Câu chuyện ĐBQH Phạm Phú Quốc có hai quốc tịch đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Theo quy định chung, nếu ĐB có sự thay đổi về lý lịch, thì bắt buộc phải báo cáo cơ quan quản lý.

Trao đổi với PV Báo Thanh tra chiều ngày 28/6, ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH nhấn mạnh, ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước.

“Anh là người Việt Nam, mang quốc tịch Việt Nam thì nhân dân mới bầu anh làm ĐBQH. Còn anh có quốc tịch nước ngoài thì không có lý do gì mà người Việt Nam bầu anh làm ĐBQH Việt Nam”, ông Hoà nói.

Theo ông Hoà, Luật Tổ chức QH hiện hành không quy định rõ về quốc tịch của ĐBQH, đây là một “sơ hở” rất lớn. Cho nên, Luật Tổ chức QH sửa đổi đã quy định rõ ĐBQH chỉ có “một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam” nhưng đến đầu năm 2021 mới có hiệu lực thi hành.

Với trường hợp của ĐBQH Phạm Phú Quốc, ông Hoà nhìn nhận là “rất hi hữu”. Năm 2016 khi ứng cử vào QH, ông Phạm Phú Quốc chỉ có một quốc tịch Việt Nam, đủ tư cách làm ĐBQH.

Đến năm 2018, ông Quốc có thêm quốc tịch nước ngoài nhưng không báo cáo đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh, Uỷ ban Thường vụ QH.

leftcenterrightdel
 Ông Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH. Ảnh: TN

“Ông Quốc không báo cáo với tổ chức về việc có quốc tịch nước ngoài là thiếu trung thực, không chấp nhận được. Việc ông Quốc nhập quốc tịch nước ngoài cần phải làm rõ. Dù không sai vì luật hiện hành chưa quy định cụ thể, nhưng là ĐBQH thì chỉ được mang quốc tịch Việt Nam, không được mang quốc tịch nước ngoài”, ông Hoà nêu quan điểm.

Vị  Ủy viên Ủy ban Pháp luật cho rằng, Ban Công tác ĐB cần làm việc với ĐBQH Phạm Phú Quốc, đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan để tham mưu với Uỷ ban Thường vụ QH xem xét vụ việc cụ thể.

“Ông Phạm Phú Quốc giờ có thêm quốc tịch nước ngoài thì chưa đủ điều kiện để làm ĐBQH của Việt Nam. Tôi nghĩ, ông Quốc nên làm đơn thôi xin thôi làm nhiệm vụ ĐBQH khoá 14 dù khoá này gần hết nhiệm kỳ rồi”, ông Phạm Văn Hoà nêu.

Còn nhớ trước đó, vào năm 2018, trên mạng xã hội rộ thông tin ĐBQH Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) có quốc tịch nước ngoài.

Thời điểm đó, khi trả lời báo chí, trước đây ông có quốc tịch Ba Lan, song khi về Việt Nam ứng cử ĐBQH ông đã xin thôi quốc tịch Ba Lan. Ông khẳng định chỉ có duy nhất một quốc tịch đó là quốc tịch Việt Nam.

Cơ quan chức năng của QH cũng khẳng định như vậy. “Trước khi ứng cử ĐBQH, ông Nguyễn Văn Thân chỉ có 1 quốc tịch và đến bây giờ, ông cũng chỉ có quốc tịch Việt Nam, không có thêm quốc tịch nào khác. Ông Thân đã có văn bản báo cáo đến các cơ quan chức năng về việc này", Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét

Trao đổi với báo chí hôm qua (25/8), ĐBQH Phạm Phú Quốc thừa nhận ông có quốc tịch quốc tịch Cộng hoà Síp (Cyprus) từ giữa năm 2018, do gia đình bảo lãnh. ĐBQH phủ nhận thông tin “mua” quốc tịch thứ 2.

Trước thông tin ông Phạm Phú Quốc có thêm quốc tịch Cộng hòa Síp, Ban Công tác ĐB của Uỷ ban Thường vụ QH đang tiến hành xác minh, kiểm tra sự việc này.

Trên cơ sở xác minh chính xác việc ĐB có hai quốc tịch từ cơ quan quản lý hộ chiếu, nếu đúng như vậy, Ban Công tác ĐB sẽ thực hiện các quy trình tiếp theo.

Trong trường hợp này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP Hồ Chí Minh, nơi ĐB Phạm Phú Quốc được bầu sẽ nêu quan điểm. Sau khi hoàn tất xác minh, lấy ý kiến các cơ quan liên quan, hồ sơ sẽ được trình lên Uỷ ban Thường vụ QH xem xét quyết định.

Hương Giang