Sáng ngày 17/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững”.

Đây là hội nghị trực tuyến toàn quốc với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp bất động sản, các ngân hàng.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm; phòng chống tham nhũng, tiêu cực và việc làm lành mạnh các thị trường được thực hiện tích cực…

Bên cạnh đó, tình hình kinh tế - xã hội cũng có một số vấn đề nổi lên, trong đó có vấn đề bất động sản, chúng ta đã và đang tìm cách xử lý.

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu điều hành bảo đảm cân bằng giữa lãi suất với lạm phát, giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khoá, giữa tăng trưởng với lạm phát, giữa tình hình trong nước và ngoài nước.

Với thị trường bất động sản, Thủ tướng đặt vấn đề, phải tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu, phải chăng điểm cân bằng này thể hiện qua giá cả. Ông đề nghị phân tích xem liệu giá cả bất động sản đã phù hợp với thu nhập chưa, có tình trạng lệch pha về cung cầu nhà đất không?

Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan, trung thực tình hình thị trường bất động sản, phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra mục tiêu, quan điểm điều hành, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện bảo đảm khả thi, hiệu quả.

Nguồn cung nhà ở khan hiếm 

Báo cáo gửi đến hội nghị, Bộ Xây dựng cho biết, nguồn cung nhà ở khan hiếm trong năm 2022 trong khi nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu, cơ cấu sản phẩm bất động sản bình dân giảm dần từ 20% xuống dưới 5%, số lượng dự án triển khai rất hạn chế.

Dư nợ tín dụng bất động sản trong năm 2022 gần 800.000 tỷ đồng. Cạnh đó, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản tính đến 12/2022 là khoảng 400.000 tỷ đồng.

Để tháo gỡ khó khăn, tổ công tác của Chính phủ đã làm việc với các địa phương, các doanh nghiệp, ghi nhận thực tế những vướng mắc. Từ đó, đã tổng hợp những khó khăn và khái quát thành bốn điểm quan trọng.

Thứ nhất, liên quan đến pháp luật về đất đai, điển hình là xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giao đất, đấu giá… đặc biệt là xác định đâu là giá đất thị trường (chiếm 50% vướng mắc của các dự án).

Thứ hai, liên quan đến đến pháp luật về quy hoạch. 

Thứ ba, liên quan đến pháp luật về đầu tư 

Thứ tư, vướng mắc liên quan đến pháp luật về nhà ở, đô thị và xây dựng.

Vay vốn ngân hàng khó, áp lực trả nợ trái phiếu rất lớn

Bộ Xây dựng đánh giá, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp rất nhiều khó khăn do khó tiếp cận được các nguồn vốn, lãi suất, tỷ giá ngoại tệ, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, không bán được sản phẩm... 

Theo phản ánh của các doanh nghiệp bất động sản, đặt biệt giai đoạn nửa cuối năm 2022 ngay cả khi có tài sản bảo đảm cũng rất khó khăn trong tiếp cận vay vốn từ ngân hàng do các ngân hàng hết hạn mức cho vay, đồng thời với sự kiểm soát chặt chẽ hơn nguồn vốn tín dụng với lĩnh vực bất động sản.

Các tổ chức, cá nhân là khách hàng mua bất động sản không được giải ngân cho vay dù trước đó đã ký hợp đồng thỏa thuận cho vay của ngân hàng dẫn đến doanh nghiệp không bán được sản phẩm để thu hồi vốn và tái đầu tư. 

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững”. Ảnh: N.Bắc

Vẫn theo Bộ Xây dựng, nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời gian qua phát hành một lượng trái phiếu rất lớn, lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng và có hạn trả nợ vào cuối năm 2022 và năm 2023. Đây là khó khăn, áp lực rất lớn cho nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong thời gian tới.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp còn phải chịu áp lực trả nợ trái phiếu trước hạn cho nhà đầu tư vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thay đổi chính sách kiểm soát trái phiếu phát hành của doanh nghiệp. 

“Việc xử lý vi phạm một số tổ chức, cá nhân trong thời gian qua liên quan việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, gây ra tâm lý e ngại, nghe ngóng, dùng dầu tư, rút tiền trước hạn…”, Bộ Xây dựng thông tin.

Đề nghị nới trần tín dụng, hỗ trợ hỗ trợ lãi suất cho người vay

Để thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng kiến nghị hàng loạt giải pháp từ hoàn thiện thể chế, tổ chức thực thi pháp luật, thúc đẩy nhà ở xã hội…

Trong đó, về nguồn vốn tín dụng, Bộ Xây dựng kiến nghị điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng, hoàn thiện chính sách để huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở và thị trường. 

Đồng thời, nới trần (room) tín dụng phù hợp trong năm 2023 và các năm tiếp theo; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng, có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản…

Vớ trái phiếu, Bộ Xây dựng kiến nghị kiểm soát hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá và tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể huy động vốn.

Song song với đó là giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.

Bộ Xây dựng cũng kiến nghị các địa phương rà soát, lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Hương Giang