Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, vừa thừa ủy quyền Thủ tướng vừa ký tờ trình gửi Quốc hội Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng

Luật hiện hành quy định cụ thể 199 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng (gồm 1 đại tướng, 6 thượng tướng, 35 trung tướng, 157 thiếu tướng).

Tại tờ trình, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định sĩ quan công an nhân dân biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tướng.

5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng cũng được đề xuất bổ sung trong dự thảo luật, gồm:

+ Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân và Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân

Theo quy định của luật hiện hành, giám đốc các học viện: An ninh nhân dân, Cảnh sát nhân dân, Chính trị công an nhân dân, có cấp bậc hàm cao nhất là Trung tướng; Giám đốc Học viện Quốc tế, hiệu trường các trường đại học: Phòng cháy chữa cháy, Kỹ thuật - Hậu cần công an nhân dân, có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng.

Hiệu trưởng Trường Đại học Cảnh sát nhân dân và Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân chưa được quy định có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng, vì thời điểm xây dựng Luật Công an nhân dân năm 2018 đang có chủ trương sáp nhập hai trường này vào Học viện An ninh nhân dân và Học viện Cảnh sát nhân dân.

Hiện nay, Trường Đại học Cảnh sát nhân dân và Trường Đại học An ninh nhân dân tiếp tục được xác định là cơ sở trọng điểm đào tạo, bồi dưỡng sĩ quan nghiệp vụ cho khu vực phía Nam. Vì vậy Chính phủ cho rằng, cần thiết quy định hiệu trưởng hai trường này có cấp bậc hàm cao nhất là cấp tướng, tương ứng với cấp bậc hàm của hiệu trưởng các trường đại học trong công an nhân dân.

+ 1 Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an

Chính phủ dẫn Quy định 30 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình bổ nhiệm; chính sách, chế độ đối với chức danh trợ lý, thư ký, thì Ủy viên Bộ Chính trị có 2 trợ lý. Luật hiện hành mới quy định có 1 Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng, nên cần quy định 2 Trợ lý Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng cho thống nhất, đồng bộ.

+ 2 vị trí phó cục trưởng và tương đương của 2 đơn vị trực thuộc Bộ Công an

Quy định này áp dụng với các đơn vị nghiệp vụ trọng yếu, thực hiện đầy đủ ba chức năng của lực lượng công an nhân dân; có hệ lực lượng theo ngành dọc, quy mô hoạt động toàn quốc, đang chủ trì triển khai các nhiệm vụ lớn, đặc biệt quan trọng, có tác động đến toàn xã hội nên cần bổ sung mỗi đơn vị 1 phó cục trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là thiếu tướng để tăng cường công tác lãnh đạo.

Đề xuất nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi phục vụ

Chính phủ cũng đề nghị bổ sung quy định tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của công nhân công an (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi).

Sĩ quan, hạn sĩ quan cũng được đề xuất tăng hạn tuổi phục vụ. Cụ thể, tăng 2 tuổi của sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm thượng tá tăng 3 tuổi; nữ sĩ quan cấp tướng thì vẫn giữ nguyên 60 tuổi như hiện hành.

Theo Chính phủ, đề nghị tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất đối sĩ quan, hạ sĩ quan là vừa bảo đảm phù hợp với quy định về tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019, vừa phù hợp với thực tiễn chiến đấu, công tác của lực lượng công an nhân dân.

“Cán bộ trực tiếp chiến đấu, đòi hỏi phải có sức khỏe tốt để tác chiến được trong mọi môi trường, điều kiện, hoàn cảnh thì cần tiếp tục áp dụng hạn tuổi phục vụ cao nhất thấp hơn tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường và cơ bản tương đương với tuổi nghỉ hưu của người lao động làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại”, tờ trình nêu.

Về lộ trình tăng tuổi, Chính phủ đề xuất mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ.

Riêng sĩ quan, hạ sĩ quan có hạn tuổi phục vụ cao nhất dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ thì tăng ngay 2 tuổi, không theo lộ trình trên.

Nêu lý do, Chính phủ cho hay, hiện hạn tuổi phục vụ cao nhất của cán bộ, chiến sĩ có cấp bậc hàm trung tá, thiếu tá, cấp úy và hạ sĩ quan thấp hơn nhiều so với mức hạn tuổi phục vụ cao nhất trong công an nhân dân và quy định của Bộ luật Lao động (hạ sĩ quan: 45; cấp úy 53; thiếu tá, trung tá: Nam 55, nữ 53).

Do đó, cần thu hẹp khoảng cách về hạn tuổi phục vụ cao nhất giữa cán bộ, chiến sĩ có cấp bậc hàm nêu trên so với người lao động

Thời điểm tính toán tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất, theo đề xuất của Chính phủ là bắt đầu từ ngày 01/01/2021.

Ngoài ra, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan công an nhân dân trong trường hợp đặc biệt; nâng tuổi được kéo dài hạn tuổi phục vụ đối với sĩ quan công an nhân dân là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp từ 60 tuổi lên 62 tuổi đối với nam; từ 55 tuổi lên 60 tuổi đối với nữ.

Dự thảo luật lần này cũng quy định trưởng công an TP thuộc TP trực thuộc Trung ương, trung đoàn trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá.

Theo Chính phủ, trung đoàn trưởng trong công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất là thượng tá. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay, Bộ Công an đã báo cáo cấp có thẩm quyền và thành lập một số trung đoàn thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, công an địa phương, có tổ chức và thực hiện một số chức năng quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự.

Việc sửa đổi quy định Trung đoàn trưởng trong Công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá, Chính phủ đánh giá là phù hợp.

Về công an TP trực thuộc TP trực thuộc Trung ương, đây là đơn vị tương đương với công an quận thuộc TP Hà Nội và TP HCM. Vì vậy, quy định trưởng công an TP trực thuộc TP trực thuộc Trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là đại tá như trưởng công an quận thuộc TP Hà Nội và TPHCM là phù hợp. 

Hương Giang