Chiều ngày 4/1, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia họp phiên thứ nhất. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chủ trì phiên họp.

Trình bày Nghị quyết thành lập Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, Tiểu ban gồm 10 thành viên do Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia Phùng Quốc Hiển làm Trưởng Tiểu ban.

Phó Trưởng Tiểu ban Thường trực là Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình và 8 Ủy viên Tiểu ban. Tiểu ban sẽ kết thúc hoạt động khi Hội đồng Bầu cử Quốc gia kết thúc hoạt động.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 10 (tháng 11/2020), Quốc hội đã chọn chủ nhật ngày 23/5/2021 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Các cuộc họp được tổ chức công khai và có thể họp kín

Theo Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình, Dự thảo Quy chế làm việc quy định, Tiểu ban làm việc theo chế độ tập thể, thực hiện nguyên tác tập trung dân chủ; giúp Hội đồng Bầu cử xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo bảo đảm kịp thời, nhanh chóng, khách quan, công khai, dân chủ và đúng quy định của pháp luật.

Các hình thức làm việc gồm: Tổ chức cuộc họp và cho ý kiến bằng văn bản; tổ chức đoàn kiểm tra, đôn đốc tại các địa phương.

Tiểu ban chịu trách nhiệm tiếp nhận, nghiên cứu, đề xuất báo cáo Hội đồng Bầu cử quốc gia về việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử, kết quả bầu cử theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Các cuộc họp của Tiểu ban được tổ chức công khai. Tiểu ban có thể họp kín, do Trưởng Tiểu ban quyết định.

Ngoài cuộc họp toàn thể, Trưởng Tiểu ban quyết định việc tổ chức các cuộc họp riêng với các Phó trưởng Tiểu ban hoặc một số thành viên Tiểu ban để xử lý công việc đột xuất và được báo cáo Tiểu ban tại phiên họp gần nhất.

Nội dung cuộc họp công khai phải được ghi âm, ghi biên bản. Tất cả các cuộc họp của Tiểu ban phải đủ hồ sơ và được Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia chịu trách nhiệm lưu trữ theo quy định.

Kết quả phiên họp được báo cáo Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia. Trưởng Tiểu ban quyết định việc đăng tải các nội dung cuộc họp của Tiểu ban trên trang thông tin, điện tử của Hội đồng Bầu cử quốc gia và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tiểu ban sẽ tiếp nhận đơn thư về bầu cử đại biểu Quốc hội từ tháng 1

Tiểu ban cũng phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các cơ quan có liên quan trong việc xem xét, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo (nếu có) đối với nhân sự đại biểu Quốc hội khóa XV theo nguyên tắc bảo mật…

leftcenterrightdel
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: quochoi.vn 

Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cũng cho biết, theo dự thảo kế hoạch công tác, từ tháng 1 đến tháng 7/2021, Tiểu ban sẽ chỉ đạo công tác tiếp công dân; tiếp nhận xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo về bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Từ ngày 13/5 đến khi kết thúc cuộc bầu cử, Tiểu ban hoàn chỉnh hồ sơ khiếu nại, tố cáo đối với người ứng cử giúp Hội đồng Bầu cử Quốc gia chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đã trúng cử đại biểu Quốc hội cho Ủy ban Kiểm tra tư cách đại biểu Quốc hội Khóa XV và chuyển toàn bộ hồ sơ đối với các trường hợp chưa có kết luận, chưa có kết quả giải quyết đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV theo quy định... Tiểu ban sẽ tổng kết hoạt động trong tháng 7/2021.

Sau khi nghe các dự thảo, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo đã cơ bản thông qua các dự thảo: Quy chế làm việc, nNghị quyết phân công thành viên; kế hoạch công tác; quyết định thành lập tổ chuyên môn xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của Tiểu ban.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Trưởng Tiểu ban Phùng Quốc Hiển khẳng định, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo có nhiệm vụ, trách nhiệm hết sức nặng nề trong thực hiện công việc được giao.

Kinh nghiệm cho thấy, giải quyết khiếu nại, tố cáo là việc làm thường xuyên diễn ra trong bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Tiểu ban chú trọng bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật, quy chế làm việc của Hội đồng Bầu cử Quốc gia và của Tiểu ban; đồng thời, phân công, phân nhiệm rõ ràng, các thành viên thực hiện nhiệm vụ có trách nhiệm cao, tránh làm kéo dài dẫn đến ảnh hưởng đến công tác bầu cử.

Hương Giang