Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội, kết nối với nhiều đầu cầu trên cả nước.

Số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường tăng mạnh

Mở đầu hội nghị, người đứng đầu Chính phủ nói, sau 2 năm chống dịch và 7 tháng đầu năm 2022, chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh.  Chúng ta cũng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

GDP tăng 7,72% trong quý II năm 2022, các cân đối lớn (thu, chi, xuất nhập khẩu, lương thực, thực phẩm, năng lượng, cung cầu lao động) được bảo đảm…

Thủ tướng bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn, mất mát, thậm chí hy sinh của cộng đồng doanh nghiệp trong 2 năm qua.

Theo ông, dù khó khăn, vất vả và cả sự hy sinh nhưng nhưng doanh nghiệp luôn luôn biến nguy thành cơ, đoàn kết, thống nhất để tìm giải pháp, khắc phục khó khăn để vươn lên, phát triển.

Dành nhiều thời gian phân tích về tình hình thế giới diễn biến phức tạp, Thủ tướng lưu ý, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, xung đột Nga - Ukraine vẫn kéo dài, khó đoán định.

Chuỗi cung ứng, lao động, sản xuất tiếp tục đứt gãy cục bộ; giá cả nguyên vật liệu, đầu vào và giá nông sản quan trọng có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, tiềm ẩn biến động, lạm phát ở nhiều nước tăng cao kỷ lục kể từ 3-4 thập kỷ gần đây…

Với Việt Nam, nền kinh tế có độ mở lớn, quy mô còn hạn chế, sức chống chịu có hạn; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.

“Mục tiêu ưu tiên hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, tập trung, bảo đảm hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn lắng nghe các chia sẻ, đề xuất, sáng kiến của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội để cùng tháo gỡ khó khăn, khắc phục những “điểm nghẽn” trong triển khai chính sách; đồng thời, hiến kế bổ sung các giải pháp trên tinh thần "lợi ích thì hài hoà, rủi ro thì chia sẻ”.

Đến hết tháng 7/2022, cả nước có khoảng 871.000 doanh nghiệp đang hoạt động có phát sinh thuế, tăng gần 13% so với năm 2019.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường với trên 130.000 doanh nghiệp, vượt xa số 105.425 doanh nghiệp cùng kỳ năm ngoái, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 44.301 doanh nghiệp, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm 2021.

leftcenterrightdel
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Đ.X 

Đáng chú ý, từ đầu năm 2022 đến nay, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, doanh nghiệp trong một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch, hàng không, vận tải… đã có sự phục hồi ấn tượng.

Niềm tin của các nhà đầu tư và doanh nghiệp tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực.

Còn nhiều khó khăn khiến doanh nghiệp “càng làm càng lỗ”

Dù khu vực doanh nghiệp đang có sự phục hồi tích cực, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thực tế các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, thiếu cả về số lượng và chất lượng.

Số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại hoạt động tăng đáng kể nhưng tỉ lệ doanh nghiệp giải thể, dừng hoạt động vẫn còn cao; đồng thời thiếu vắng các doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, quy mô còn quá nhỏ bé so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

“Đa số doanh nghiệp của nước ta có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.

Cạnh đó, năng lực khoa học công nghệ của các doanh nghiệp còn hạn chế, có nơi còn lạc hậu. Nhiều doanh nghiệp còn nặng tư duy kinh doanh thời vụ, ngắn hạn, thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn…

Tính liên kết, văn hóa hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa cao, chưa thực sự tạo thành khối liên kết để cùng nhau phát triển…

Tổng hợp ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng cho thấy các tháng cuối năm 2022 dự kiến tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Doanh nghiệp thấy khó khăn, lợi nhuận bị “bào mòn” giá xăng dầu, nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao.

Doanh nghiệp xây dựng, giá nguyên liệu tăng dẫn đến giá thành gói thầu tăng từ 18-30% theo từng thời điểm, dẫn đến tình trạng “càng làm càng lỗ”. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu như da giày, dệt may, thủy sản... lại chịu áp lực từ chi phí logistics (vận tải biển) tăng cao từ 3 - 5 lần, khan hiếm nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào...

Tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ trong một số ngành và địa phương; quy định tăng mức lương tối thiểu vùng cũng tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp.

Việc tiếp cận tín dụng, huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh vẫn là một trong những khó khăn lớn của doanh nghiệp.

Khó khăn nữa là cung và cầu bị ảnh hưởng lớn, tình trạng thiếu linh kiện, nguyên phụ liệu đầu vào để sản xuất, giảm đơn hàng cuối năm đang gia tăng…

Từ thực tiễn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần phải hành động sớm nhất - hiệu quả nhất để có thể chủ động vượt qua thách thức, biến nguy thành cơ. Ông nêu kiến nghị thực hiện 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn và 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong dài hạn.

Theo đó, trong ngăn hạn thì khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết triệt để thúc đẩy giải ngân đầu tư công, khơi thông nguồn lực cho đầu tư sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước; hỗ trợ khắc đứt gãy nguồn cung, mở rộng tìm kiếm đơn hàng, đa dạng hóa thị trường; giải quyết tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, một số khu vực.

Trong dài hạn, theo ông Dũng, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác xây dựng chiến lược ngành, quy hoạch cấp tỉnh; tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.

Cùng với đó, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tái cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp 4.0.

Với các doanh nghiệp, Bộ trưởng cho rằng, cần chủ động tìm hiểu, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới; đổi mới mô hình hướng tới kinh doanh xanh và bền vững; chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp…

Hương Giang