Chiều ngày 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Dự án luật này đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 7 vào tháng 5 và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp 8 vào tháng 10 tới.

Quá trình thảo luận dự án luật, nhiều ý kiến đại biểu nhất trí với dự thảo luật về việc bố trí trại giam dành riêng cho người chưa thành niên. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc về nguồn lực để bảo đảm tính khả thi.

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, Thường trực Ủy ban Tư pháp và đại diện các cơ quan tham gia chỉnh lý dự thảo luật thấy rằng, nếu chỉ quy định 1 mô hình như dự thảo luật (là trại giam riêng) thì trước mắt có thể sẽ khó khăn về nguồn lực bảo đảm.

Do đó, các cơ quan đều thống nhất đề xuất chỉnh lý dự thảo luật theo hướng quy định cả 2 mô hình: Trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam. Căn cứ điều kiện thực tiễn, các cơ quan có thẩm quyền sẽ quyết định mô hình phù hợp cho từng giai đoạn.

Quy định như trên, theo bà Nga, vừa đáp ứng yêu cầu phải có khu vực chấp hành án dành riêng với người chưa thành niên, vừa bảo đảm tính ổn định của luật, tạo cơ sở pháp lý để sau này khi bố trí được nguồn lực sẽ đáp ứng tốt hơn yêu cầu về cơ sở giam giữ; vừa có thể kế thừa cơ sở vật chất hiện có.

Nêu ý kiến, Phó Chủ tịch Trần Quang Phương nói, nếu có đủ kiện kiện làm trại giam riêng cho người chưa thành niên thì “tốt quá”. Theo ông, vào trại giam, dù cơ quan chức năng có biện pháp quản lý nhưng không thể ngăn được chuyện có “anh hai, anh ba” hăm dọa.

Ủng hộ quy định theo hướng 2 mô hình: Trại giam riêng hoặc phân trại dành riêng cho người chưa thành niên trong trại giam, nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, khuyến khích có trại giam riêng, phù hợp với sự phát triển của từng vùng, từng thời điểm. Còn nơi nào chưa có điều kiện thì có phân khu riêng.

leftcenterrightdel
 Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: P.Thắng

Giải trình thêm, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói, ban đầu TAND đề xuất trại giam dành riêng cho người chưa thành niên, nhưng sau đó Bộ Công an cho biết cơ sở, điều kiện hiện nay thì chưa thể có trại giam riêng ngay.

Nếu muốn có trai giam riêng thì phải đầu tư, do đó, dự luật quy định cả 2 mô hình.

Với người chưa thành niên, theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, bên cạnh cơ sở vật chất của trại giam, thì sự thăm nom, chăm sóc của bố mẹ, anh chị em... rất quan trọng trong quá trình cải tạo.

Nếu như từ Cà Mau ra tận Thanh Hóa mới có trại giam riêng thì sẽ rất khó khăn cho việc thăm nom người chưa thành niên của người thân. Đồng nghĩa, làm hạn chế những tác động tích cực từ gia đình trong quá trình cải tạo tại trại giam.

“Để thuận lợi cho cơ quan thi hành án thì việc có trại giam riêng rất tốt, nhưng với những nơi không có thì có phân trại riêng cho người chưa thành niên trong trại giam", Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, có ý kiến đề nghị quy định người làm công tác xã hội tham gia đầy đủ các hoạt động tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử.

Giải trình vấn đề này, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho hay, dự thảo luật quy định người làm công tác xã hội tham gia hoạt động tư pháp người chưa thành niên, nhất là trong quá trình xem xét quyết định áp dụng và thi hành biện pháp xử lý chuyển hướng là rất cần thiết.

Việc này nhằm tránh việc áp đặt một chiều các biện pháp mang tính cưỡng chế, nghiêm khắc từ phía các cơ quan tiến hành tố tụng.

Với nhiều hoạt động khác trong quá trình tố tụng thì dự thảo luật đã quy định bắt buộc phải có sự tham gia của người bào chữa hoặc người đại diện của người chưa thành niên.

“Nếu quy định người làm công tác xã hội phải tham gia đầy đủ các hoạt động này thì vừa không cần thiết, vừa có thể gây tốn kém về nhân lực, vật lực và chi phí tố tụng”, bà Nga nói.

Để bảo đảm khi cần thiết vẫn có thể mời người làm công tác xã hội tham gia các hoạt động tố tụng, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, dự thảo luật đề xuất chỉnh lý theo hướng người làm công tác xã hội tham gia khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng. 

Hương Giang