Sáng nay (25/3) diễn ra Hội nghị Toàn quốc tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024.

19 chủ tịch HĐND tỉnh, thành là Ủy viên Trung ương Đảng

Báo cáo tổng kết về tổ chức và hoạt động của HĐND của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, tính đến ngày 10/3/2024, cơ cấu tổ chức của HĐND, thường trực HĐND, các ban HĐND ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có sự thay đổi.

Trong đó, kiện toàn bầu 3 Chủ tịch HĐND ở 3 tỉnh (Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương), 9 Phó Chủ tịch HĐND ở Thành phố Hồ Chí Minh và 8 tỉnh (Cao Bằng, Quảng Trị, Lâm Đồng, Bình Phước, Hòa Bình, Phú Yên, Thái Bình, Bắc Kạn).

Hiện trong 61 chủ tịch HĐND các tỉnh, thành phố có: 19 người là Ủy viên Trung ương Đảng, 18 người là bí thư tỉnh, thành ủy, 34 người là Phó Bí thư tỉnh, thành ủy, 10 Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh, thành ủy.

Về cơ bản, các địa phương đều bố trí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh, Thành ủy, Tỉnh ủy viên, Thành ủy viên giữ chức Phó Chủ tịch HĐND. Hiện cả nước có 54 Phó Chủ tịch HĐND là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh, Thành ủy và 58 Phó Chủ tịch HĐND là Tỉnh ủy viên, Thành ủy viên.

Đáng chú ý, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong năm 2023, HĐND một số tỉnh, thành phố đã miễn nhiệm 2 Chủ tịch HĐND (thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam) và 8 Phó Chủ tịch HĐND (Thành phố Hồ Chí Minh; các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Bình Phước, Phú Yên, Quảng Trị, Thái Bình) do chuyển công tác.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên bị miễn nhiệm do xử lý kỷ luật và Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương là ông Phạm Xuân Thăng bị bãi nhiệm do bị khởi tố.

Các địa phương cũng khởi tố, bắt tạm giam 2 Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng và Vĩnh Phúc. Lần lượt là, ông Trần Đức Quận (bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ) và bà Hoàng Thị Thúy Lan (bị khởi tố, bắt tạm giam vì hành vi nhận hối lộ liên quan vụ án Tập đoàn Phúc Sơn). Cả hai ông, bà này đều đã bị Ban Chấp hành Trung ương khai trừ ra khỏi Đảng.

“Hiện nay còn một số tỉnh, thành phố chưa kiện toàn Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND theo luật định”, báo cáo nêu.

Thành phố Đà Nẵng và các tỉnh (Quảng Nam, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng) chưa kiện toàn Chủ tịch HĐND.

Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh (Ninh Thuận, Ninh Bình, Long An, Hòa Bình, Bắc Ninh) chưa kiện toàn Phó Chủ tịch.

10 lãnh đạo nhận 50% phiếu “tín nhiệm thấp”, có người xin từ chức

Trong hoạt động giám sát thông qua việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng về công tác lấy phiếu tín nhiệm và tổ chức riêng kỳ họp chuyên đề hoặc tại kỳ họp thường lệ cuối năm để tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu.

leftcenterrightdel
Ông Lê Duy Thành là một trong những trường hợp nhận trên 50% phiếu tín nhiệm thấp. Ảnh: Báo Vĩnh Phúc

Theo quy định của Nghị quyết số 96 của Quốc hội, HĐND ở cấp tỉnh, cấp huyện trong cả nước đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu vào cuối năm 2023.

Ở cấp tỉnh, có tổng số 1.700 người được lấy phiếu tín nhiệm theo quy định. HĐND không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 208 người, gồm 176 người mới được HĐND bầu trong năm 2023 và 32 người có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được miễn nhiệm trước khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm.

Kết quả lấy phiếu cho thấy có 1.546/1.700 người được trên 50% tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm cao”, chiếm tỷ lệ 90,94%.

Đáng lưu ý, có 1 trường hợp rơi vào ngưỡng trên 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”, là Chủ tịch Vĩnh Phúc Lê Duy Thành.

Thời điểm lấy phiếu tín nhiệm cuối năm 2023, ông Lê Duy Thành nhận 53,19% số phiếu tín nhiệm thấp, nhiều nhất trong số 28 chức danh được lấy phiếu. Ông này sau đó bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam về tội nhận hối lộ trong vụ án liên quan đến Tập đoàn Phúc Sơn vào ngày 8/3.

Việc lấy phiếu tín nhiệm ở cấp huyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết có tổng số 12.028 người được lấy phiếu tín nhiệm.

HĐND không lấy phiếu tín nhiệm đối với 1.624 người (trong đó có 1.466 người mới được HĐND bầu trong năm 2023 và 158 người có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được miễn nhiệm trước khi tổ chức lấy phiếu tín nhiệm).

Kết quả, số người có trên 50% tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm cao” là 10.968/12.028 người, chiếm 91,19%. Ngoài ra, có 8 trường hợp nhận trên 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”, gồm cấp huyện của tỉnh Bình Phước, Hậu Giang, Hòa Bình, thành phố Hải Phòng (mỗi tỉnh, thành phố 1 người); Kiên Giang và Nghệ An (mỗi tỉnh 2 người).

Đặc biệt, có 1 trường hợp có trên 2/3 tổng số phiếu đánh giá "tín nhiệm thấp" ở cấp huyện của tỉnh Quảng Nam.

Đối với 8 trường hợp có trên 50% đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã được xử lý.

Cụ thể, tại Bình Phước, 1 người đã xin từ chức và được chấp thuận. Tại Hậu Giang, HĐND cấp huyện đã họp bỏ phiếu miễn nhiệm chức vụ đối với 1 người. HĐND cấp huyện thuộc tỉnh Nghệ An cũng đã tổ chức kỳ họp bỏ phiếu tín nhiệm và đã miễn nhiệm đối với 2 người.

Còn tại Hải Phòng, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định bố trí, luân chuyển công tác khác.

Ở Hòa Bình, HĐND đã tổ chức họp bỏ phiếu tín nhiệm nhưng kết quả bỏ phiếu không đạt quá nửa tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” nên vẫn được giữ nguyên chức vụ.

Hiện nay, còn tỉnh Kiên Giang và Quảng Nam đang tiến hành các thủ tục, quy trình để sớm trình HĐND xem xét, quyết định theo quy định pháp luật, theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hương Giang