Ca khúc: Tự hào người làm báo Thanh tra

Theo dõi Báo Thanh tra trên

Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn chuyện "cứ lễ Tết công an cơ sở đi thu tiền bà con buôn bán”

Hương Giang

Thứ sáu, 06/11/2020 - 21:57

(Thanh tra) - "Quan điểm của Bộ Công an là kiên quyết trong xử lý các sai phạm, tiêu cực và đã thực hiện nhiều biện pháp để phòng ngừa, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, tiêu cực của cán bộ chiến sỹ, không bao che một trường hợp nào", Bộ trưởng Công an Tô Lâm nhấn mạnh.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Ảnh: TN

Chiều ngày 6/11, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn các thành viên Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao.

Trường hợp đại biểu nêu “hết sức cá biệt”

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề, hiện nay dư luận hết sức bất bình, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết là công an cơ sở đi thu tiền của bà con buôn bán.

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Công an cho biết  biện pháp gì để cho anh em không làm chuyện này nữa, để tránh ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của ngành Công an.

Theo người đứng đầu ngành Công an, trường hợp đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu là “trường hợp hết sức cá biệt”.

Hiện nay, Bộ Công an đã triển khai lực lượng công an xuống cơ sở, cấp phường, thị trấn và cấp xã, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, có nhiều động viên.

"Quan điểm của Bộ Công an là kiên quyết trong xử lý các sai phạm, tiêu cực và đã thực hiện nhiều biện pháp để phòng ngừa, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm, tiêu cực của cán bộ chiến sỹ, không bao che một trường hợp nào", Bộ trưởng Công an nhấn mạnh.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: CTV

Thông tin về một số biện pháp cụ thể chống nhũng nhiễu, tiêu cực trong lực lượng công an cũng như công an cấp cơ sở, Bộ trưởng cho hay, là tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng trong toàn lực lượng công an nhân dân với quan điểm "Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất" như quan điểm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trong một lần làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh đến việc gắn trách nhiệm, thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm quản lý cán bộ trong từng đơn vị được phân công phụ trách. Nếu cán bộ có vi phạm thì truy cứu trách nhiệm của người đứng đầu.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng trong công an nhân dân. Kiên quyết xử lý các vi phạm, không bao che, né tránh, đồng thời công khai, minh bạch kết quả xử lý.

"Nhân đây tôi cũng đề nghị đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, các đại biểu và cử tri, nhân dân cả nước nếu phát hiện ra công an có tiêu cực, vi phạm thì trao đổi với Bộ Công an ở mọi cấp. Bộ Công an sẵn sàng tiếp nhận mọi thông tin đó để xử lý kịp thời", Đại tướng Tô Lâm nói.

“Tạo điều kiện tối đa cho luật sư trong tranh tụng"

Trả lời chất vấn của đại biểu Nhưỡng về việc tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia tố tụng, Bộ trưởng khẳng định, về chủ trương chung và trên thực tiễn các cơ quan điều tra luôn luôn tạo điều kiện cho luật sư tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Bộ trưởng, ngày 10/10/2019, Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 46 quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, liên quan đến đảm bảo quyền bào chữa cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.

Thông tư này đã quy định rất cụ thể các biện pháp để thực hiện quyền nêu trên và tạo điều kiện cho luật sư tham gia thực hiện.

"Năm 2020, cơ quan điều tra các cấp đã cấp 3.765 giấy chứng nhận bào chữa theo yêu cầu của bị can, tăng so với trước là 2,42%; cấp 7.156 giấy chứng nhận bào chữa cấp theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, tăng 17,08%", Bộ trưởng Công an thông tin.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình. Ảnh: CTV

“Chia lửa” cùng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nói, tranh tụng là giải pháp mang tính đột phá của quá trình cải cách tư pháp. Vai trò của tòa án không phải chủ thể trong tranh tụng.

Với vụ án hình sự, bên buộc tội và bên gỡ tội, tức là luật sư và viện kiểm sát là hai chủ thể tranh tụng. Với vụ án dân sự là bên nguyên và bên bị. Tòa án có nhiệm vụ là tạo môi trường thuận lợi cho hai bên tranh tụng.

“Chúng tôi quan niệm rằng sự tham gia của luật sư là đúng đắn, đúng pháp luật chính là con đường dẫn đến công lý. Cho nên, chúng tôi tạo điều kiện tối đa cho luật sự tranh tụng”, Chánh án Tối cao nhấn mạnh.

Ý kiến bình luận:

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.

Hiện chưa có bình luận nào, hãy trở thành người đầu tiên bình luận cho bài biết này!

Tin cùng chuyên mục

Thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa

Thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa

(Thanh tra) - Chiều 23/11, với 413/422 đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Di sản văn hóa sửa đổi, trong đó có quy định về thành lập thanh tra chuyên ngành di sản văn hóa.

Hương Giang

16:19 23/11/2024

Tin mới nhất

Xem thêm