Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Đề xuất cấm bán lẻ thuốc kê đơn online, giữ quy định xác nhận quảng cáo thuốc

Hương Giang

Thứ hai, 12/08/2024 - 12:31

(Thanh tra) - Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược mới nhất bổ sung quy định nghiêm cấm bán thuốc kê đơn online; giữ quy định xác nhận nội dung quảng cáo thuốc và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung quảng cáo thuốc…

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. Ảnh: P.Thắng

Sáng ngày 12/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến một số vấn đề lớn Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo luật lần này đã lược bỏ một số nội dung, làm rõ và cụ thể hơn các quy định so với dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp 7.

Kinh doanh thuốc online phải qua sàn giao dịch thương mại điện tử

Về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, theo bà Thúy Anh, một số đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể điều kiện, các loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, cách thức tiến hành, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, quy trình giao thuốc, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc, giá bán, biện pháp bảo đảm bảo mật thông tin người mua.

Có ý kiến đề nghị bổ sung những hành vi nghiêm cấm với hoạt động này.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, dự thảo luật đã quy định loại thuốc được kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử.

Cụ thể, tại khoản 1a Điều 42 quy định “thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử phải thuộc danh mục thuốc không kê đơn trừ thuốc thuộc danh mục hạn chế bán lẻ, thuốc phải kiểm soát đặc biệt”; “thuốc, nguyên liệu làm thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử, trừ các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt”.

Dự thảo luật cũng bổ sung những hành vi bị nghiêm cấm như “cấm bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc kê đơn, thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc thuộc danh mục thuốc hạn chế bán lẻ”; “cấm bán buôn theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt”.

“Kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử thông qua các phương tiện không phải sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến” cũng bị nghiêm cấm.

Về cách thức tiến hành, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, quy trình giao thuốc, vận chuyển, dự thảo luật ủy quyền giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cơ sở bán lẻ thuốc phải tổ chức tư vấn, hướng dẫn về cách sử dụng thuốc cho người mua thuốc và tổ chức thực hiện giao thuốc đến người mua (tại điểm d khoản 4 Điều 42 sửa đổi).

Đề cập đến cơ chế quản lý quảng cáo thuốc, theo Ủy ban Xã hội, một số ý kiến đại biểu Quốc hội không đồng tình việc bỏ xác nhận quảng cáo thuốc và yêu cầu cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện, quy định chế tài xử lý nghiêm các hình thức quảng cáo thuốc sai sự thật, tăng cường trách nhiệm đối tượng tham gia quảng cáo.

“Tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng giữ lại quy định xác nhận nội dung quảng cáo thuốc như luật hiện hành và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung quảng cáo thuốc, hồ sơ, thủ tục tiếp nhận, thẩm định và xác định nội dung quảng cáo thuốc; yêu cầu và trách nhiệm đối với các đối tượng thực hiện, tham gia quảng cáo thuốc”, Ủy ban Xã hội nêu. 

Quản lý giá thuốc cần có sự vào cuộc và điều tiết của Nhà nước

Về quản lý giá thuốc, một số đại biểu đề nghị làm rõ quy định kê khai giá bán buôn dự kiến vì quy định này không có ý nghĩa về mặt quản lý Nhà nước, làm tăng gánh nặng thủ tục hành chính cho các cơ sở.

Có ý kiến đề nghị làm rõ việc tạo ra quyền thẩm duyệt, quyền thẩm định về giá thuốc, nguyên liệu làm thuốc của các cơ quan quản lý Nhà nước; đề nghị quy định chặt chẽ các biện pháp quản lý giá và trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Thường trực Ủy ban Xã hội thống nhất với Bộ Y tế rằng, thuốc là mặt hàng đặc thù ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân và an ninh y tế, quản lý giá thuốc cần có sự vào cuộc và điều tiết của Nhà nước để thuốc đến tay người dân có chất lượng với giá hợp lý.

Vì thế, Luật Dược hiện hành quy định biện pháp kê khai giá bán buôn thuốc dự kiến nhằm hạn chế việc tăng giá bán buôn thuốc qua mỗi khâu trung gian, từ cơ sở sản xuất đến cơ sở kinh doanh dược và đến cơ sở tiêu dùng. Tuy nhiên, biện pháp kê khai giá bán buôn này lại có nội hàm khác với biện pháp kê khai theo quy định của Luật Giá.

Để tránh sự hiểu nhầm, biện pháp “kê khai giá bán buôn dự kiến” được đổi tên thành biện pháp để các cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc “công bố giá bán buôn thuốc dự kiến” và gửi đến Bộ Y tế để công khai trên Cổng thông tin của Bộ Y tế, theo dự thảo luật quy định tại khoản 47 Điều 2 sửa đổi.

Thêm nữa, do là thuật ngữ mới nên dự thảo luật đã bổ sung giải thích từ ngữ “giá bán buôn thuốc tối đa”, “công bố giá bán buôn thuốc dự kiến”, “công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến”, “mặt hàng thuốc tương tự”, xác định rõ chủ thể thực hiện thủ tục, cơ quan tiếp nhận thủ tục; biện pháp khi phát hiện công bố giá cao bất hợp lý.

Bà Thúy Anh cũng cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật cũng đã quy định cụ thể hơn về biện pháp quản lý giá tại Điều 107 về các biện pháp quản lý giá thuốc, đồng thời quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở kinh doanh dược liên quan tới thực hiện các biện pháp quản lý giá thuốc.

- Giá bán buôn thuốc dự kiến là giá bán buôn tối đa do cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc xác định trước khi bán lô thuốc đầu tiên ra thị trường mà các cơ sở bán buôn thuốc không được bán cao hơn mức giá này.

- Công bố giá bán buôn thuốc dự kiến là việc cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc gửi thông báo giá bán buôn thuốc dự kiến đến Bộ Y tế trước khi bán lô thuốc đầu tiên ra thị trường để thực hiện công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

- Công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến là việc cơ sở nhập khẩu thuốc, cơ sở sản xuất thuốc gửi thông báo giá bán buôn thuốc dự kiến đến Bộ Y tế  khi có thay đổi giá bán buôn thuốc dự kiến đã công bố để thực hiện công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

- Mặt hàng thuốc tương tự là các thuốc có cùng dược chất, dược liệu, cùng dạng bào chế và cùng tiêu chí kỹ thuật.

(Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược) 

Đề nghị thanh tra, kiểm tra việc quản lý thực phẩm chức năng, mỹ phẩm điều trị

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét bổ sung quy định quản lý với thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm điều trị vào phạm vi điều chỉnh của luật này.

Ủy ban Xã hội cho rằng, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và mỹ phẩm điều trị không phải là thuốc nên không điều chỉnh các sản phẩm này trong dự thảo luật.

Với những bất cập trong quản lý thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, mỹ phẩm điều trị, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định; tiến hành tổng kết việc thực hiện pháp luật có liên quan để đề xuất xây dựng luật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp. 

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Tạo thêm nhiều đột phá cho hợp tác Việt - Nga phát triển toàn diện

Tạo thêm nhiều đột phá cho hợp tác Việt - Nga phát triển toàn diện

(Thanh tra) - Những kết quả tốt đẹp chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nga Mikhail Mishustin sẽ tạo thêm nhiều đột phá cho hợp tác Việt Nam - Nga phát triển toàn diện, vì lợi ích của nhân dân hai nước, hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới.

T.Thanh

21:19 14/01/2025

Tin mới nhất

Xem thêm