Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ, chiều 22/2.
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay, dự thảo luật bổ sung thẩm quyền Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ trong trường hợp cấp thiết đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại Điều 10 Luật Cảnh vệ.
Việc này để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước.
Theo đó, dự thảo luật quy định: “Trong trường hợp cấp thiết để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, bảo đảm công tác đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp đối với đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại điều này”.
Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới cho biết có nhiều loại ý kiến khác nhau.
Theo ông Tới, nhiều ý kiến nhất trí với quy định như dự thảo luật, vì cho rằng, việc bổ sung quy định này xuất phát từ thực tiễn, đúng với thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an, tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc hiện nay.
|
|
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Tấn Tới. Ảnh: P.Thắng |
Một số ý kiến đề nghị làm rõ “trường hợp cần thiết” ngay trong luật để tránh việc áp dụng tùy nghi, thiếu thống nhất.
Một số ý kiến chưa nhất trí với việc bổ sung quy định này trong luật. Quan điểm này cho rằng, biện pháp cảnh vệ áp dụng khi có đối tượng cảnh vệ (khoản 3 Điều 1 Luật Cảnh vệ), trường hợp không có đối tượng cảnh vệ mà vẫn áp dụng biện pháp cảnh vệ là không hợp lý.
Thêm nữa, Luật Công an nhân dân đã quy định công an có nhiệm vụ áp dụng các biện pháp để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Luật Cảnh vệ cũng quy định về trường hợp ngoại giao khi có khách mời của lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước hoặc khách mời khác theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao mà không phải là đối tượng cảnh vệ khi đến thăm, làm việc tại Việt Nam thì căn cứ vào yêu cầu đối ngoại và thông lệ quốc tế để áp dụng một hoặc các chế độ cảnh vệ.
Nêu ý kiến sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc bổ sung thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công an là cần thiết. Theo ông, tờ trình cần thuyết minh kỹ “trường hợp cấp thiết” để thuyết phục đại biểu Quốc hội.
Bổ sung 3 chức vụ lãnh đạo vào diện đối tượng cảnh vệ là phù hợp
Điểm mới nữa, dự thảo luật bổ sung đối tượng cảnh vệ là Thường trực Ban Bí thư, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao.
Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí với đề xuất bổ sung đối tượng cảnh vệ.
Việc này, theo ông Tới, nhằm nhằm thể chế kịp thời quy định của Đảng và đảm bảo tính thống nhất, công bằng, minh bạch về chức danh, chức vụ và chế độ, chính sách đối với các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
“Việc bổ sung ba chức danh, chức vụ nêu trên là phù hợp với tính chất, tầm quan trọng của các vị trí này trong hệ thống chính trị”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh nói.
Cạnh đó, có ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị quy định đối tượng cảnh vệ trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại giữa các quốc gia, để bảo đảm tính chất tương ứng, nhất là khi đối tượng cảnh vệ đi công tác ở nước ngoài.
|
|
Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an. Ảnh: P.Thắng |
Vẫn theo Thứ trưởng Bộ Công an, dự thảo luật quy định thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ là hội nghị, lễ hội.
Dự thảo luật sửa đổi theo hướng áp dụng đối với hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ tổ chức và hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam có lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước tham dự.
Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội.
Việc thu hẹp diện đối tượng cảnh vệ là hội nghị, lễ hội cũng được đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh nhất trí.
Theo cơ quan thẩm tra, quy định hiện hành còn rộng, nhất là các hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức ở rất nhiều địa phương, đối tượng bảo vệ rộng và nhiều hội nghị, lễ hội chưa thực sự là “sự kiện đặc biệt quan trọng”. Các hội nghị quốc tế tổ chức tại Việt Nam cũng rộng.
Nếu tất cả hội nghị, lễ hội của Trung ương Đảng, Nhà nước và hội nghị quốc tế tại Việt Nam đều thực hiện công tác cảnh vệ sẽ dẫn đến dàn trải, tốn kém ngân sách Nhà nước và khó khăn trong việc triển khai lực lượng, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ cảnh vệ.
“Việc thu hẹp diện hội nghị, lễ hội như dự thảo luật là điều kiện để tập trung thực hiện tốt hơn công tác cảnh vệ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, thống nhất với quy định của Hiến pháp, phù hợp điều kiện an ninh, trật tự ở nước ta”, báo cáo thẩm tra nêu.
Tuy nhiên, có ý kiến trong Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị giữ nguyên các đối tượng cảnh vệ như quy định hiện hành nhằm bảo vệ tuyệt đối an toàn cho các hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Nhà nước tổ chức. Trường hợp cần thiết thì có thể bổ sung lực lượng, phương tiện thực hiện công tác cảnh vệ.
Cần nghiên cứu tổ chức lực lượng cảnh vệ đến cấp nào
Theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Luật Cảnh vệ thì lực lượng cảnh vệ, gồm: “Cán bộ, chiến sĩ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ thuộc Bộ Công an” và “cán bộ, chiến sĩ của Cục Bảo vệ an ninh Quân đội thuộc Bộ Quốc phòng”.
Tại dự thảo luật chỉ quy định “lực lượng cảnh vệ được tổ chức tại Bộ Công an và Bộ Quốc phòng”. Quy đinh như vậy, theo Chính phủ để thống nhất với Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Công an nhân dân.
Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh cho rằng, tờ trình và quy định của dự thảo luật chưa thể hiện rõ mục tiêu điều chỉnh.
“Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu nhu cầu tổ chức lực lượng cảnh vệ đến cấp nào để quy định cụ thể như một số luật có liên quan đã được Quốc hội ban hành trong thời gian gần đây”, ông Lê Tấn Tới nói.
Bởi theo dự thảo luật được hiểu là lực lượng cảnh vệ chỉ được tổ chức tại Bộ Công an và Bộ Quốc phòng (đơn vị cấp cục), không được tổ chức tại công an tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, cơ quan thẩm tra nêu.
|