa Lò, Uỷ ban Dân tộc Chính phủ phối hợp tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo, toạ đàm triển khai Quyết định 1220/QĐ-TTg của Chính phủ về đề án “Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc cho công chức trong các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, giai đoạn 2025 – 2030”.
Lợi Châu
19:47 23/11/2024(Thanh tra) - Ở các huyện miền Tây của tỉnh Nghệ An và các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiều người biết đến ông Sầm Văn Bình, trú tại bản Yên Luốm, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An là bởi lâu nay ông được mệnh danh là “nhà Thái học” với rất nhiều thành công trong lĩnh vực nghiên cứu, biên soạn, tổ chức dạy và học chữ Thái Lai Tay. Không những thế, ông còn sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, văn học dân tộc Thái và có gần hai chục đầu sách có giá trị.
Thảo Nguyên - Anh Mạnh
19:52 23/10/2024Minh Tân - Vũ Linh
08:00 30/07/2024Nam Dũng
21:12 09/12/2023Nam Dũng
11:57 16/11/2023Nam Dũng
22:09 08/11/2023Theo VietinBank
Liên Hương
Thu Nga
Trung Hà
Bùi Bình
Bùi Bình
Trung Hà
Trung Hà
Trần Kiên