Chiều ngày 9/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc để cho ý kiến bước đầu về tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội và những vấn đề nổi lên trong quá trình lấy ý kiến nhân dân về Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Theo tiến độ, đến ngày 15/3, việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Đất đai sẽ kết thúc.

Ngày 25/3, các cơ quan phải hoàn thành báo cáo gửi về Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Sau đó, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án luật này tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4 và trình Quốc hội thảo luận lần 2 tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5) tới.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân báo cáo về tiến độ triển khai Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); việc rà soát, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội; những vấn đề nổi lên qua quá trình lấy ý kiến nhân dân.

Theo ông Ngân, đến nay 63/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã triển khai việc lấy ý kiến nhân dân đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Nhiều bộ, ngành mặc dù Nghị quyết số 170 của Chính phủ không yêu cầu nhưng cũng đã ban hành kế hoạch lấy ý kiến nhân dân để triển khai trong bộ, ngành mình và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Trên website lấy ý kiến nhân dân của cơ quan soạn thảo, chưa tính số liệu của các địa phương, đến ngày 6/3, đã có 7.873 lượt ý kiến góp ý của 768 tổ chức, cá nhân vào các nội dung của dự thảo.

Qua tổng hợp, các ý kiến góp ý tập trung vào các nhóm nội dung về thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phân cấp, giám sát, kiểm soát quyền lực; hộ gia đình sử dụng đất…

Tiếp thu sửa đổi luật phải lắng nghe, bám sát thực tiễn cuộc sống

Điều hành nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý dữ liệu nội dung từ việc lấy ý kiến nhân dân là rất lớn.

Theo ông, các cơ quan cần có sự phân định các nhóm vấn đề để có phương án tiếp thu, giải trình; lưu ý rà soát những nội dung, những vấn đề đã có kết luận của Trung ương thì không bàn lại, tránh làm phức tạp thêm vấn đề.

“Quá trình tiếp thu sửa đổi luật phải lắng nghe, bám sát thực tiễn cuộc sống”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nêu ý kiến sau đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, việc tổng hợp cần có sự phân tích theo nhiều khía cạnh khác nhau, bởi mỗi nhóm đối tượng lại quan tâm đến một số nhóm vấn đề nhất định.

Ông Hải đơn cử, qua kênh lấy ý kiến của Mặt trận Tổ quốc, người dân quan tâm đến giá đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất, các quyền về đất đai; nhóm các nhà khoa học quan tâm đến phương pháp tính giá, quan hệ đất đai; nhóm doanh nghiệp quan tâm đến thực hiện quyền, các chính sách đất đai, trả tiền thuê đất, thời hạn thuê đất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan của Quốc hội đề cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, không đợi kết thúc lấy ý kiến, chờ báo cáo của Chính phủ gửi sang mới xem xét, cho ý kiến mà cần sớm nghiên cứu vấn đề để có ý kiến về phương án tiếp thu giải trình.

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà. Ảnh: Đ.X

Tiếp thu các ý kiến, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đây là sản phẩm chung không phân biệt cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Chính phủ, điều quan trọng là định hướng cách xử lý, góp ý cụ thể, cùng nhau trao đổi, phản biện để đưa ra được phương án tối ưu.

Phó Thủ tướng cũng khẳng định, lấy ý kiến nhân dân cần được tiếp tục cho đến khi Quốc hội thông qua luật; việc nghiên cứu tiếp thu được tiến hành liên tục với tinh thần nghiêm túc nhất, khoa học nhất.

“Một bộ chủ trì đứng ra chèo chống là khó lắm, không làm nổi”

Kết luận nội dung làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp; các cơ quan của Quốc hội, trực tiếp là Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên.

“Đây là công việc chung, sự nghiệp chung, chúng ta phải cố gắng phối hợp để làm”, ông Vương Đình Huệ nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc lại đề xuất của Đảng đoàn Quốc hội với Ban Cán sự Đảng Chính phủ về việc cần huy động rộng rãi các bộ, ngành, các cấp tham gia vào quá trình hoàn thiện Dự án Luật để bảo đảm về chất lượng trình Quốc hội, bảo đảm luật ban hành ra thì vận hành thông suốt.

“Tránh trường hợp chỉ có một bộ chủ trì đứng ra chèo chống là khó lắm, không làm nổi. Tiến độ rất quan trọng nhưng chất lượng còn quan trọng hơn”, Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị các cơ quan tiến hành tổng hợp đến đâu nghiên cứu có phương án tiếp thu, giải trình đến đó.

Ông đặc biệt lưu ý, việc tổng hợp ý kiến, phân loại, tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý là hết sức quan trọng, không được làm hình thức, làm cho có.

“Tinh thần là phải cầu thị, tôn trọng mọi ý kiến góp ý của nhân dân, gạn đục khơi trong, không để bất cứ ý kiến nào của nhân dân không được giải trình, tiếp thu, cố gắng tổng hợp đầy đủ, toàn diện các ý kiến”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Ông Vương Đình Huệ cũng đề nghị, lựa chọn vấn đề lớn trọng tâm, quan trọng, còn có ý kiến khác nhau để tiếp tục tổ chức nghiên cứu, lấy ý kiến tọa đàm sâu hơn, kĩ hơn, nhất là các vấn đề về tài chính đất đai và giá đất.

“Các cơ quan phải hết sức nỗ lực, khẩn trương, làm việc không kể ngày đêm, “không phân biệt vai này, vai kia”, hết sức phối hợp hoạt động vì công việc chung, vì sự nghiệp chung", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo chương trình, Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua vào kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Hương Giang