Phát biểu kết luận hội nghị Chính phủ với địa phương chiều ngày 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần vừa phòng thủ dịch Covid, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế.

Có thể “bơm” thêm tiền cho an sinh xã hội

Theo lãnh đạo Chính phủ, khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba, không bàn lùi, cả nước chung sức đồng lòng xây dựng đất nước lúc khó khăn.

Ông yêu cầu từng bộ, ngành, địa phương phải thành lập ban chỉ đạo hoặc tổ công tác để thường xuyên rà soát, tháo gỡ, đôn đốc, nhất là tháo gỡ về đầu tư công và một số vướng mắc về thể chế hiện nay.

“Trong bối cảnh hiện nay nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết”, Thủ tướng nói.

Vì vậy, các chính sách điều hành phải chủ động, linh hoạt hơn để kích thích tổng cầu, thu hút đầu tư, đảm bảo mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Theo Thủ tướng, tín dụng năm nay phải tăng trưởng ít nhất 10%, nợ công có thể nâng lên 2 - 3% nữa để chính sách tài khoá rõ nét hơn.

"Từ mức nợ công 64,8% GDP trước đây, chúng ta đã giảm còn 57%, nay ta tăng thêm 2% là 59% GDP. Quản lý nợ công chưa phải vấn đề lúc khó khăn này", Thủ tướng nói.

Lưu ý nếu để đứt gãy nền kinh tế sẽ gây hệ luỵ khó lường trong trung và dài hạn, Thủ tướng cho rằng, vai trò của Nhà nước, của chính sách tiền tệ, tài chính với an sinh xã hội là rất quan trọng.

Thủ tướng đề nghị, hệ thống tài chính quốc gia từ Trung ương đến địa phương bơm thêm tiền cho an sinh xã hội "không để ai quá khổ, quá khó khăn trong lúc đại dịch gây ảnh hưởng".

Cân đối để có nguồn "kích hoạt" kinh tế

Về chính sách tài khoá, các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu phải chủ động xây dựng phương án cân đối nguồn để triển khai các gói hỗ trợ theo quy định. Trong đó, có việc vay từ các tổ chức quốc tế, phát hành trái phiếu Chính phủ và các nguồn hợp pháp khác, “kể cả dự trữ ngoại hối trong trường hợp cần thiết".

leftcenterrightdel
 Lãnh đạo các bộ, ngành ở đầu cầu Chính phủ. Ảnh: TN

"Các nước bình quân chi ra cho gói tài khoá này là 10% GDP. Với GDP của ta khoảng 300 tỷ USD thì gói này phải vào khoảng 30 tỷ USD, nhưng chúng ta mới chi hơn 14.000 tỷ đồng.

Chính phủ đồng ý Bộ Tài chính đàm phán tiếp nhận các khoản hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế để có nguồn kích hoạt kinh tế, nâng trần nợ công lên mức cần thiết, từ mức 57 - 58% hiện nay", Thủ tướng chỉ đạo.

Ngoài ra, các cấp, ngành phải kích thích thị trường trong nước với giải pháp cụ thể, không để mất thị trường trong nước.

Cùng với đó, tháo gỡ vướng mắc bật cập, tạo thuận lợi thông quan hàng hóa, không để quy trình, thủ tục gây khó doanh nghiệp xuất nhập khẩu, “phấn đấu năm nay không giảm chỉ tiêu xuất nhập khẩu”…

“Tinh thần là tập trung làm ngay những việc cấp bách trong thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng. Những vấn đề vượt thẩm quyền thì tiếp tục báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Chúng ta phải tập trung làm ngay, làm càng sớm càng tốt để tận dụng cơ hội phục hồi phát triển kinh tế- xã hội với tinh thần là hành động, hành động hơn nữa, chống trì trệ, nâng cao trách nhiệm hơn nữa”, Thủ tướng nêu rõ.

Hương Giang