Sáng 24/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2023.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong năm 2022, ngành Y tế đã đạt và vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao (số bác sĩ/10.000 dân, số giường bệnh/10.000 dân, tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) và 13/16 chỉ tiêu cụ thể về y tế.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tinh thần “sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật” của đội ngũ y bác sĩ và những kết quả mà ngành Y tế đã đạt được.

Theo ông, những nỗ lực, cống hiến, hy sinh của độ ngũ y, bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế đã mang lại thành quả chống dịch quan trọng, góp phần để đất nước vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển khá toàn diện trong năm qua.

Khắc phục nhanh, hiệu quả các hạn chế, yếu kém

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần phải quyết liệt hành động để khắc phục nhanh, hiệu quả. 

Trong đó, ông lưu ý, đội ngũ cán bộ còn nhiều người mắc khuyết điểm, thậm chí vi phạm pháp luật.

Hệ thống văn bản pháp luật còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ, nhất là mua sắm, đấu thầu, liên doanh liên kết, quản lý, sử dụng tài sản công; giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng một số bệnh viện còn chậm.

Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế; còn có khoảng cách về chất lượng dịch vụ y tế giữa thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, giữa dịch vụ công và dịch vụ tư. 

Tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối chưa được khắc phục. Công nghiệp dược chưa phát triển; tình trạng thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế, sinh phẩm cục bộ chưa được giải quyết dứt điểm.

Tự chủ trong ngành Y tế có xu hướng chững lại, thậm chí có bước lùi, một số bệnh viện đang tự chủ ở mức độ cao xin tự chủ ở mức độ thấp hơn. Trong khi, vấn đề tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế chưa được cải thiện. Chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhân viên y tế chậm được điều chỉnh…

Thủ tướng yêu cầu phải tiếp cận phát triển ngành Y tế một cách tổng thể, toàn diện cả y tế công lập và y tế tư nhân, không phân biệt công lập hay ngoài công lập, cả y học hiện đại và y học dân tộc, cả chuyên môn và dược liệu, cả con người và cơ sở vật chất; đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động mọi nguồn lực phát triển ngành Y tế nhanh, bền vững, hiện đại, tiên tiến, hội nhập.

Ngành Y tế phải khắc ghi và hành động theo Lời thề Hippocrates, 12 điều y đức trong khi triển khai nhiệm vụ. Không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ, làm sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật - Thủ tướng nêu rõ.

Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, không để người bệnh phải “mua ngoài”

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng cơ bản nhất trí với báo cáo và nhiều ý kiến phát biểu tại hội nghị. “Đã nói là làm, cam kết phải thực hiện, thực hiện phải hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được", Thủ tướng nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2023. Ảnh: Đ.X

Ông dành thời gian nêu rõ 11 nhiệm vụ cụ thể với ngành Y tế thời gian tới.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tâp trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để ngành Y tế phát triển nhanh, bền vững.

“Bộ trưởng phải trực tiếp chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, con người, cơ sở vật chất, thời gian, kinh phí để tập trung xây dựng và hoàn thiện thể chế, từ đó tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giúp cán bộ yên tâm làm việc, tránh tâm lý sợ sai, phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong quá trình thực thi”, Thủ tướng nói.

Bộ Tài chính được giao chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định số 151, Nghị định số 29 theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính để giải quyết vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xác lập sở hữu toàn dân đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao…

Các cơ quan cũng phải khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 98 về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 144 về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT.

Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, không để tiếp diễn tình trạng người bệnh phải “mua ngoài”. Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời, công khai, minh bạch. Khắc phục tâm lý "sợ sai", "làm ít sai ít", "không làm, không sai" đang xảy ra ở một số cơ sở y tế - Thủ tướng yêu cầu.

Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; triển khai đánh giá kết quả thực hiện việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, đẩy mạnh xã hội hóa…

Tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị các cơ quan Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế và nhân dân tiếp tục đồng hành, quan tâm, tạo điều kiện, chia sẻ, ủng hộ ngành Y tế.

Hương Giang