Sáng ngày 21/5, Quốc hội họp trực tuyến nghe tờ trình, thẩm tra dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho hay, hiện nay, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển là xu thế chung, tuy nhiên tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang diễn biến khá phức tạp, khó lường, nhất là vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột sắc tộc, tôn giáo, ly khai...

Sự điều chỉnh chiến lược, can dự, chi phối, cạnh tranh, phân chia lợi ích, củng cố quyền lực của các nước lớn đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương làm cho môi trường an ninh, chính trị ngày càng phức tạp.

Các thế lực thù địch tăng cường chống phá cách mạng Việt Nam; vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm ma túy và các loại tội phạm có tính chất xuyên biên giới, di dịch cư tự do diễn biến phức tạp…

“Tình hình trên đặt ra nhiều yêu cầu đối với sự nghiệp đổi mới, phát triển và tư duy mới về hoạt động biên phòng để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”, Bộ trưởng Quốc phòng báo cáo trước Quốc hội.

Ở góc độ cơ quan thẩm tra, Uỷ ban Quốc phòng An ninh cơ bản nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam.

Về trang bị của Bộ đội Biên phòng, Dự thảo Luật trình Quốc hội quy định, “được trang bị máy bay, tàu thuyền, ô tô và phương tiện khác; các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thực thi nhiệm vụ biên phòng theo quy định pháp luật”.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, quy định trang bị máy bay là chủ trương lớn, nhằm xây dựng Bộ đội Biên phòng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại” nên đề nghị nghiên cứu kỹ để phù hợp với thực tế hoạt động của lực lượng này.

Tránh gây hiểu nhầm Bộ đội Biên phòng kiểm soát người, hàng hoá

Một số ý kiến cũng đề nghị cân nhắc nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng “tổ chức quản lý, bảo vệ đường biên giới quốc gia” và “tổ chức thực thi pháp luật về biên giới quốc gia” vì còn nhiều lực lượng có liên quan khác có trách nhiệm thực hiện các quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia.

leftcenterrightdel
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt. Ảnh: quochoi.vn 

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng “kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý theo quy định pháp luật” chồng chéo với thẩm quyền của hải quan, dễ gây hiểu là Bộ đội Biên phòng kiểm soát toàn bộ người, phương tiện, hàng hóa, nên đề nghị quy định cụ thể về đối tượng kiểm soát; cân nhắc cụm từ “nòng cốt” cho phù hợp với nhiệm vụ của các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng.

“Uỷ ban Quốc phòng An ninh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu các ý kiến trên, rà soát, bổ sung, chỉnh lý lại để thống nhất với quy định về nhiệm vụ biên phòng, tránh chồng chéo, trùng lắp nhiệm vụ giữa các lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng và bảo đảm tính khả thi”, ông Việt nói.

Đi cùng với nhiệm vụ, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị rà soát lại quyền hạn của Bộ đội biên phòng để bảo đảm tính thống nhất với Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Phòng chống ma tuý; Luật Phòng chống mau bán người… tránh hạn chế quyền con người, quyền công dân.

Việt Nam có đường biên giới đất liền khoảng 5.036,471 km, bờ biển dài 3.260 km với 44 tỉnh, TP có biên giới quốc gia.

Biên giới đất liền tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia gồm: 25 tỉnh, 103 huyện, thị xã biên giới với 435 xã, phường, thị trấn. Có 203 cửa khẩu biên giới đất liền và cửa khẩu cảng; trong đó có 25 cửa khẩu quốc tế, 24 cửa khẩu chính, 68 cửa khẩu phụ, 34 cửa khẩu cảng, 02 cảng nội địa, 282 bến cảng, 14 cảng dầu khí ngoài khơi.

Tuyến biển, đảo với 28 tỉnh, TP ven biển (136 huyện, quận, thị xã, TP trực thuộc tỉnh với 675 xã, phường, thị trấn khu vực biên giới biển); có 189 cảng biển, 15 khu kinh tế ven biển.

Vùng biển Việt Nam rộng trên 1 triệu km2 (vùng nội thủy, lãnh hải chiếm 37%) 

Hương Giang