Sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, bế mạc ngày 29/11.

Với tỷ lệ tán thành rất cao, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 7 luật, 8 nghị quyết; thảo luận, cho ý kiến 8 dự án luật khác. Quốc hội cũng thảo luận, quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác và ban hành nghị quyết chung của kỳ họp

“Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát bế mạc kỳ họp.

Chưa thông qua 2 dự án luật về đất đai, tổ chức tín dụng

Về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, theo ông Vương Đình Huệ, Quốc hội thống nhất đánh giá, tăng trưởng kinh tế dần được phục hồi theo hướng ngày một tích cực hơn, dự báo cả năm GDP tăng trên 5%.

Dự báo đất nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, Quốc hội yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các dự án, công trình trọng điểm quốc gia.

Quốc hội cũng yêu cầu triển khai đồng bộ cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024; tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

“Khắc phục có kết quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, siết chặt kỷ luật hành chính, kỷ cương công chức, công vụ; đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: P.Thắng 

Đề cập đến công tác lập pháp, ông Vương Đình Huệ khái quát, các đại biểu Quốc hội đã phân tích, thảo luận kỹ lưỡng các vấn đề lớn, quan trọng, nhất là các chính sách mới được đề xuất.

Riêng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), theo ông Vương Đình Huệ, do tính chất đặc biệt quan trọng và phức tạp, Quốc hội đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến rất xác đáng, đồng thời đã cân nhắc thận trọng nhiều mặt.

Trên cơ sở đó, Quốc hội quyết định xem xét, thông qua 2 dự án luật trên tại kỳ họp gần nhất để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu, làm rõ những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau, bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các luật này sau khi được ban hành.

Đề nghị 44 người được lấy phiếu tín nhiệm hoàn thành tốt trọng trách

Trong công tác giám sát, Quốc hội đã dành 2,5 ngày tiến hành chất vấn Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 với 21 lĩnh vực thuộc 4 nhóm nội dung: Kinh tế tổng hợp; kinh tế ngành; nội chính, tư pháp; văn hóa, xã hội.

“Qua chất vấn cho thấy, về cơ bản, các nghị quyết của Quốc hội đã được các cơ quan triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm, tạo được chuyển biến tích cực và đạt được kết quả cụ thể ở hầu hết các lĩnh vực, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước”, ông Vương Đình Huệ nói.

Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chất vấn, trong đó xác định rõ địa chỉ, phạm vi thời gian và trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những vấn đề đã cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước, vừa kịp thời khắc phục hiệu quả các hạn chế, yếu kém, vừa phải tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài trong từng lĩnh vực được chất vấn.

leftcenterrightdel
Các đại biểu tại phiên bế mạc kỳ họp 6. Ảnh: P.Thắng 

Đặc biệt, tại kỳ họp 6, Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

“Công tác lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, bảo đảm dân chủ, minh bạch, công tâm và khách quan”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được công bố công khai, rộng rãi và nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của cử tri, Nhân dân cả nước. Quốc hội đề nghị những người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt trọng trách được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. 

Để các luật, nghị quyết đi vào cuộc sống, Quốc hội đề nghị các đại biểu thường xuyên giữ mối liên hệ chặt chẽ, lắng nghe, phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri, nhất là về những vấn đề cấp bách nảy sinh trong thực tiễn đòi hỏi phải có quyết sách kịp thời, phù hợp; tích cực giám sát việc tổ chức, thi hành Hiến pháp và pháp luật, việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.

Đang báo cáo cấp có thẩm quyền về tổ chức kỳ họp bất thường đầu năm 2024

Tại họp báo công bố kết quả kỳ họp 6, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho hay, việc chưa thông qua Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) thể hiện sự cẩn trọng, trách nhiệm của Quốc hội. Vì, quá trình thảo luận thấy còn chính sách cần xem xét kỹ lưỡng, nhất là đánh giá tác động, để luật ban hành đáp ứng yêu cầu cuộc sống, không xung đột, chồng chéo

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phạm Thị Hồng Yến thông tin, tới thời điểm này, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vẫn còn một nội dung lớn cần tiếp tục nghiên cứu, thiết kế các phương án tối ưu.

Về Dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), theo bà Yến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến 3 lần, nhưng vẫn còn 3 vấn đề còn ý kiến khác nhau là: Can thiệp sớm; kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt các tổ chức tín dụng.

“Đây là các vấn đề hết sức trọng yếu, ảnh hưởng đến an ninh, an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng nói riêng và an toàn tài chính quốc gia nói chung, liên quan việc sử dụng các nguồn lực Nhà nước”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Tăng cường thanh tra thực thi công vụ của cán bộ, công chức

Với 474 đại biểu tán thành (chiếm tỷ lệ 95,95 %), Quốc hội thông qua nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn.

Tại nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu tập trung nghiên cứu, sớm hoàn thành việc xây dựng Cơ sở Dữ liệu quốc gia về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tháo gỡ vướng mắc, tích cực, chủ động phối hợp trong thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ, phục vụ cho tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Tăng cường thanh tra thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu; khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo, trùng lặp về thời điểm, thời kỳ trong các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực hiện các kiến nghị sau thanh tra.

Có giải pháp quyết liệt để đề phòng, ngăn chặn “từ sớm, từ xa” và kịp thời giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo ngay từ nơi phát sinh. “Tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, đông người; phối hợp chặt chẽ để nắm bắt kịp thời và xử lý các tình huống phức tạp, dễ phát sinh thành điểm nóng, gây phức tạp về an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội”, nghị quyết nêu rõ.

7 luật được thông qua: Luật Căn cước; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi).

9 nghị quyết được thông qua: Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024; nghị quyết về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024; nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; nghị quyết về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”; nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn; nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

8 dự án luật cho ý kiến lần đầu: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức TAND (sửa đổi); Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. 

Hương Giang