Xâm hại trẻ em khoác vỏ bọc văn hoá

Từ điểm cầu Bình Dương, đại biểu Phạm Trọng Nhân nói, “có lẽ chưa bao giờ bức tranh về thực trạng xâm hại trẻ em được nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện với nhiều sắc thái, cung bậc cảm xúc, từ cảm thông, giận dữ cho đến đau đớn”.

Theo ĐB đoàn Bình Dương, bên cạnh “lăng kính” về các vụ xâm hại được đưa ra công luận, xử lý, còn có một “vỏ bọc” khác được khoác lên mình mang tên văn hoá.

“Khi cậu bé mới 4 tuổi òa khóc vì không đạt giải nhất trong game show “Biệt tài tí hon” thì có người xem nào đặt câu hỏi liệu ở đây ai đã có hành vi xâm hại trẻ em”, ông Nhân nói.

Và thực tế, những chương trình game show thiếu nhi tương tự hiện quá nhiều, trò chơi nào dường như cũng có phiên bản nhí cho thấy các nhà đài, đơn vị sản xuất bất chấp mọi sự đánh đổi vì lợi nhuận, biến rất nhiều trẻ trở thành “con rối”.

“Nhìn những giọt nước mắt khi bị loại khỏi cuộc chơi hay những lúc căng như dây đàn mong đến lượt biểu diễn và chờ nghe kết quả thì tội tình gì để những đứa trẻ phải chịu áp lực. Ngay cả phụ huynh còn phải bật khóc tức tưởi sau cánh gà. Đâu là tình thương và đâu là sự bất nhẫn của người lớn đối với những tâm hồn của những đứa trẻ chỉ mới lên 5, lên 6 tuổi”, ĐB day dứt.

Ông Nhân cũng nhắc đến tác phẩm điện ảnh có cảnh “nóng” của bé gái 13 tuổi. Theo ông, đây là một điển hình cho lớp vỏ của văn hóa.

“Một cô bé 13 tuổi chưa thể nào nhận thức hết những nguy hiểm của hành vi đó. Nhưng chắc chắn một điều cả ê kíp sản xuất và người thân của cô bé không phải là những đứa trẻ vị thành niên thì những hành vi trên là gì khi tình cảm, tâm lý, danh dự và nhân phẩm của đứa trẻ có thể bị tổn hại”.

Từ đó, theo ĐB, chúng ta căm phẫn với những con số trong báo cáo, nhưng cũng rất mừng vì qua giám sát lần này cho người lớn một cơ hội nhìn lại cách mà chúng ta đang đối xử với trẻ em.

“Các con chính là chìa khóa để mở cánh cửa vận mệnh của tương lai đất nước. Đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau hành động để giữ búp luôn được trên cành, trả lại môi trường an lành và đẹp đẽ cho con em chúng ta”, ông Nhân phát biểu.

“Hình ảnh xâm hại có thể theo các em suốt cuộc đời”

ĐB Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) thì nêu lên vấn đề mới là trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.

leftcenterrightdel
 ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ. Ảnh: CTV

“Mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng, với hầu hết là các hình ảnh bạo lực, xâm hại tình dục.

Kết quả khảo sát cho thấy cứ 4 trẻ được khảo sát thì có 1 trẻ chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội, 1/3 số trẻ cho biết từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng và số trẻ em gái bị bắt nạt thì cao gấp 3 lần số trẻ em nam”, bà Thuỷ dẫn những con số lo ngại.

Mánh khóe để xâm hại trẻ trên môi trường mạng của các đối tượng được nữ ĐB khái quát là tạo các phòng “chat” ảo để thả tin nhắn làm quen. Với “lốt” người có học thức, cuộc sống khá giả, hiểu tâm lý để tạo tin cậy với trẻ. Từ đó, dụ dỗ, lôi kéo trẻ xem phim khiêu dâm, để trẻ chụp ảnh cơ thể gửi qua lại…

Điển hình như vụ án Bảo Anh cùng các đồng phạm tại TP Hồ Chí Minh đã dụ dỗ các trẻ em cởi bỏ quần áo, chụp ảnh khiêu dâm để chúng kinh doanh, người xem phải trả phí.

Hay vụ án xảy ra tại Đà Nẵng, với thủ đoạn đăng tin cần tuyển lao động với mức lương cao trên mạng xã hội, 5 đối tượng đã tiếp cận bé gái 15 tuổi, sau đó là cho tiền, dụ dỗ em biểu diễn tình dục và live stream phát trực tiếp trên mạng xã hội có thu phí.

“Xâm hại trẻ em trên môi trường mạng để lại hậu quả lớn hơn rất nhiều so với các vụ xâm hại ở ngoài xã hội. Nếu như các vụ xâm hại ở ngoài xã hội thì chỉ một vài người chứng kiến, nhưng nếu việc xâm hại bị đưa lên mạng thì hình ảnh xâm hại có thể theo các em suốt cuộc đời”, bà Thuỷ nói.

Từ  đó, bà Thuỷ đề nghị, các bậc phụ huynh dành sự quan tâm thỏa đáng để hướng dẫn cho con sử dụng mạng an toàn; Bộ Giáo dục Đào tạo đưa nội dung giảng dạy về an toàn trên môi trường mạng vào giờ học tin học.

Cùng với đó, Bộ Công an thông tin đầy đủ các phương thức, thủ đoạn của tội phạm này để trẻ em và gia đình đề cao cảnh giác, đồng thời đề nghị tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để phòng ngừa, phát hiện từ sớm.

Đề nghị “thiến hóa học” kẻ xâm hại trẻ em

Từ điểm cầu Quảng Bình, theo nhận định của ĐB Nguyễn Ngọc Phương, nhiều vụ xâm hại trẻ em để lại hậu quả nghiêm trọng khiến trẻ tự tử, trẻ tự làm hại mình. Trong khi, nhiều quy định pháp luật chưa rõ ràng như tội ấu dâm, chưa có phòng xử án riêng.

leftcenterrightdel
 ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương. Ảnh: TN

Để răn đe và nghiêm trị, ĐB đề nghị cần “thiến hóa học” kẻ xâm hại để ngăn ngừa loại đối tượng này. Theo ông, việc “thiến hóa học” này được nhiều nước trên thế giới đã làm và có hiệu quả. Đồng thời, Luật Giám định tư pháp cũng cần quy định rõ về xâm hại trẻ em là loại giám định đặc biệt.

Ông cũng đề nghị các phương tiện truyền thông và cộng đồng khi đưa tin, nêu về các trường hợp trẻ em bị xâm hại tránh nêu tên, tuổi, địa chỉ cụ thể vì sẽ gây tổn thương lâu dài, ảnh hưởng đến tương lai của nạn nhân bị xâm hại.

ĐB Ksor H’Bơ Khăp (Gia Lai) nêu thực tế những con số công bố có thể chỉ là "tảng băng nổi'', diễn biến liên quan đến tội phạm xâm hại trẻ em ngày càng phức tạp. Theo nữ thiếu tá Công an, cần nhận diện về hành vi xâm hại trẻ em để xác định hướng bổ sung, hoàn thiện luật.

"Các hành vi quay lén, nhìn lén, bắt trẻ em nhìn vào bộ phận sinh dục trực tiếp hoặc qua mạng, khoe "của quý" ở nơi công cộng khá nhiều nhưng gần như không bị xử lý theo chế tài pháp luật... Các hành vi nói chuyện dâm ô hoặc dụ dỗ trẻ em không có quy định cụ thể nên hầu như không bị xử lý", ĐB nhấn mạnh.

Theo ĐB, quan trọng nhất là giáo dục nhận diện đúng, trang bị cho trẻ kỹ năng phòng chống xâm hại, hiện nay đang được tổ chức theo các lớp học ngắn hạn, còn ở trường học nhất là vùng nông thôn, vùng sâu xa, miền núi còn mang tính hình thức, đối phó.

"Cha mẹ, thầy cô giáo dục giới tính cho con em còn không dám nói đúng ngôn ngữ sinh học mà cứ nói “cái ấy, chỗ đó”, bản thân các em không được tiếp thu kiến thức, giới tính pháp luật, kỹ năng được dạy bảo chỉ là không được đi với người lạ, không được động vào người... Nhưng cuối cùng đa số vụ xâm hại từ người thân, người quen'', ĐB Gia Lai nêu thực tế.

Hương Giang