Chiều ngày 27/5, nêu ý kiến tại tổ về Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, nhiều đại biểu Quốc hội dành thời gian phân tích về đề xuất thêm vị trí trong công an có hàm cấp tướng; tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an.

Thêm 6 vị trí hàm cấp tướng trong công an đã thống nhất với Bộ Quốc phòng

Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân trình lần này, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định cụ thể 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng, gồm: 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng và 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng.

Trong đó, vị trí được bổ sung có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng được quy định cho sĩ quan công an nhân dân biệt phái giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội.

Nêu ý kiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) bày tỏ nhất trí bổ sung thêm 1 vị trí có hàm thượng tướng đối với sĩ quan công an biệt phái giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội.

Theo bà Hoa, quy định này phù hợp với vị trí, vai trò, nhiệm vụ quan trọng của chủ nhiệm phụ trách một lĩnh vực hết sức quan trọng là quốc phòng an ninh.

Bà Hoa thông tin thêm, từ thực tiễn, Quốc hội khóa IX, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh là Trung tướng Đặng Quân Thụy; khóa X và XI là Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh; khóa XII, XIII là Trung tướng Nguyễn Kim Khoa, khóa XIV là Thượng tướng Võ Trọng Việt. Cả 4 nhân sự này đều bên quân đội biệt phái sang. Đến khóa XV là Thiếu tướng Lê Tấn Tới biệt phái từ công an sang.

“Không có quy định cứng nào về việc Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh phải là công an hay quân đội. Thực tiễn thời gian qua là hoàn toàn phù hợp với từng giai đoạn, chứ không có vấn đề gì cả”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng An ninh có đề xuất Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách về quốc phòng an ninh phải có hàm đại tướng. 

Bà Hoa cho rằng, đề xuất này có tính hợp lý. “Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách quốc phòng, an ninh là cấp lãnh đạo của Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh mà chủ nhiệm là thượng tướng thì đương nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội ít nhất phải là thượng tướng, còn không phải là đại tướng như Đại tướng Đỗ Bá Tỵ (Phó Chủ tịch Quốc hội khóa XIV - PV)”, đại biểu phân tích.

Vì vậy, bà Hoa đề nghị bên quân đội sau này sửa luật thì cũng cần quy định tương ứng để đảm bảo tính cân đối, hài hòa.

Đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết (đoàn TP HCM) bày tỏ đồng ý có thể quy định nhân sự đang giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh có cấp hàm thượng tướng nhưng với điều kiện phải xem xét luôn cấp bậc hàm của Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách mảng này.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (đoàn TP HCM), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh cho biết, việc bổ sung 6 vị trí cấp hàm tướng của công an đã có sự thống nhất với Bộ Quốc phòng. 

Sang năm 2024, theo yêu cầu của Trung ương Đảng, Bộ Quốc phòng sẽ trình sửa đổi Luật Sĩ quan quân đội để có sự thống nhất, ông Đức thông tin.

Sĩ quan công an là giáo sư được nâng tuổi hưu không nên làm quản lý

Về việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, Trung tướng Nguyễn Hải Trung (Giám đốc Công an TP Hà Nội - đại biểu đoàn Hà Nội) cho rằng, có nhiều điểm lợi.

leftcenterrightdel
  Trung tướng Nguyễn Hải Trung (Giám đốc Công an TP Hà Nội). Ảnh: Đ.X

Trong đó, theo ông Trung, việc tăng hạn tuổi này tạo được sự đồng bộ, tương tích với Bộ luật Lao động và tăng dày thêm các quỹ bảo hiểm xã hội. 

Khi số sĩ quan, nhất là sĩ quan cấp cao (từ thượng tá trở lên) được kéo dài tuổi phục vụ sẽ giúp thừa hưởng kinh nghiệm của họ, từ đó, tạo điều kiện tốt cho công việc, lực lượng, ông Trung nêu.

Trước ý kiến băn khoăn về tăng tuổi đối với nữ sĩ quan, Trung tướng Nguyễn Hải Trung nói, hiện nay số lượng nữ trong lực lượng công an chỉ chiếm hơn 10%. 

Cạnh đó, cán bộ nữ chỉ làm công tác trong giáo dục, y tế, công tác đảng, chính trị, hậu cần, tài chính, còn làm việc nơi khác không có nhiều. 

Ông nhắc lại việc trước đây tất cả cán bộ nữ đều về hưu ở tuổi 55 nhưng sau đó có thay đổi cho phép một số vị trí phó chủ tịch tỉnh, Ủy viên Trung ương trở lên hay từ cấp tướng trở lên sẽ về hưu ở tuổi 60.

“Trước khi có thay đổi này, có rất nhiều bài báo, tiếng nói của phụ nữ là đến tuổi 55 chưa kịp cất cánh đã hạ cánh. Họ phân tích trước tuổi 55 phải lo việc gia đình, rất nhiều thứ, đến lúc con cái lớn, rảnh hơn để lo công việc lại nghỉ hưu mất rồi”, Trung tướng nêu.

Theo dự thảo luật trình Quốc hội, Chính phủ đề xuất, tăng hạn tuổi phục vụ 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm thượng tá tăng 3 tuổi; nữ sĩ quan cấp tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành.

Chính phủ cũng đề xuất, nâng tuổi được kéo dài hạn tuổi phục vụ đối với sĩ quan công an nhân dân là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp từ 60 tuổi lên 62 tuổi đối với nam; từ 55 tuổi lên 60 tuổi đối với nữ.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP HCM) bày tỏ quan điểm tán thành kéo dài tuổi phục vụ với sĩ quan công an là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp.

Theo bà Lan, kéo dài tuổi hưu, nhìn mặt tích cực là sẽ tận dụng được kinh nghiệm, chất xám trong khi đất nước còn thiếu người có trình độ cao. “Nhưng, nếu kéo dài tuổi hưu ở vị trí quản lý sẽ cản bước lớp trẻ phát triển”, đại biểu lưu ý. 

Bà Lan còn băn khoăn, ngành công an có môi trường làm việc áp lực, công việc vất vả, nguy hiểm so với các ngành khác, nên chưa chắc ai cũng muốn kéo dài tuổi hưu. 

Vì vậy, với các giáo sư, phó giáo sư, chuyên gia, tiến sĩ, bà Lan đề xuất khi kéo dài tuổi hưu không nhất thiết làm quản lý mà tập trung làm chuyên môn, có thể ký hợp đồng thêm với đơn vị.

“Nâng cấp hệ thống cấp visa trực tuyến tốt hơn, tránh tạo ra rào cả”

Cũng chiều nay, Quốc hội thảo luận tại tổ Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Một trong những điểm mới, là quy định về cấp thị thực điện tử có giá trị nhiều lần thay vì một lần như trước, hay tăng thời hạn thị thực lên tối đa 90 ngày.

Nêu ý kiến, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế nói, khó khăn trong xin visa đang là rào cản lớn bên cạnh chất lượng dịch vụ du lịch.

“Tháo gỡ thủ tục visa là chìa khóa để Việt Nam phục hồi tốt hơn, du lịch Việt cất cánh vì xét về điều kiện tự nhiên, thiên nhiên không kém gì các nước láng giềng”, ông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu.

Dự luật giao Chính phủ sẽ quy định chi tiết danh sách các nước được mở rộng thời gian lưu trú, đăng ký visa trực tuyến. Ông Hùng đề nghị “mở rộng nhiều nhất có thể các nước được áp dụng các quy định này”.

Cạnh đó, ông đề nghị cơ quan quản lý cải thiện hệ thống đăng ký visa trực tuyến vì công dân Việt Nam cũng gặp khó khi đăng ký. 

“Bản thân tôi khi đăng ký visa trực tuyến cũng gặp tình trạng hệ thống thường xuyên quá tải, bị treo nên mất rất nhiều thời gian. Nên khi mở cho người nước ngoài, cần nâng cấp hệ thống tốt hơn, tránh tạo ra rào cản”, ông Hùng nhấn mạnh.

Về đề xuất nâng thời hạn tạm trú (tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực) từ 15 ngày lên 45 ngày, đại biểu Hà Phước Thắng (đoàn TP HCM) đánh giá “mới ở mức trung bình của khu vực” như báo cáo thẩm tra đã chỉ ra.

“Chúng ta nên đánh giá lại, vì sao đang tạo điều kiện thu hút đầu tư, hợp tác, du lịch nhưng không nâng lên 60 hay 90 ngày mà lại lấy 45 ngày”, ông Thắng nói.

Hương Giang